Hiện trường vụ cháy khiến 3 người tử vong tại thị xã An Khê, Gia Lai. Ảnh: CACC
Phóng hỏa giết người rồi tự tử
Chiều 9/1, Cơ quan CSĐT – CA tỉnh Gia Lai cho biết đã phát hiện ông N.T.N (SN 1972, trú thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) tử vong trong tư thế treo cổ tại một phòng trọ trên địa bàn thị xã An Khê. Ông N.T.N là nghi phạm gây ra vụ phóng hỏa, giết người làm 3 người tử vong trong phòng trọ trên đường Hoàng Hoa Thám, thị xã An Khê vào rạng sáng cùng ngày.
Trước đó vào khoảng 2h sáng, lực lượng chức năng nhận được tin báo vụ cháy lớn xảy ra tại phòng trọ trên đường Hoàng Hoa Thám. Sau khi dập tắt đám cháy, CQCA phát hiện có 3 thi thể gồm 2 nữ, 1 nam bên trong nhà trọ. Các nạn nhận được xác định là bà N.T.T.V (SN 1979), em T.T.K.H (SN 2009, con gái bà V, cùng trú phường An Phước, thị xã An Khê) và người đàn ông là N.T.T (trú tại TP Pleiku).
CQCA nhận định, đây là vụ phóng hỏa, giết người. Qua điều tra, CA xác định nghi phạm là ông N, bạn trai của bà V. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ liên quan, CQCA xác định khoảng 1h sáng, nghi phạm N mang theo can xăng 5 lít đến phòng trọ bà V thuê. Tại đây, ông N đổ xăng, châm lửa đốt. Sau khi gây án, ông N về chỗ ở cách hiện trường khoảng 1km rồi treo cổ tử tự trong phòng. Khi được phát hiện, ông N đã tử vong.
Giết người rồi tự sát không phải chuyện hiếm. Có thể kể đến như vụ án Giáp Thị Huyền Trang (SN 1996) bắt cóc, sát hại trẻ em ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) rồi tự tử; Nguyễn Văn Hiệp (SN 1986, Thái Nguyên) giết nhân viên một cửa hàng quần áo ở Bắc Ninh sau đó nhảy cầu tự tử.
Người thừa kế của hung thủ có nghĩa vụ bồi thường
Trong các trường hợp này, khi hung thủ đã tử vong, thì trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về ai? Theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, người có hành vi giết người thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội 'Giết người'.
Cũng theo quy định tại khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, trong trường hợp vụ việc chỉ có một người duy nhất là hung thủ và có kết luận là người này đã chết mà không cần tái thẩm đối với người khác thì Viện Kiểm sát không khởi tố vụ án hình sự. Ngoài ra, nếu có căn cứ xác định trong vụ án còn có những đồng phạm khác hỗ trợ hung thủ thực hiện hành vi phạm tội thì những người này phải chịu trách nhiệm hình sự theo phán quyết của tòa án.
Như vậy, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, luật hình sự không có điều khoản quy định gia đình người phạm tội phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự thay người phạm tội cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. 'Pháp luật cũng quy định, hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết' – luật sư Nguyễn Tiến Hùng nói.
Vì hung thủ đã giết người nên người thừa kế của hung thủ có nghĩa vụ bồi thường về tính mạng, tài sản và tinh thần cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân. Theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại.
'Nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định' – luật sư Nguyễn Tiến Hùng phân tích.
Như vậy, có thể hiểu nếu nghi phạm chết, người thừa kế (cha, mẹ, vợ, con…) sẽ có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bị hại nhưng chỉ trong phạm vi di sản thuộc quyền sở hữu của người đó. 'Nếu bị can, bị cáo đã chết không còn tài sản thì người bị thiệt hại không đòi được gì, bởi người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết' – theo luật sư Hùng.