Các đối tượng gồm Phạm Thị My (SN 1963) và Bùi Văn Sâm (SN 1949), nguyên giáo viên Đại học sư phạm Hà Nội.
Đây là vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Hành vi sai phạm của các bị can đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý Nhà nước, làm ảnh hưởng đến tính công bằng, minh bạch của kỳ thi THPT Quốc gia, ảnh hưởng đến uy tín của BộGD&ĐT.
Quá trình điều tra xác định, bị can Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My là chuyên gia, giáo viên được Bộ GD&ĐT phân công nhiệm vụ tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hoá (NHCHTCH) và tham gia Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2021, đã ký cam kết tuân thủ quy định bảo mật. Song, lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao; lợi dụng việc biết được quy luật rút tổ hợp câu hỏi thi của phần mềm quản lý NHCHTCH để thực hiện hành vi mang tài liệu liên quan đến quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi (NHCHT) ra ngoài khu vực quy định để soạn thảo câu hỏi thi đưa vào ngân hàng câu hỏi (NHCH) và giảng dạy cho các học sinh nói trên đã làm trái quy định tại Quy trình xây dựng NHCHTCH năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1044/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2020 của Bộ GD&ĐT; quy định đối với việc biên soạn, biên tập câu hỏi thô trong phát triển ngân hàng câu hỏi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - 2021 của Cục Quản lý chất lượng (QLCL), Bộ GD&ĐT; quy định về bảo mật an ninh nội bộ trong công tác xây dựng NHCHTCH số 16/QyĐ- KTQG ngày 20/3/2017 của Trung tâm Khảo thí Quốc gia (TTKTQG).
Một bài giảng của thầy Phan Khắc Nghệ.
Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, ngày 5/7/2021 và ngày 7/7/2021 ông Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh đã đăng tải video bài giảng môn sinh học gồm “bài giảng cô đọng lý thuyết” và “đề Vip 40' trên trang mạng xã hội Facebook có tên “Luyện thi môn Sinh học” để giảng dạy trực tuyến trên mạng Internet cho các học sinh đăng ký tham gia nhóm Facebook này.
Căn cứ kết quả giám định của Bộ GD&ĐT xác định: Các câu hỏi do bị can Bùi Văn Sâm và bị can Phạm Thị My soạn thảo đưa vào ngân hàng câu hỏi và 4 tổ hợp đề được chọn làm nguồn xây dựng đề chính thức so với các câu hỏi trong video của Phan Khắc Nghệ giảng dạy trên mạng Internet có nội dung giống 70% đến 100%. Trong đó, có một số câu hỏi trùng cả về nội dung, đơn vị kiến thức, lời dẫn và đáp án.
Kết quả điều tra xác định ông Phan Khắc Nghệ đã tham gia công tác xây dựng NHCHTCH (năm 2009 đến 2018) của Bộ GD&ĐT, có quan hệ quen biết với bị can Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My; trong các năm 2015, 2016, 2018 ông Nghệ có gửi Email cho bị can Phạm Thị My về các câu hỏi thi môn Sinh học. Trong quá trình bị can Phạm Thị My tham gia xây dựng NHCHTCH năm 2021, ông Nghệ cũng nhiều lần gọi điện, gửi email hẹn gặp My để tìm hiểu thông tin liên quan đến đề thi môn Sinh học. Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT Bộ Công an chưa có căn cứ xác định bị can Phạm Thị My gặp, trao đổi thông tin tài liệu liên quan đến NHCHTCH năm 2021 cho ông Nghệ. Mặt khác, do tài liệu ông Nghệ giảng dạy trên mạng nói trên không có giá trị truy nguyên nên chưa đủ căn cứ xác định ông Phan Khắc Nghệ sử dụng tài liệu của bị can Bùi Văn Sâm, Phạm Thị My để giảng dạy.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn xác định: Theo thiết kế ban đầu, Phần mềm quản lý NHCHTCH của Bộ GD&ĐT không có tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi và khi được sử dụng để xuất các tổ hợp câu hỏi thi sẽ hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên các câu hỏi thành một tổ hợp các câu hỏi thi phục vụ công tác ra đề thi kỳ thi THPT của Hội đồng ra đề thi. Phần mềm này việc này được áp dụng trong Hội đồng ra đề năm 2018. Tuy nhiên, từ năm 2019, Phần mềm đã được chỉnh sửa thêm một số tính năng, trong đó có tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi và thay đổi cơ chế rút đề nên khi sử dụng tại Hội đồng ra đề thi năm 2019, 2020 và 2021, nên không còn hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên các câu hỏi, mà chọn theo thứ tự xếp hạng các câu hỏi (các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề).
Kết quả xác minh, thu thập tài liệu tại Bộ GD&ĐT xác định: Việc sử dụng phần mềm rút các tổ hợp câu hỏi từ NHCHTCH tại Hội đồng ra đề thi các năm 2019, 2020 và 2021 không theo nguyên tắc ngẫu nhiên mà đã được thực hiện theo quy luật các câu hỏi có cùng số thự tự xếp hạng đều được rút vào cùng một tổ hợp.
Trong quá trình xây dựng NHCHTCH năm 2019, theo yêu cầu, chỉ đạo của ông Sái Công Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục QLCL (hiện là Phó Vụ trưởng Vụ THPT), Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi và chủ tịch Hội đồng ra đề thi năm 2018, 2019, 2020 về việc cần đảm bảo yêu cầu cân bằng độ khó giữa các câu hỏi trong tổ hợp câu hỏi thi mang đi thử nghiệm và giữa các tổ hợp câu hỏi được chọn cần phải có sự liên kết (câu cầu), ông Đỗ Thế Chuẩn, cán bộ TTKTQG được giao phụ trách quản lý Phần mềm đã chỉnh sửa Phần mềm bằng cách viết mã nguồn (code) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của Phần mềm.
Với việc cập nhật, tác động vào Phần mềm như trên, sau khi các giáo viên trong Tổ bộ môn xếp hạng các câu hỏi thi thì khi trích xuất các tổ hợp câu hỏi thi mang đi thử nghiệm sẽ không còn được rút ngẫu nhiên nữa mà sẽ rút được các tổ hợp câu hỏi mà trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề, ngoài ra, giữa các tổ hợp có sự liên kết (câu cầu) thông qua tổ hợp trung gian ở giữa.
Cụ thể, tổ hợp này sẽ có một phần câu hỏi của tổ hợp liền trước và một phần câu hỏi của tổ hợp liền sau. Quá trình thực hiện chỉnh, sửa phần mềm, ngày 22/3/2019, ông Đỗ Thế Chuẩn có gửi email cho ông Sái Công Hồng, bà Nguyễn Hoàng Nga và Phạm Thị Thuỳ Linh (đều là cán bộ của Trung tâm khảo thí quốc gia cùng ông Chuẩn thực hiện chỉ đạo của ông Hồng) nội dung sẽ cập nhật phần mềm và minh hoạ lại các sinh tổ hợp đề như nêu trên. Sau khi kết thúc việc thử nghiệm, ông Chuẩn đã bỏ cách lấy các tổ hợp có câu cầu và cơ chế rút tổ hợp câu hỏi lúc này được thực hiện theo cơ chế các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hàng vào cùng một tổ hợp. Cách rút đề này đã được áp dụng trong các Hội đồng ra đề thi năm 2019, 2020 và 2021.
Trong quá trình xây dựng ngân hàng câu hỏi, Phạm Thị My đã giảng dạy, ôn tập cho 7 học sinh là các mối quan hệ họ hàng, quen biết, trong đó đã sử dụng nội dung các câu hỏi do bị can Bùi Văn Sâm. Đồng thời, bị can Phạm Thị My biên soạn đưa vào ngân hàng câu hỏi giảng dạy cho 4 học sinh. Bị can Bùi Văn Sâm đã giảng dạy, ôn tập cho 4 học sinh là các mối quan hệ họ hàng, quen biết các câu hỏi do bị can Bùi Văn Sâm, bị can Phạm Thị My biên soạn đưa vào NHCHTCH.
Hành vi của hai bị can Bùi Văn Sâm đã vi phạm Quy trình xây dựng NHCHTCH năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định 1044/QĐ-BGDĐT ngày 24/7/2020 của Bộ GD&ĐT; quy định đối với việc biên soạn, biên tập câu hỏi thô trong phát triển ngân hàng câu hỏi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 - 2021 của Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT; Quy định về bảo mật an ninh nội bộ trong công tác xây dựng NHCHTCH số 16/QyĐ-KTQG ngày 20/3/2017 của TTKTQG thuộc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và bản cam kết bảo mật, gây hậu quả xâm hại trực tiếp đến sự hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức là Bộ GD&ĐT, dẫn đến sự không công bằng, minh bạch đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.