Chuyến đi đến địa ngục
Tàu Arcona ở cảng Lubeek lúc chuẩn bị di chuyển tù nhân
Hạ thủy tháng 3/1926, SSCap Arcona là một trong những con tàu dân sự lớn nhất nước Đức thời bấy giờ, hành trình trên tuyến Đức - Nam Mỹ với những ca bin dành cho 575 khách hạng nhất, 275 khách hạng nhì và 365 khách hạng ba. Ngoài ra còn khoảng 500 chỗ cho những khách bình dân. Ở boong trên cùng, có một bể bơi và một sân tennis tiêu chuẩn, còn ở boong thứ nhì là nhà hàng ăn, sân khấu ca nhạc, sàn khiêu vũ. Tốc độ hành trình của Arcona khoảng 36km/giờ nhưng có thể lên đến 45km/giờ.
Khi Thế chiến II bùng nổ, Hải quân Đức trưng dụng tàu Arcona vào việc vận chuyển quân đội, đồng thời sơn lại toàn bộ thân tàu thành màu xám. Trong những tháng cuối cùng của cuộc tấn công xâm lược Liên Xô, từ đầu tháng 2 đến cuối tháng 3/1945, Arcona đã thực hiện liên tiếp 3 chuyến hải hành, cứu thoát 25.795 sĩ quan, binh lính Quốc xã khỏi sự bao vây của Hồng quân Liên Xô ở Đông Phổ. Lúc Đồng minh mở mặt trận thứ 2 bằng việc đổ bộ lên Normandy, Pháp, rồi lần lượt giải phóng châu Âu và bắt đầu tiến vào nước Đức, Arcona nhận nhiệm vụ di chuyển tù binh chiến tranh và tù nhân Do Thái từ các trại tập trung Neuengamme, Mittelbau-Dora và Stutthof ở miền Bắc nước Đức đến các trại tập trung mới được thành lập. Cùng làm công việc này còn có ba tàu khác là Deutschland, Thielbek và Athen.
Ngày 27/4/1945, 5.000 tù binh chiến tranh và tù nhân Do Thái thuộc các quốc tịch Mỹ, Belarus, Bỉ, Canada, Tiệp Khắc, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Ý, Latvia, Litva, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Rumani, Nga, Serbian, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Ukraine bị dồn lên tàu Arcona rồi bị nhét xuống 2 hầm tàu, hầm trên 3.500 người, hầm đáy 1.500. Gesells, tù binh Na Uy may mắn sống sót kể lại: “Tôi bị nhốt ở hầm trên. Nó chỉ đủ chỗ ngồi cho 3.500 người chứ không thể nằm được. Tất cả cửa sổ đều bị đóng kín. Mỗi ngày 1 lần, lính Đức mở cửa hầm rồi đổ khoai tây luộc xuống, phần lớn rơi vào tay những người ngồi ngay cửa. Nước uống cũng thế, lính Đức thòng dây thả xuống. Do không có phòng vệ sinh nên tù nhân tiêu tiểu tại chỗ. Đến ngày thứ ba, nó bốc mùi đến độ lính Đức phải bơm nước biển vào. Do toàn bộ chiều dài hầm tàu chỉ có 12 họng thoát nước chia đều ra hai bên nên phải mất nhiều tiếng, nước lẫn chất thải mới ra hết…”.
Trại tập trung Stutthof trống không khi quân Đồng Minh tiến vào
Ở hầm đáy, tình cảnh cũng không khá hơn. 1.500 tù nhân cũng phải ngồi chịu trận. Mỗi lần có người chết, xác được buộc vào dây để lính Đức kéo lên rồi ném xuống biển. Mọi sự trợ giúp về y tế chỉ là con số 0. Thế vẫn chưa hết, đến tối 2/5/1945, lại có hơn 800 tù nhân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em Do Thái từ các trại Stutthof và Mittelbau-Dora được đưa ra tàu Arcona bằng sà lan nhưng thuyền trưởng từ chối tiếp nhận vì không còn chỗ chứa. Để giải quyết, lính Đức đưa họ trở lại bãi biển Neustadt rồi bắn chết họ.
Sau này khi Đồng minh mở phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Nuremberg, một số sĩ quan Hải quân Đức đã biện hộ rằng kế hoạch của họ là đưa tù nhân sang quốc gia trung lập Thụy Điển để nơi đây trao trả cho Hội Chữ Thập đỏ quốc tế nhưng các tài liệu thu được từ Bộ Tư lệnh Hải quân Đức ở Berlin cho thấy Heinrich Himmler, chỉ huy lực lượng SS Đức Quốc xã đã có ý kiến rằng khi tàu ra đến ngoài khơi Đại Tây Dương, thuyền trưởng và thủy thủ đoàn sẽ xuống xuồng cứu sinh, còn các tàu chở tù nhân sẽ bị đánh chìm để phi tang tội ác diệt chủng.
Thế nhưng định mệnh oái oăm xui khiến những tù nhân trên tàu Arcona và Thielbek không chết dưới tay Đức Quốc xã mà bị hủy diệt do Không lực Anh, mà nguyên nhân là từ những nguồn tin tình báo sai lệch.
Cuộc không kích oan nghiệt
Ngày 29/4/1945, bộ phận phân tích tình báo thuộc Không lực Hoàng gia Anh nhận được những bức không ảnh chụp tàu Arcona neo đậu ở cầu tàu trong vịnh Lubeek. Thông tin do các điệp viên nằm vùng gửi về xác nhận “nhiều chỉ huy cao cấp Đức Quốc xã sẽ theo tàu này trốn sang Argentina, Nam Mỹ bằng cách sử dụng danh tính giả như thường dân”.
Tàu Arcona bốc cháy sau khi trúng bom
Một ngày trước đó, các quan chức Hội Chữ thập đỏ quốc tế đã trao đổi với Hội Chữ thập đỏ Anh rằng theo các nguồn tin mà họ biết, tàu Arcona sẽ được dùng để chở tù nhân nhưng không rõ là đi đâu. Tuy nhiên cuộc trao đổi này không được Hội Chữ thập đỏ Anh báo cho những người có trách nhiệm.
Vì thế, dựa vào tin tình báo, Bộ chỉ huy Không lực Hoàng gia Anh quyết định giao nhiệm vụ tiêu diệt tàu Arcona cho Không đoàn 82 thuộc Sư đoàn Không quân chiến thuật số 2. Trung tá Derek Stevenson, chỉ huy Không đoàn 82 nhớ lại: “Lúc ấy, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã bay cả ngày lẫn đêm để làm nổ tung các tuyến đường sắt, nhà máy lọc dầu, tàu bè, xe cộ nên việc đánh tàu Arcona chỉ là một trong những nhiệm vụ cần phải thi hành, nhất là khi biết bọn lãnh đạo cao cấp Quốc xã dùng tàu để bỏ trốn”.
Chiều 1/5/1945, những bức không ảnh cuối cùng gửi về cho thấy tàu Arcona đã rời cảng Lubeek. James Stevenson, sĩ quan phân tích cho biết căn cứ vào mớn nước, chiếc Arcona có vẻ chở rất nặng và tốc độ của nó chỉ khoảng 20km/giờ nhưng ý kiến của trưởng phòng tình báo cho rằng sở dĩ nó chở nặng là vì nó đang chuyển đi những tài sản cướp được sau 5 năm chiếm đóng châu Âu. Trung tá Derek Stevenson nói: “Vì thế, tôi ra lệnh cho 24 máy bay thuộc các Phi đội 184, 193, 263, 197 và Phi đội 198 sẵn sàng xuất kích. Ngoài những chiếc tiêm kích Spitfire làm nhiệm vụ cảnh giới và đánh chặn máy bay Đức, việc đánh tàu được giao cho 4 phi đội Hawker Typhoon Mark 1B. Mỗi chiếc Hawker có bốn khẩu pháo 20mm, tám tên lửaHE60-lb RP-3 và hai quả bom 500 lb (230 kg)”.
Tàu Arcona lật nghiêng, mang theo 4.650 tù nhân
Sáng 3/5/1945, hơn 1 tiếng sau khi cất cánh, phi công thuộc Không đoản 82 nhìn thấy những bọt nước trắng xóa từ đuôi tàu Arcona. Không những thế, họ còn phát hiện thêm 3 tàu khác mà sau này được xác định là tàu Thielbek, tàu Deutschland và tàu Athen, cả ba cũng đều chở tù nhân. Trung tá Derek Stevenson kể lại: “Điều khiến tôi ngạc nhiên là với nhiệm vụ quan trọng như thế, Không quân Đức phải cử máy bay đi theo bảo vệ nhưng xung quanh chúng tôi tuyệt nhiên chẳng hề thấy bóng dáng của một chiếc tiêm kích Đức nào. Khi tôi báo về Bộ Tư lệnh Sư đoàn Không quân chiến thuật số 2, ý kiến của sĩ quan tham mưu cho rằng bọn Đức làm thế là để nghi binh nên ông ra lệnh cho tôi cứ đánh”.
9 giờ sáng, 18 máy bay Hawker Typhoon Mark 1B chia ra từng đợt, lao xuống tấn công 4 tàu Đức. Phi công Allan Wyse thuộc Phi đội số 193 nhớ lại: “Sau khi ném hết bom, chúng tôi sử dụng đại bác 20mm. Nó nổ tung tóe trên boong tàu. Nhiều lính Đức liều mạng nhảy xuống biển rồi trở thành những tấm bia sống cho phi công. Thật là kinh khủng nhưng chúng tôi được yêu cầu phải làm điều đó và chúng tôi đã làm tốt”. George Osborn, phi công lái chiếc tiêm kích Spitfire nói tiếp: “Đạn 20mm nổ chìm dưới nước. Xác người bập bềnh theo từng con sóng. Chưa bao giờ mục tiêu của chúng tôi lại phơi bày trần trụi như thế. Không một phát súng nào bắn lên. Tất cả chỉ là những tiếng nổ do chúng tôi bắn xuống”.
Cuộc không kích kéo dài khoảng 40 phút. Bị thủng nhiều chỗ rồi bốc cháy, chiếc Arcona lật nghiêng và hai chiếc Thielbek, Deutschlandcũng chung số phận. Riêng chiếc Athen, do một số tàu chiến Đức đến ứng cứu nên nó chỉ bị hư hại nhẹ. Các tàu Đức vớt được 420 sĩ quan, lính SS, trong đó có 20 người là phụ nữ cùng 16 thủ thủy trên tàu Arcona. Về phía tù nhân, chỉ 350 người theo các lỗ thủng ở thân tàu thoát ra được. Số còn lại chết đuối. Với tàu Thielbek, trong số 2.800 tù nhân chỉ 50 người sống sót; còn tàu Deutschland gồm 2.000 tù nhân, do bị giam ở 2 boong trên nên trước khi tàu lật, họ được tàu Athen vớt.
Ngày 4/5, máy bay trinh sát của Không lực Hoàng gia Anh chụp ảnh ba xác tàu Arcona, Deutschland và Thielbek trong tư thế lật nghiêng. Đến lúc ấy, người Anh vẫn chưa biết họ đã đánh vào đoàn tàu chở tù nhân. Phải hơn 1 tuần sau, khi hàng nghìn thi thể dạt vào bờ biển vịnh Neustadt rồi qua bộ quần áo trắng sọc đen trên những tử thi, họ mới biết người chết là tù nhân. Tất cả đều được chôn chung trong những ngôi mộ tập thể ở Holstein, Scharbeutz. Họ chết chỉ 4 ngày trước khi Đức Quốc xã đầu hàng.
Vụ đánh nhầm được Không quân Anh giấu nhẹm và cũng bởi niềm vui chiến thắng quá lớn nên chẳng ai để ý. Chỉ đến khi 2.400 tù nhân sống sót ở cả ba con tàu Arcona, Thielbek và Deutschland được tự do thì mọi chuyện mới phơi bày. Tù binh Robert Damp là lính Mỹ nói: “Bị giam trong hầm tàu, tôi không nghe tiếng máy bay mà chỉ nghe nhiều tiếng nổ lớn. Lúc ấy tôi đoán là tàu chở chúng tôi đụng độ với tàu Đồng Minh. Tới hồi tàu lật nghiêng, nước tràn vào theo những lỗ thủng, tôi cùng một số người khác thoát ra được nhưng sau đó lại bị bắt lên tàu Athen”. Polino, tù binh người Italia nói tiếp: “Lúc lên tàu Athen, tôi mới biết chỉ vài trăm người còn sống. Nó kinh khủng còn hơn vụ chìm tàu Titanic. Lính Đức bảo với chúng tôi rằng, “Mở mắt ra chưa. Đồng bọn chúng mày giết chúng mày đấy”.
Với các phi công tham dự trận đánh tàu Arcona, họ hoàn toàn không hay biết sự thật kinh hoàng nằm sau sứ mệnh mà họ đã thực hiện vì đơn giản họ chỉ hiểu rằng họ xuất kích là để “ngăn chặn các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp Đức Quốc xã trốn sang Argentina”. Trung úy David Ince, người đã ném quả bom đầu tiên xuống tàu Arcona nói: “Nếu bạn đang ở trong cuộc chiến thì những chuyện nhầm lẫn như vậy sẽ xảy ra. Bạn không thể ngăn chặn nó vì bạn không biết sự thật về nó”.
Cũng sau chiến tranh, ngoại trừ một số quan chức chóp bu của chế độ Quốc xã phải ra tòa vì tội diệt chủng, trong đó có Đô đốc Donizt, Tư lệnh Hải quân Đức Quốc xã, còn những người đã nhận định sai lệch thông tin tình báo dẫn đến cái chết của hơn 7.000 tù nhân thì chẳng ai hề hấn gì, ngay cả một lời khiển trách cũng không…