Vụ mất tích kỳ lạ
Từng có nhiều năm tháng công tác với Trung tá Tống Quang Hiếu ở Phòng CSHS - Công an TP Hà Nội, nên tôi hiểu khá 'sâu' về năng lực, sở trường của người lính này. Với bản lĩnh của 'lính số 7', khi về làm Trưởng Công an thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội), anh đã phát huy những tố chất xưa trong giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra trên địa bàn, trong đó có vụ giết vợ phân xác từng gây chấn động dư luận một dạo.
Câu chuyện về hành trình điều tra vụ án này được chúng tôi chia sẻ cùng nhau dưới 'mắt nhìn' của những người làm án.
Trung tá Tống Quang Hiếu - Trưởng Công an thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Trung tá Hiếu kể, ngày 1/2/2019 đơn vị anh tiếp nhận trình báo của người dân về việc bà Đặng Thị Hải - (sinh năm 1960, là chủ hệ thống nhà nghỉ Hoa Anh Đào thuộc tổ 5, khu Chiến Thắng, thị trấn Xuân Mai) đột ngột mất tích. Một tổ CSHS thị trấn được cử xuống địa bàn sơ bộ nắm tình hình. Kết quả xác định bà Hải quê ở tỉnh Hòa Bình, nhưng đã sinh sống, kinh doanh hệ thống nhà nghỉ tại địa phương được hơn 20 năm. Bà Hải có chồng nhưng đã ly hôn từ nhiều năm trước, bà có hai người con nhưng không sống chung một nhà. Đầu năm 2018, bà Hải tái hôn với người đàn ông kém tuổi, là người Đông Anh nhưng đến giữa năm thì hai vợ chồng sống ly thân.
Tại thời điểm xác minh bà Hải vắng nhà, nhưng gia đình, hàng xóm cho biết thỉnh thoảng bà vẫn ra khỏi nhà 1-2 ngày mới về. Vì vậy, Công an thị trấn Xuân Mai đã rất thận trọng khi thu thập, ghi nhận thông tin để tránh nhầm lẫn đáng tiếc, đồng thời báo cáo sự việc lên Công an huyện.
Tiếp tục nắm tình hình phát hiện vụ mất tích có một số dấu hiệu đáng ngờ, nghĩ đến khả năng đã có tội phạm xảy ra, Công an huyện Chương Mỹ đã báo cáo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, Phòng CSHS để phối hợp triển khai các hoạt động điều tra làm rõ sự việc.
Đại úy Nguyễn Khắc Đạt - (Đội trưởng Đội KNHT, Công an huyện Chương Mỹ) nhớ lại: 'Hiện trường là ngôi nhà được xây dựng trong khuôn viên rộng hơn 2 nghìn m2 nên việc tìm kiếm dấu vết tương đối khó khăn. Đây là một trong ba cơ sở kinh doanh nhà nghỉ của bà Hải. Quá trình khám nghiệm, chúng tôi phát hiện tại khu vực nhà kho gần cổng ra vào nhà bà Hải có một số dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trên nền nhà có một số dấu vết nghi là máu. Cũng tại đây còn có một thanh sắt dạng xoắn dính máu. Sử dụng các hóa chất để kiểm tra, xác định đó là máu người. Mở rộng hiện trường, phát hiện trên cánh cửa gỗ và dọc theo lối đi từ nhà kho ra sân có nhiều giọt máu bắn. Chúng tôi đánh giá đây có thể là hiện trường của vụ bạo lực gây đổ máu, sau đó nạn nhân được di chuyển đi chỗ khác nên dấu vết máu chấm dứt. Từ nhận định này, chúng tôi tiến hành kiểm tra hệ thống camera của nhà nghỉ thì phát hiện có sự bất thường. Đó là chiếc camera này không hoạt động (do mất điện) trong khoảng 15 phút'.
Như vậy, việc bà Hải vắng nhà rất có thể là phần hậu của một vụ án mạng, vấn đề là phải xác định được nạn nhân hiện đang ở đâu.
Trong truy xét thủ phạm gây trọng án, việc tìm được đối tượng tác động của tội phạm (nạn nhân hoặc các bộ phận thi thể người, dấu vết, chứng cứ vật chất khác…) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì nếu không tìm thấy, sẽ không có căn cứ xác định hậu quả thiệt hại của tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với kẻ gây tội ác.
Lực lượng chức năng tìm kiếm thi thể nạn nhân trên sông Đuống.
Quá trình khám nghiệm cơ quan chức năng đã thu mẫu tất cả số máu ở hiện trường. Mục đích thông qua giám định để xác định đó là máu người hay máu động vật, nếu là máu người thì là của một hay nhiều người, quan trọng nhất đó là máu của ai. Để trả lời câu hỏi này, những người con bà Hải đều được thu mẫu tế bào phục vụ việc so sánh, đối chiếu với cấu trúc AND (gen) trong mẫu máu thu ở hiện trường, nhằm truy nguyên chủ nhân của số máu này.
Manh mối không ngờ
Hoạt động truy xét, nắm tình hình vụ việc được triển khai đồng thời với công tác khám nghiệm và giám định dấu vết. Những phần việc được 'ưu tiên' làm ngay, đó là rà soát toàn bộ hệ thống camera xung quanh nhà bà Hải; rà soát, xác minh các mối quan hệ của bà Hải, từ bạn bè đến làm ăn, tình cảm, quan hệ gia đình, nội tộc… để tìm kiếm thông tin về các mâu thuẫn nổi. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo điều tra đã huy động lực lượng tiến hành tìm kiếm, ghi nhận thông tin từ những người tiếp xúc hay trông thấy bà Hải trước thời gian mất tích. Vì nạn nhân là người khá giàu có, lại sống một mình trước thời điểm mất tích, nên có nhiều giả thuyết được đặt ra. Trong đó không loại trừ khả năng đã xảy ra vụ trộm đột nhập, kẻ gian bị bà Hải phát hiện nên chúng tấn công nạn nhân, giết hại để bịt đầu mối. Theo hướng này, các đối tượng tù tha, có tiền án, tiền sự về các tội xâm phạm sở hữu, đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc, hoạt động hiện hành… đều được đưa vào danh sách soát xét, xác minh di biến động trước, trong và sau thời điểm bà Hải mất tích.
Nắm tình hình từ hàng xóm và các tiểu thương ở chợ dân sinh gần hiện trường, được biết bà Hải có một người con trai tên H bị câm, điếc, đang học nội trú tại một cơ sở giáo dục dành cho người khuyết tật ở nội thành Hà Nội, thỉnh thoảng mới về nhà. Nhân chứng cho biết trước khi mất tích 1-2 ngày, bà Hải có đi chợ mua thức ăn chuẩn bị đón con trai từ trường học về nhà. Ngày 31/1/2019 H được xác định đã ở nhà cùng mẹ. Do bị câm, điếc nên H không nghe và nói được, nhưng anh ta biết viết chữ, ngoài ra có thể hiểu được nội dung thông tin thông qua trao đổi bằng 'ngôn ngữ phi lời' (tức cử chỉ, động tác cơ thể).
Trung tá Ngô Đình Chung - (nguyên Điều tra viên, Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội) kể: 'H là con trai bà Hải, bị khuyết tật bẩm sinh, vừa điếc vừa không nói được, nên trong quá trình lấy lời khai, cơ quan điều tra đã mời các chuyên gia sử dụng các động tác, cử chỉ để truyền đạt, trao đổi thông tin với H. Tuy bị khuyết tật nhưng khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của H như người bình thường. Kết quả là H đã viết ra giấy các câu trả lời về những vấn đề liên quan đến vụ án. Thậm chí lời khai của H còn rất đáng tin cậy. H khai vào buổi sáng ngày 31/1, anh ta vẫn thấy mẹ mình đi ra vườn làm việc, nhưng sau 9h sáng thì không gặp lại nữa. Khoảng gần 11h cùng ngày, có bố dượng (tức Đỗ Ngọc Anh, chồng hai của bà Hải) đến nhà hỏi thăm mẹ, nhưng H lánh mặt vì sợ bố dượng. H còn cho biết trước đây đã nhiều lần bà Hải ghi ra sổ dặn dò H cần cảnh giác với người đàn ông này, vì có thể ông ta đến gây hại'.
Cuốn sổ tay hai mẹ con bà Hải thường dùng để trao đổi thông tin với nhau chứa đựng những thông tin 'vàng ròng'. Qua lời dặn dò con trai của bà Hải, lực lượng phá án phát hiện những mâu thuẫn âm ỉ giữa nạn nhân và người chồng thứ hai, xoay quanh câu chuyện tiền bạc.
Từ lúc này, Đỗ Ngọc Anh (sinh năm 1964, quê ở thôn Gia Tác, xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội) được đưa vào 'tầm ngắm' của lực lượng phá án. Về nhân thân, ông ta sinh sống bằng nghề mộc nên kinh tế cũng khá giả, đã có hai đứa con với người vợ đầu (chết năm 2016). Năm 2018 Đỗ Ngọc Anh đăng ký kết hôn với bà Hải và về sống chung tại nhà vợ ở thị trấn Xuân Mai, nhưng chỉ được nửa năm thì ly thân, Ngọc Anh trở về quê Liên Hà, Đông Anh sinh sống. Cuối năm 2018, ông ta có đơn kiện bà Hải về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gửi lên Công an huyện Chương Mỹ, nhưng vì đó là tranh chấp dân sự nên đơn vị đã hướng dẫn nguyên đơn khởi kiện ra toà dân sự.
Đúng lúc này, kết luận giám định các mẫu máu đã thu tại hiện trường có cùng một kiểu gen và trùng khớp với kiểu gen của H, chứng tỏ bà Hải đã bị tấn công gây đổ máu ở nhà.
Hung thủ lộ diện
Tổng hợp nhiều nguồn tài liệu, cho phép xác định Đỗ Ngọc Anh là nghi can của vụ án, ngày 2/2/2019 đối tượng bị triệu tập đến Công an huyện Chương Mỹ để làm việc. Ban đầu ông ta thừa nhận hai vợ chồng có mâu thuẫn về kinh tế, song phủ nhận về lời khai của H về việc đã trông thấy mình tại nhà bà Hải vào đúng ngày nạn nhân mất tích, với lý do thông tin mà người khuyết tật cung cấp là thiếu tin cậy, không thuyết phục. Ngoài ra, đối tượng còn nại ra nhiều chứng cứ ngoại phạm thể hiện sự vô can của mình.
Hung thủ Đỗ Ngọc Anh tại phiên tòa.
Để có tài liệu đấu tranh, Ban chỉ đạo điều tra liền 'cắm' một tổ công tác tại xã Liên Hà, Đông Anh với nhiệm vụ tổ chức xác minh ngay theo lời khai của đối tượng về lịch trình sử dụng thời gian trong ngày bà Hải mất tích.
Khi mà thời gian làm việc với nghi can theo luật định sắp hết thì tổ rà soát thu được dữ liệu camera ghi nhận hình ảnh chiếc xe ô tô 16 chỗ, BKS: 29D-122.63 của Đỗ Ngọc Anh xuất hiện gần nhà nạn nhân vào sáng ngày 31/1. Tài liệu này phù hợp với lời khai anh H khiến ông ta không thể giải thích. Ngoài ra, kết quả xem xét dấu vết trên thân thể phát hiện đối tượng có một số dấu vết xây xát ở vùng cổ và vết rách da tại ngón trỏ bàn tay trái. Đặc biệt, trên xe ô tô BKS 29D-122.63 phát hiện có nhiều dấu vết máu, dấu vết sinh học. Kết quả giám định AND cho thấy đó là máu và mô của bà Hải. Đó là căn cứ khoa học chắc chắn nhất để 'buộc' Đỗ Ngọc Anh vào vụ án. Trước các bằng chứng đanh thép cùng năng lực thẩm vấn sắc sảo của các điều tra viên, đến chiều 30 Tết Mậu Tuất, Đỗ Ngọc Anh đã thừa nhận đã sát hại người vợ.
Hiện trường vụ án.
Theo đó, ngày 2/4/2018, Ngọc Anh cùng bà Hải ký cam kết sống chung với nhau, ai vi phạm phải bồi thường danh dự cho người kia 1,5 tỷ đồng. Cùng ngày, 2 người đăng ký kết hôn và dọn về sống chung ở thị trấn Xuân Mai. Ngọc Anh mua cho bà Hải xe ô tô và bà cũng cam kết sẽ sang tên thửa đất của mình cho chồng. Khoảng 7/2018, bà Hải nghi ngờ Ngọc Anh có quan hệ bất chính với người phụ nữ khác nên đã tự ý bán chiếc ô tô và không làm thủ tục sang tên thửa đất cho Ngọc Anh khiến mâu thuẫn xảy ra. Ngọc Anh nhiều lần gọi điện, nhắn tin yêu cầu vợ hoàn tất thủ tục sang tên thửa đất hoặc phải trả lại tiền bán xe ô tô, nhưng bà Hải không đồng ý. Sáng 31/1/2019, Ngọc Anh đến nhà bà Hải rồi kéo nạn nhân vào nhà kho. Lúc này người phụ nữ van xin, hứa trả tiền, nhưng đối tượng không nghe mà dùng thanh sắt đánh nhiều nhát khiến bà Hải tử vong.
Khoảng 22h cùng ngày, Ngọc Anh đưa thi thể nạn nhân ra cầu Đông Trù chặt làm nhiều phần rồi bỏ xuống sông phi tang. Với tội ác kinh hoàng này, sau 2 phiên xét xử, Đỗ Ngọc Anh đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án tử hình.