Công an huyện Hải Hậu và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nam Định vừa phá một chuyên án mua bán người mà nạn nhân là các bé gái dưới 16 tuổi bị lừa bán làm nhân viên phục vụ quán karaoke và quán massage trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Cơ quan CSĐT cũng làm rõ được nam thanh niên dẫn dụ các bé gái từ Nam Định lên Phú Thọ là Đinh Văn Tiến (18 tuổi, trú tại xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).
Còn đối tượng Trương Tuấn Anh (29 tuổi, ở xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), sau 5 năm thụ án tù về tội buôn bán người đã trở về quê mở quán karaoke và cơ sở massage ở TP Việt Trì.
Đinh Văn Tiến là đối tượng tiếp cận với các bé gái có độ tuổi từ 14-15 để lôi kéo, dụ dỗ.
Lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin muốn được tự lập sớm của các cháu bé, Tiến rủ các nạn nhân lên Phú Thọ làm quán cắt tóc, quán ăn, bán trà sữa với lời hứa công việc nhẹ nhàng, lương cao. Sau khi các cháu bé sập bẫy, đồng ý đi theo lên Phú Thọ, Tiến sẽ giao lại các em cho Trương Tuấn Anh.
Để chiếm được lòng tin của các thiếu nữ, vợ chồng Tuấn Anh dẫn các bé gái đi spa làm đẹp, tạo kiểu tóc mới, mua váy áo mới, sắm điện thoại smartphone... Sau đó, Trương Tuấn Anh ép các cháu viết giấy vay nợ toàn bộ chi phí làm đẹp, mua sắm; mục đích là ép các cháu phải ở lại làm nhân viên phục vụ quán karaoke và quán massage của Trương Tuấn Anh để trả nợ.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, 6 bé gái trên đang trong thời gian nghỉ hè, lại đều có điện thoại thông minh (smartphone) nên thường xuyên lên mạng xã hội, kết giao với bạn bè. Điều đáng nói, trong số 6 bé gái ở Nam Định bị dụ dỗ và mất tích, chỉ có 1 gia đình gửi đơn trình báo và nhờ sự hỗ trợ của cơ quan công an.
Chân dung 'ông trùm' Trương Tuấn Anh trong đường dây buôn bán người.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho biết: 'Trẻ em, đặc biệt lứa tuổi vị thành niên là nhóm tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ nhất về thể chất và tâm sinh lý. Nhìn chung các em luôn thích hướng ngoại giao tiếp, khẳng định mình nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc nhận thức, phân biệt đúng, sai, tốt, xấu... Vì vậy môi trường giáo dục và giao tiếp tích cực đặc biệt quan trọng với các em trong giai đoạn này'.
TS Linh cũng viện dẫn thêm một vụ việc Công an huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi giải cứu và xử lý nhóm đối tượng chăn dắt 5 bé gái làm tiếp viên quán karaoke. Những bé gái này có ngoại hình sáng, khuôn mặt ưa nhìn nên bị các đối tượng nhắm đến.
'Hầu hết các thủ đoạn, chiêu thức của tội phạm đều xuất phát từ việc đánh vào tâm lý thích khẳng định bản thân, trong khi suy nghĩ, nhận thức của các em còn chưa chín chắn', ông Linh chia sẻ.
TS Đặng Vũ Cảnh Linh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng, hiện nay sự tiếp cận của các nhóm tội phạm lại khá dễ dàng khi thông qua các loại hình tương tác trên mạng xã hội. Nắm bắt được tâm lý, tình cảm, hoàn cảnh gia đình, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu về vật chất, tinh thần, đồng thời vẽ ra tương lai màu hồng cho các em… Từ đó bọn tội phạm sẽ thực hiện các hành vi xấu.
'Để phòng ngừa tội phạm bắt cóc dụ dỗ trẻ em thì cần nâng cao các hoạt động truyền thông sâu rộng trong xã hội và quan trọng là các truyền thông phải đến được đối tượng đích là trẻ em và gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền về luật trẻ em, các hình thức phòng chống xâm hại trẻ em trong nhà trường, tổ chức các khóa tập huấn kiến thức kỹ năng giao tiếp, sử dụng mạng xã hội tích cực cho học sinh, tuyên truyền về các thủ đoạn của tội phạm, cách phòng tránh và ứng phó. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em', ông Linh nói thêm.
Bàn về những phương pháp phụ huynh có thể áp dụng để con tránh khỏi những trường hợp xấu, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho hay: 'Hiện nhiều gia đình cho con cái dùng smartphone nhưng bố mẹ lại chưa sử dụng hoặc đi làm ăn xa, bận công việc nên không quản lý con cái. Nếu như bậc phụ huynh không dành thời gian để hiểu về những bất thường trong tâm lý và lối sống của con cái dễ đẩy con trẻ đến những cạm bẫy khó lường'.
'Bố mẹ cần theo sát sự trưởng thành của con để biết con đang làm gì, cảm thấy thế nào, có nhu cầu gì...', bà Ninh Thị Hồng cho biết.
Cũng theo bà Hồng, sau khi sự việc được phát giác, bố mẹ cần quan tâm, động viên để con không rơi vào trầm cảm, bởi tâm lý độ tuổi này rất mong manh. Bố mẹ hãy cho con tham gia các hoạt động từ thiện, gặp những hoàn cảnh khổ hơn mình để thấy được giá trị của cuộc sống. Khi mọi chuyện đã đi qua, lúc đó cha mẹ mới có thể phân tích đúng sai với con.
'Nếu cha mẹ giúp con định hướng tương lai, biết được mục tiêu cuộc đời của mình, lúc đó con sẽ biết tận dụng những mặt tích cực và không sa đà vào mặt trái của mạng xã hội', Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ.