Không chỉ có một Mr Pips
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, kể từ năm 2016, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ (SN 1990, biệt danh Mr Hunter) bắt đầu làm phiên dịch viên cho nhóm người nước ngoài hoạt động chứng khoán quốc tế ở Việt Nam. Sau khi làm việc được 2 năm, Nam bắt đầu câu kết với nhóm người này để lừa đảo, môi giới nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán quốc tế và ngoại hối.
Do có sẵn nền tảng về công nghệ thông tin, Nam xây dựng các website giả mạo và liên kết với nhiều nhóm người nước ngoài để thực hiện hành vi lừa đảo trên 24 'sàn giao dịch', thành lập 44 văn phòng (24 văn phòng ở Hà Nội) với 1.918 nhân viên quản lý vùng, quản lý văn phòng và sale. Những văn phòng này tập trung tại các quận trung tâm như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân và 20 văn phòng ở TPHCM, Đà Nẵng, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan.
Đại tá Lê Quang Đạo - Phó Giám đốc Công an TPHCM phát biểu tại Tọa đàm 'Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng'
Tại tọa đàm 'Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng' do Ban Chuyên đề Công an TPHCM phối hợp Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức, Đại tá Lê Quang Đạo - Phó Giám đốc CATP cho biết: Một loại hình tội phạm mới đang diễn ra và có xu hướng lan rộng là kêu gọi đầu tư vào các dự án crypto, tiền ảo, tiền mã hóa, giao dịch trên các nền tảng không phép. Công an TPHCM đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ lừa đảo từ các hình thức này nhưng vẫn còn rất nhiều người thiếu hiểu biết, ham lợi nhuận, trở thành nạn nhân của chiêu trò này. Với hình thức trên, các tổ chức lừa đảo tạo ra nhiều quảng cáo mời chào đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn giúp người chơi làm giàu nhanh chóng với lãi suất cao gấp nhiều lần, cam kết hoàn tiền nếu người chơi gặp rủi ro khi đầu tư. Những hành vi trên đã và đang để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người dân, doanh nghiệp, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, rất đáng quan tâm, lo ngại.
Tuy đường dây lừa đảo của Mr Pips đã bị lực lượng chức năng phanh phui với số tài sản thu giữ cực khủng, vụ việc hầu như không ảnh hưởng đến nhiều đối tượng khác đang hành nghề IB (Introduing Brokers - Người môi giới) khi nhóm này vẫn đang ngày đêm hoạt động trên các hội nhóm, tích cực 'săn mồi' là những người vẫn tin tưởng vào việc có thể kiếm tiền nhanh và dễ dàng mà không cần phải làm việc.
Liên hệ với Việt Đức, một trong những người đang tích cực tuyển dụng nhân sự IB cho sàn giao dịch Doo P... Theo Đức giới thiệu, đây là sàn giao dịch quốc tế lâu năm với các giấy phép từ Châu Âu, Úc... 'Sàn này có spread (chênh lệch giá) ổn định, IB được trả hoa hồng rất cao và có hỗ trợ sao chép giao dịch... Cơ chế hiện tại đang rất cạnh tranh với hệ thống IB đa tầng, làm việc tại văn phòng và mức thưởng hấp dẫn' - Đức cho biết.
Khi được hỏi về môi trường làm việc sau vụ việc Mr Pips, Đức thừa nhận khi làm việc liên quan đến ngoại hối, ai cũng thừa hiểu có thể dính dáng tới pháp luật nhưng 'Mình không lừa ai là được, chỉ hướng dẫn, hỗ trợ mở tài khoản còn khách giao dịch thua thì họ tự chịu'.
Một nhân viên chuyên phụ trách nhân sự khác tên Châu Nguyễn thì cho biết: 'Vụ việc Mr Pips hầu như không ảnh hưởng gì đến việc tuyển dụng, hàng ngày vẫn có hàng chục người liên hệ xin việc vì IB là một nghề có thu nhập rất hấp dẫn. Tìm được khách là có hoa hồng, khách nạp tiền và giao dịch càng nhiều thì IB càng được chia thưởng cao theo số tiền nạp và khối lượng giao dịch nên thu nhập gần như không giới hạn'.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chia sẻ của Châu là đúng sự thật khi khách càng nạp nhiều tiền và giao dịch càng lâu, IB sẽ nhận lại hoa hồng càng lớn. Cụ thể, với những giao dịch 1 lot chỉ số vàng (100 ounce ~ 82 lượng) có đòn bẩy 1:500, IB có thể nhận về từ 6-20 USD tùy theo quy định của sàn giao dịch và loại tài khoản của khách hàng. 'Nhờ đòn bẩy, việc khách giao dịch 0.5-1 lot vàng mỗi ngày là chuyện rất bình thường. Chỉ cần kéo được 10 khách với số vốn lớn tầm vài ngàn USD thì IB có thể sống khỏe mà không cần lương. Việc khách thua lỗ cũng không ảnh hưởng gì đến thu nhập của IB vì chỉ cần có lệnh mở là đã ghi nhận hoa hồng. Nhiều sàn còn hỗ trợ sao chép giao dịch, dùng robot giao dịch để tối ưu khối lượng và số lệnh giao dịch của khách mỗi ngày' - Châu cho biết.
Bên cạnh việc dụ dỗ khách nạp tiền để tăng lợi nhuận, nhiều IB sau khi làm việc cho các sàn giao dịch trong một thời gian còn tự thành lập hội nhóm 'tín hiệu' để thu phí, tự tạo tài khoản để cho khách sao chép giao dịch như một 'chuyên gia', từ đó hình thành những 'công ty đầu tư tài chính' và dần biến chất, làm mọi cách để moi tiền trong tài khoản khách hàng, bao gồm cả việc khoe của cải, khoe tiền bạc và lợi nhuận từ các giao dịch ảo.
Còn rất nhiều Mr Pips và các đường dây ngoại hối đang ngày đêm lôi kéo người tham gia
Mê hồn trận 'tín hiệu VIP'
Một cán bộ điều tra CAQ.Cầu Giấy cho biết, hành vi phạm tội của các đối tượng trong giới lừa đảo đầu tư ngoại hối rất tinh vi và chuyên nghiệp. Cụ thể, Phó Đức Nam đã lợi dụng trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin để cấu kết với người nước ngoài lập các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán giả mạo, có giao diện giống với sàn giao dịch uy tín trên thế giới như: alpha trading, iqx, ibmex, iswiss, trust... 'Do đây là các sàn giao dịch giả mạo nên các đối tượng có thể can thiệp vào hệ thống và luôn thắng nhà đầu tư. Đối với các mệnh giá nhỏ có thể nhà đầu tư thắng và rút được tiền về, sau đó sẽ khuyến khích đầu tư lớn hơn để có lợi nhuận cao dẫn đến việc thua sạch tiền' - vị cán bộ điều tra cho biết.
Thượng úy Trần Công Hậu - Đội CSHS CAQ.Cầu Giấy nhận định, trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp trên, các đối tượng còn giả mạo làm chuyên gia tài chính để khiến các nạn nhân bị chóng mặt bởi các thông tin. Đội ngũ gần 2.000 nhân viên từ sale (IB), trưởng nhóm đến quản lý đều được hướng dẫn sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Telegram... để lập ra các hội nhóm đầu tư, tín hiệu giao dịch và được đặt những cái tên rất kêu như tín hiệu Gold VIP, đầu tư thông minh, chiến lược đầu tư thông minh... Nhiều nhân sự không có trình độ cũng có thể giả làm các chuyên gia tài chính, phân tích thị trường, phân tích kỹ thuật, đưa ra tín hiệu mua/bán, trong đó nhiều người sẽ đóng giả làm các nhà đầu tư để khoe khoang lợi nhuận nhằm tạo niềm tin từ các nạn nhân.
Theo lực lượng chức năng, để tạo uy tín, đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam còn quảng cáo các công ty 'ma' và mời người nước ngoài đến để tham gia các hội thảo, tư vấn đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế tại các văn phòng, tư vấn bán khóa học đầu tư trên mạng, tất cả các nhân viên đều có chiến lược xây dựng hình ảnh cá nhân là những doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán quốc tế và ngoại hối để dụ dỗ nhà đầu tư nộp tiền.
Có thể nói, chiêu trò của Phó Đức Nam không phải mới, tuy nhiên để có thể vận hành một đường dây lừa đảo với số lượng bị hại cực khủng như vậy là chuyện chưa từng có tiền lệ. Nhờ sự hậu thuẫn của các đối tượng từ nước ngoài, Phó Đức Nam đã dần dần xây dựng thành công hình tượng cá nhân trên Facebook, Telegram, Zalo, TikTok... là nhà đầu tư chứng khoán quốc tế thành công với rất nhiều tiền của, vàng, nhà và xe sang.
Bên cạnh đó, Phó Đức Nam có một đội ngũ các nhân viên sale cực kỳ thiện chiến, khi thường xuyên giới thiệu dịch vụ đầu tư, đưa ra các cam kết sai sự thật như đầu tư lợi nhuận cao, rủi ro thấp, bảo hiểm 100% vốn giao dịch... 'Nhiều bị hại xem video của Phó Đức Nam thì đều choáng ngợp và mong muốn được như đối tượng và thậm chí nhắn tin trực tiếp cho Nam để được hướng dẫn vào các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội mà không cần các nhân viên sale phải tiếp cận, thuyết phục', Thượng úy Hậu thông tin.
Trong vụ việc của Mr Pips, nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, những người trẻ hay đăng ảnh kiểu 'phông bạt', hào nhoáng, không có nghề nghiệp rõ ràng nhưng lại có khối tài sản kết xù và có xu hướng 'giàu nhanh' một cách bất thường thì đa phần là do phạm tội mà có. Trong vụ án này, Phó Đức Nam là đối tượng có trình độ, kiến thức tốt về tài chính, công nghệ thông tin để phục vụ hành vi lừa đảo, nên dù Nam dùng thủ đoạn không mới khi đánh vào lòng tham của nạn nhân, để họ tin vào sự hào nhoáng, giàu có này mà không mảy may biết việc mình đang bị dẫn dụ vào một cái bẫy tinh vi.
Từ lâu, lừa đảo đầu tư đã được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đánh giá là 1 trong 6 'điểm nóng' về lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam và việc Phó Đức Nam lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng là lời cảnh tỉnh với nhiều người. Cục An toàn thông tin cho biết, việc đường dây lừa đảo của Phó Đức Nam bị phanh phui đã cho thấy những mối nguy hiện hữu của các bẫy lừa đảo đầu tư tài chính, hành vi đã nhiều lần được đơn vị cảnh báo tới đông đảo người dân.