Công an tỉnh Nam Định vừa tiến hành bắt khẩn cấp 3 đối tượng để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản thông qua việc ăn chặn tiền tiền hỏa táng.
3 đối tượng bị bắt gồm: Nguyễn Hữu Quang (23 tuổi, trú huyện Nam Trực), Trần Xuân Hà (47 tuổi, trú phường Cửa Bắc, TP Nam Định) và Bùi Hải Quang (42 tuổi, trú phường Mỹ Xá, TP Nam Định).
Dưới góc độ pháp lý của vụ án, trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, luật sư Việt Vương (Công ty luật AMI) cho hay, theo điều tra ban đầu thì các đối tượng Nguyễn Hữu Quang, Trần Xuân Hà, Bùi Quang Hải đã có hành vi đe doạ các cơ sở dịch vụ tang lễ và chiếm đoạt được số tiền 39 triệu đồng của các chủ cơ sở tang lễ.
Hành vi của các đối tượng này đã có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, tại điểm a khoản 2 Điều 170 quy định thì người nào đe đoạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản mà phạm tội có tổ chức thì sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Đồng thời, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Công an tỉnh Nam Định bước đầu xác định nhiều ca hỏa táng tại đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình phải nộp thêm khoản phí 500.000 đồng . Ảnh: Tuổi Trẻ
Theo luật sư Vương, hiện nay các cơ quan chức năng cũng đang điều tra làm rõ việc có hay không sự liên quan của nhóm đối tượng nêu trên với Công ty TNHH MTV dịch vụ hoả táng Trường Dương, khi Công ty Trường Dương tự ý tăng giá phí hoả táng từ 4,3 triệu đồng lên 5,5 triệu đồng, trường hợp nếu không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị khủng bố, đe doạ...
'Trường hợp những người được hưởng lợi từ việc tăng giá phí hoả táng đã có những hành vi đe đoạ, có những thủ đoạn uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tiền thì cũng sẽ bị xử lý trách nhiệm về hình sự đối với tội danh nêu trên. Khi đó, đối với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm', luật sư Vương cho hay.
Đồng quan điểm, luật sư Phạm Ngọc Hải (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) phân tích thêm, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội 'Cưỡng đoạt tài sản' thể hiện ở hành vi đe dọa một số cơ sở thực hiện dịch vụ tang lễ để thu tiền 'phế' hỏa tang. Số tiền thu được không phải được hình thành từ sự thỏa thuận tự nguyện, hợp pháp giữa các bên mà là kết quả của hành vi đe dọa, khiến nạn nhân bị lệ thuộc về tinh thần. Với số tiền chiếm đoạt được là 39 triệu đồng thì các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Khoản 1 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
'Cơ quan điều tra cần làm rõ mức độ kết cấu chặt chẽ, phân công thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng để áp dụng tình tiết định khung tăng nặng 'Phạm tội có tổ chức'. Việc thực hiện tội phạm đã xảy ra nhiều lần, trong thời gian dài với nhiều bị hại khác nhau nên cũng có căn cứ để xem xét áp dụng thêm tình tiết định khung 'Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp'. Ngoài ra, hành vi của các đối tượng còn có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nếu thuộc một trong các trường hợp định khung tăng nặng nêu trên, các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm', luật sư Hải nhấn mạnh.
Theo luật sư Hải, người phạm tội 'Cưỡng đoạt tài sản' còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hành vi của các đối tượng thể hiện sự coi thường pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sử hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Do đó, cần phải xử lý nghiêm để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 11/2019, Quang, Hà và Hải Quang cùng một số người xuống địa bàn huyện Giao Thủy, Xuân Trường, Hải Hậu và có hành vi đe dọa một số cơ sở dịch vụ tang lễ, sau đó gặp trực tiếp yêu cầu các cơ sở này khi nhận được các ca hỏa táng phải thông báo cho nhóm này biết, mỗi ca phải nộp 500.000 đồng. Các đối tượng này thường gọi là nộp 'phế' hỏa táng.
Kết quả điều tra bước đầu xác định nhóm này đã chiếm đoạt 39 triệu đồng của 5 bị hại.
Được biết, Công ty cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long, công ty quản lý đài hỏa táng Thanh Bình (Nam Định) có ký hợp đồng độc quyền với Công ty Trường Dương.
Sau khi ký kết, Công ty Trường Dương liên hệ với các cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Nam Định để thông báo và đề nghị các cơ sở khi nhận dịch vụ hỏa táng phải thông báo cho Công ty Trường Dương với thỏa thuận mỗi 'ca' 10,5 triệu đồng, trong đó 5,5 triệu đồng là tiền hỏa táng, còn lại là dịch vụ xe tang, nhang đèn.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Giao - chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long cho biết, theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Hoàng Long và công ty Trường Dương, khi các ca hỏa táng làm dịch vụ thông qua Công ty Trường Dương chỉ mất 4,3 triệu đồng tiền phí hỏa táng.