Câu hỏi:
1. Chào bác sĩ, cháu năm nay 20 tuổi, mấy ngày hôm nay cháu bị đau ngực trái và thấy ngực trái to hơn ngực phải. Cháu muốn hỏi bác sĩ đấy có phải là dấu hiệu của bệnh ung thư vú hay không? Cháu muốn đi khám thì khám ở đâu ạ?
2. Chào bác sĩ. Em là Trang, năm nay em 20 tuổi, hiện tại em là sinh viên, chưa lập gia đình ạ. Mấy ngày nay, em cảm thấy đau nhói ở ngực trái, sát nách em cũng có cảm giác hơi đau, với lại núm vú của em bị thụt vào thì có phải bị ung thư vú không bác sĩ. Bệnh này, có chữa lành không ạ và điều trị như thế nào ạ?
Em cảm ơn bác sĩ.
Ảnh minh họa
Bác sĩ Tiin trả lời:
Các bạn đang ở tuổi hai mươi, giai đoạn đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Các bạn cũng có ý thức và một số kiến thức về chăm sóc sức khỏe, biết 'lắng nghe cơ thể mình'. Khi phát hiện thấy điều bất thường biết tìm tư vấn là rất tốt, đây cũng là cách để phát hiện sớm bệnh lý và xử lý kịp thời, chúng tôi rất mong các bạn trẻ hiện nay biết quan tâm tới sức khỏe của bản thân như các bạn.
Tuổi 20, cơ thể phát triển tương đối ổn định rồi. Kích thước, hình dáng, trọng lượng của vú (còn gọi là ngực, núi đôi) cũng đã định hình, ít có sự thay đổi.Thông thường ngực hai bên cũng không đều nhau hoàn toàn (nhìn mắt thường không thấy chênh lệch quá rõ), mềm mại, sờ không thấy có u, cục gì; da vùng ngực đồng nhất, không có chỗ lồi hoặc lõm, co kéo.
Ấn nhẹ đầu ngực không có dịch chảy ra. Ngực hai bên cũng chịu tác động của các dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh chi phối hoạt động của cơ ngực. Hoạt động của hệ hô hấp, tim mạch cũng ảnh hưởng tới ngực.
Trong chu kỳ kinh nguyệt, vào thời điểm các bạn rụng trứng hay gần đến ngày hành kinh (trước khoảng 1 tuần), do sự thay đổi nội tiết, ngực sẽ căng hơn, thấy đau (khi đụng chạm, đi xe qua chỗ xóc…) mặc áo lót thấy chật hơn. Khi hành kinh xuất hiện, các dấu hiệu này sẽ hết. Khi các dây thần kinh 'có vấn đề' cũng khiến cơ ngực bị co thắt, gây đau. Khi bạn bị viêm phổi hoặc bệnh tim mạch cũng có thể gây triệu chứng đau ngực (nhất là khi ho).
Tuổi các bạn ít gặp ung thư vú. Tuy nhiên mình cũng không nên chủ quan nhưng cũng không quá lo lắng, ám ảnh kẻo ảnh hưởng cuộc sống. Trước mắt các bạn tự khám ngực của mình (quan sát, dùng tay để khám) phát hiện xem có dấu hiệu gì bất thường không. Kiểm tra xem có gần ngày rụng trứng hay đến kỳ hành kinh không? Mặc áo lót thoải mái, đừng quá chật có thể gây chèn ép ngực? Sức khỏe có vấn đề gì bất thường không? Đừng quá lo lắng, nghỉ ngơi chắc sẽ ổn thôi.
Nếu thực sự ngực hai bên không đều nhau (chênh lệch khá lớn), có dấu hiệu bất thường (sưng, nóng, đỏ, đau, co kéo, ấn đầu ngực có dịch…) bạn cần đi khám nhé. Muốn loại trừ ung thư vú tốt nhất là đến bệnh viện chuyên khoa ung bướu để được khám nhé.
Núm vú bình thường nhô cao hơn bề mặt của vú, có mầu sẫm hơn mầu da của ngực. Núm vú tụt thấp hơn bề mặt của ngực có thể gặp trong dị tật núm vú. Nếu vẫn có núm vú nhưng bị tụt xuống các bạn có thể tự kéo ra được. Nếu không có núm vú thì gần như không can thiệp được gì. Có thể phẫu thuật tạo hình núm vú nhưng sau này bạn có con em bé sẽ không bú sữa mẹ được. Chẩn đoán dị tật núm vú phải do bác sĩ chuyên khoa sản hoặc khoa ngoại, phẫu thuật tạo hình khám và xử lý bạn nhé.
Cám ơn các bạn đã chia sẻ với chúng tôi.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp
TẠI ĐÂY hoặc gửi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được
bác sĩ Tiin Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!).