Câu hỏi: Xin chào bác sĩ ạ. Hơn 1 tuần nay, mỗi buổi sáng em ngủ dậy là trong miệng đã có sẵn nước bọt (dạng bọt cáy), khi nhổ ra có màu vàng, khi có lẫn máu, em súc miệng xong thì hết.
Bên cạnh đó khi đánh răng buổi sáng em thường bị chảy máu, cách đây 2 ngày em đi khám răng bác sĩ bảo em bị viêm lợi, em đã lấy cao răng và điều trị viêm lợi, đến nay là 3 ngày, tuy nhiên sáng ngủ dạy trong miệng vẫn có nước bọt (bọt cáy) màu vàng, lờ lờ máu cá, với số lượng ít hơn mọi khi.
Em vẫn thường xuyên đánh răng xong là súc miệng bằng nước muối tự pha ạ.
Em xin thông tin thêm về sức khỏe của em: hiện tại em đang dùng thuốc điều trị theo đơn của bác sĩ về men gan tăng: thuốc Duvita và Revive; em rất hay bị viêm họng xung huyết, trào ngược dạ dày độ A.
Rất mong được bác sĩ tư vấn và cho lời khuyên!
Ảnh minh họa
Bác sĩ Tiin trả lời:
Hoạt động bài tiết nước bọt là hoạt động sinh lý tự nhiên, chúng ta ít quan tâm, để ý, Nước bọt được bài tiết thường xuyên, sau khi được sản xuất ra sẽ được chúng ta nuốt xuống họng. Nước bọt giúp khoang miệng luôn ẩm, các cơ quan trong khoang miệng nhất là lưỡi dễ dàng hoạt động, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan ấy.
Chỉ khi hoạt động này bị cản trở, tuyến nước bọt bị 'trục trặc' bài tiết quá ít (mất nước, khô miệng, nước bọt đặc quánh, có mùi) hoặc quá nhiều, họng bị viêm, sưng đau khiến ta thấy sợ hãi khi nuốt nước bọt, lúc này ta mới cảm nhận được nước bọt ứ trong khoang miệng. Khi ta ăn, nước bọt cũng được bài tiết tăng lên giúp nhào trộn, nghiền thức ăn cho dễ nuốt. Nước bọt cũng bị ảnh hưởng khi ta ngửi thấy mùi đồ ăn hấp dẫn, đồ chua...
Nước bọt được bài tiết cả ngày, chỉ khi ta đi ngủ, các cơ quan trong cơ thể ở trạng thái tĩnh, nước bọt sẽ được bài tiết ít đi, làm cho buổi sáng thức dậy thấy miệng hơi khô, hơi thở có mùi hôi. Nếu các cơ quan trong khoang miệng bị viêm nhiễm, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nước bọt và hơi thở sẽ có mùi 'nặng' hơn, rất khó chịu.
Em cũng rất cẩn thận, đã đi khám răng hàm mặt, bác sĩ đã tìm nguyên nhân và điều trị cho em, triệu chứng khó chịu đã giảm. Em cứ yên tâm điều trị và làm theo hướng dẫn của bác sĩ nhé.
Lưu ý thêm:
- Đánh răng đúng cách, hợp vệ sinh, dùng bàn chải lông mềm tránh làm tổn thương răng, lợi. Đánh theo hình tròn, tất cả các mặt của răng, thời gian khoảng 3 phút/lần. Sử dụng lượng kem đánh răng vừa phải, đủ sạch, không nhiều quá dễ gây bỏng niêm mạc miệng, tổn thương lợi. Không nên đánh răng ngay sau khi ăn (lúc này acid được bài tiết để giúp quá trình tiêu hóa làm cho men răng bị mềm, dễ bị tổn thương), tốt nhất là đánh răng sau khi ăn 20 phút, sau khi đã đánh răng buổi tối không nên ăn gì nữa. Khi đánh răng nên 'cạo' luôn cả mặt trên của lưỡi, nơi đọng nhiều cặn thức ăn.
- Hạn chế 'xâm hại' làm tổn thương răng như dùng tăm cứng, tăm nhọn xỉa làm rỗng chân răng, tổn thương lợi, đồ ăn quá cứng, cay, nóng cũng ảnh hưởng men răng. Hút thuốc lá, thuốc lào, một số loại thuốc dùng trong thời gian dài cũng làm xỉn mầu của răng.
- Em nên chịu khó ăn hoa quả, nhất là loại có nhiều vitamin C (cam, bưởi, chanh…) giúp bền thành mạch, hạn chế chảy máu chân răng. Uống nhiều nước, nhất là khi ra mồ hôi nhiều, ngồi lâu... cũng giúp đỡ khô miệng hoặc hơi thở có mùi.
- Cố gắng điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe, điều trị đúng phác đồ, tái khám đúng hẹn, dứt điểm các bệnh đã mắc. Chịu khó rèn luyện nâng cao sức khỏe; dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt điều độ, sức khỏe của em sẽ ổn định, kể cả răng miệng.
Chúc em luôn có sức khỏe tốt.
Mọi thắc mắc về sức khỏe giới tính, bạn vui lòng gửi câu hỏi trực tiếp TẠI ĐÂY hoặc gửi đến hòm thư bandoc@tiin.vn. Câu hỏi của bạn sẽ được bác sĩ Tiin Hoàng Thúy Hải giải đáp vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần. (Nhớ là gửi thư bằng tiếng Việt có dấu bạn nhé!).