* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Chị Phan Thị Hoài Nam (35 tuổi) hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Thời gian trước, chị Nam từng gây ấn tượng với cộng đồng mạng bởi cuộc ly hôn 'nhẹ tênh' với chồng cũ. Hiện tại, chị là mẹ đơn thân, tập trung nuôi dạy cậu con trai Bin (5 tuổi).
Không chỉ là người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán trong cuộc sống, chị Nam còn có cách dạy con trai rất đặc biệt. Mới đây, chị đã chia sẻ câu chuyện về việc con trai đi học chống đối cô, bị đuổi ra khỏi lớp. Không vội vàng quát mắng, trách móc con, bà mẹ đơn thân đã có cách xử lý nhận về nhiều lời khen.
Chị Phan Thị Hoài Nam và con trai.
Chúng tôi xin chia sẻ lại câu chuyện như sau:
'Mấy hôm nay là những ngày khủng hoảng của con, cực kỳ khó ở, khó chịu, gây hấn. Con quậy sẵn rồi nhưng khó ở là vấn đề hoàn toàn khác.
Chiều qua, cô lớp mầm non nói như nghẹn: 'Chị ơi, giờ thể dục bé không tập. Bé nói con không thích. Hai hôm nay bé quấy, cô khủng hoảng luôn, nói ngọt cũng không được. Em không biết làm sao nữa'.
Ở lớp tiếng Anh, nơi cưng học sinh như trứng mỏng, học trò là vua trong lớp mà mẹ nhận được tin nhắn: 'Bé quậy, la hét nên cô đuổi ra khỏi lớp. Ra cô nói chuyện thì bé... lấy sách vở, đồ đạc ném linh tinh'.
Mẹ muốn khóc quá con ơi!
Tin nhắn của cô giáo tiếng Anh gửi chị Nam.
Trước đây, mẹ sẽ trách mắng, quy kết con hư. Mẹ sẽ nói con vậy là không được rồi chất vấn, giáo huấn đủ điều. Mẹ sẽ bày đủ mọi trò từ phạt đến thưởng. Nhưng giờ mẹ chỉ nói với cô và cả với em:
- Do em đang mệt, hoặc buồn trong người đó.
Mẹ đã ngộ ra mọi kỹ năng, kỹ thuật thưởng phạt, dọa nạt gì đó không giải quyết được vấn đề của đứa trẻ đâu. Nó chỉ làm trầm trọng hơn.
Chỉ cần ôm con thôi
Học tiếng Anh về, mẹ quyết định bỏ thể dục ca tối để về sớm ôm con ngủ. Mẹ pha một chậu nước ấm khổng lồ nói hôm nay mẹ tắm cho con nha. Ảnh trố mắt lên vì phải hai năm nay mẹ không tắm cho em rồi.
Mẹ mát xa lưng, đầu, chân cho em 15 phút. Em nói: Mẹ tắm cho con mẹ cũng vui, còn con thì... đỡ buồn!
Lên giường đi ngủ sớm, em vẫn quấy, vẫn gắt gỏng, khó chịu. Mẹ nói: 'Con muốn la, muốn gắt mẹ hay muốn nói bậy thì giờ con được phép thoái mái'. Vậy là em gào lên: 'Mẹ là đồ ngốc xít, đáng ghét, cái mông, cái...'.
Có khi, mẹ bực mình cũng gắt theo, rồi lại nói với em: 'Những khi bực mình thế này, mẹ có thể ít nhẹ nhàng với con, ít kiên nhẫn với con, ít nói điều hay với con. Nhưng con hãy nhớ, có một thứ chỉ luôn luôn nhiều thêm là tình yêu, trái tim của mẹ dành cho con. Bây giờ nhiều hơn lúc nãy đây rồi này, lát nữa lại nhiều hơn bây giờ. Mai lại nhiều hơn nữa, nhiều lên mãi'.
Em cười rồi ôm mẹ, cựa quậy đi ngủ...
Sức mạnh niềm tin
Sáng sớm mẹ mặc váy, đi bốt chứ không phải đồ thể dục, giày thể thao như mọi ngày để rủ em đi dạo. Cứ đi vậy thôi, chẳng làm gì, kệ em thích làm gì thì làm.
Đi xong mấy vòng công viên, mẹ rủ: 'Con với mẹ vào trong miếu xin Quan âm Bồ tát nhé. Xin cho nỗi buồn, sự khó chịu trong lòng mình tan đi một ít, để niềm vui ở lại'. Em xem Tây du ký, em rất thích Quan âm Bồ tát.
Hai mẹ con vào miếu, em chắp tay lẩm bẩm trong miệng nói chuyện với Bồ tát xong rồi đi vào lớp. Em hỏi: 'Bồ tát có làm được điều khó như vậy không mẹ?'.
'Không con à, Bồ tát không làm được. Chỉ duy nhất con mới làm được thôi. Nhưng Bồ tát và mẹ có thể tiếp cho con niềm tin để con tin vào bản thân mình rằng: 'Con làm được. Con sẽ bớt khó chịu một chút, bớt nghịch một chút, ngoan hơn một chút', mình bảo con.
Em nắm tay: 'Con tin ở con!'.
Mẹ lại nhả thêm chút mồi: 'Nếu em bớt quậy một chút thôi mẹ sẽ cố gắng đón em sớm. Còn em đang khó chịu, về gặp mẹ không vui thì mẹ đành đón trễ'.
Chiều mẹ đón em sớm, cô giáo gặp mẹ cười như hoa: 'Nay Bin ngoan lắm chị ơi!'. Mẹ ôm con rồi dắt nhau đi công viên. Con chạy vào miếu cảm ơn Bồ tát, lại ra nói với mẹ như một người trưởng thành: 'Cảm ơn mẹ đã giúp đỡ con!'.
Ai cũng có những lúc rất khó chịu trong người, con à! Cuộc đời, không ai vui cười mãi suốt ngày nổi. Khó chịu cũng là cách để chúng ta giải phóng năng lượng tiêu cực. Không chỉ con, mà mẹ cũng vượt qua được chính mình. Mẹ đang học để nỗ lực, kiên nhẫn cùng em hơn.
Nếu bạn có ý kiến khác về cách giáo dục, dạy dỗ trẻ, hãy gửi bài viết cho chúng tôi theo địa chỉ: giaoduc@afamily.vn hoặc nhắn tin cho fanpage tại đây.
Chúng tôi luôn hoan nghênh các ý kiến của quý độc giả.