Bên cạnh những danh lam thắng cảnh, nét văn hóa đa dạng và đặc sắc, có một yếu tố nữa thu hút du khách nước ngoài đến với Việt Nam, chính là ẩm thực. Từ những món ăn đường phố bình dân, giá rẻ cho đến những món cao cấp hơn, mang sự tinh tế của người Việt, đều chiều lòng được mọi thực khách, thậm chí làm họ say mê.
Những món ăn giúp ẩm thực Việt vươn tầm quốc tế có thể kể tới là phở bò, bún chả, bánh mỳ... Trong đó còn có một cái tên được nhiều du khách nước ngoài gọi với cái tên 'món pizza kiểu Việt Nam'. Đây chính là món bánh tráng nướng.
Thực tế, bánh tráng nướng là một phiên bản khác của món bánh tráng Việt. Khác với phiên bản trộn, ở bánh tráng nướng, các nguyên liệu như trứng, xúc xích, ngô, gà xé, khô bò, phô mai, hành lá cùng nước sốt... sẽ được cho lên bề mặt bánh tráng. Sau đó, tất cả được nướng trên bếp than cho tới khi nóng giòn. Người bán sẽ gập đôi bánh lại rồi đưa tới thực khách. Sở dĩ được gọi là 'pizza kiểu Việt Nam' cũng chính là do nguyên liệu cũng như cách thưởng thức món ăn này.
Bánh tráng nướng, món ăn được nhiều du khách nước ngoài gọi là pizza kiểu Việt Nam (Ảnh minh họa)
Bánh tráng nướng là món ăn đường phố giá thành rẻ, chỉ từ khoảng 15.000 - 30.000 đồng/chiếc, phổ biến ở đa số mọi thành phố, địa phương ở Việt Nam. Đặc biệt ở những nơi có thời tiết lạnh, việc thưởng thức bánh tráng nướng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết với các du khách, trong đó có cả những du khách nước ngoài.
Tại một trong những thành phố lớn của nước ta, TP.HCM bánh tráng nướng cũng dần trở thành một món ăn đặc trưng. Đi dạo trên đường phố, thật dễ dàng để tìm thấy những gánh hàng rong hay sạp hàng nhỏ ven đường bán món ăn này.
Chad Kubanoff, một đầu bếp nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam là một trong những du khách đã có cơ hội thử ăn bánh tráng nướng. 'Very fast. Very cheap. It’s tons of flavor. I love it!” (Tạm dịch: Cách chế biến rất nhanh, giá rất rẻ và nó thật sự giàu hương vị. Tôi yêu món ăn này!).
Chad Kubanoff, du khách nước ngoài khen ngợi bánh tráng nướng (Ảnh Chad Kubanoff)
'Lúc tôi ăn, nó nóng hổi như thể muốn đốt cháy lưỡi của tôi. Nóng hổi và giòn thơm. Rất ngon. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy món pizza Việt Nam này ở mọi khu chợ đêm', Shuen, một nữ du khách khác đến từ Malaysia chioa sẻ sau khi cô được thưởng thức bánh tráng nướng ở chợ đêm Phú Quốc.
Gladys Seara, một nữ du khách người Ý cũng không nằm ngoài danh sách những người say mê món 'pizza kiểu Việt Nam'. Thậm chí sau khi cắn một miếng bánh tráng nướng nóng giòn, cô đã chụm bàn tay lại và hất liên tục với vẻ mặt hết sức mãn nguyện. Đây là hành động đặc trưng của người Ý khi muốn khen một món hay một thứ đồ uống ngon miệng.
Ảnh Gladys Seara
Những phiên bản khác của bánh tráng
Như đã nói ở trên, bánh tráng nướng chỉ là 1 trong rất nhiều phiên bản những món ăn ngon được làm từ bánh tráng. Ở Việt Nam, bánh tráng còn phổ biến được chế biến thành bánh tráng trộn, bánh tráng mắm ruốc hay các loại bánh tráng ăn liền.
1. Bánh tráng trộn
Nếu như ở bánh tráng nướng được giữ nguyên bản hình tròn, cho thêm phần nhân rồi cho lên bếp nướng, thì ở món bánh tráng trộn, miếng bánh tráng sẽ được cắt vụn thành từng lát nhỏ. Người bán sẽ trộn nó với muối tôm, xoài thái lát, rau thơm, cùng các loại gia vị như quất, ớt, đường... Tất cả những nguyên liệu này hòa quyện với nhau và tạo nên một món ăn đường phố hoàn hảo, phù hợp cho mọi đối tượng.
Khi mua bánh tráng trộn, người mua sẽ được chọn để các nguyên liệu riêng biệt rồi tự tay hòa trộn chúng, hoặc nhờ người bán hàng trộn giúp ngay lúc ấy. Tuy nhiên cách đầu tiên sẽ giúp bảo quản món ăn được lâu ngày hơn.
Ngày nay, bánh tráng trộn xuất hiện ở khắp mọi nơi. Từ Bắc chí Nam, từ thành thị cho đến các làng quê. Giá thành của bánh tráng trộn thông thường rẻ hơn so với bánh tráng nướng, từ 10.000 - 20.000 đồng.
2. Bánh tráng mắm ruốc
Khác với 2 loại bánh tráng kể trên, bánh tráng mắm ruốc phổ biến hơn cả ở các tỉnh miền Trung và miền Nam Việt Nam như Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi hay TP.HCM... Đúng như tên gọi, 2 nguyên liệu chính cần có trong món ăn này là bánh tráng và mắm ruốc. Còn có nhiều phiên bản khác như bánh tráng mắm ruốc chà bông, bao gồm hành lá và chà bông. Miếng bánh tráng sẽ được nướng trên bếp than, sau đó quết mắm ruốc lên đều bề mặt bánh, đợi bánh hơi ngả trắng thì cho phần nhân vào.
Hay bánh tráng cuốn mắm ruốc. Cái hay ở món ăn này là người nướng sẽ đợi bánh vừa chín tới, sau đó cuốn tròn lại, tiếp tục nướng thêm trên lửa cho đến khi chín đều các mặt. Bánh ngon nhất là khi ăn nóng, cắn một miếng là cảm nhận độ giòn và thơm nồng của các nguyên liệu tỏa ra. Ngoài ra còn có phiên bản bánh tráng chấm mắm ruốc.
Hiện nay để phục vụ nhu cầu mua về làm quà tặng cho bạn bè, người thân, đặc biệt là với các du khách nước ngoài, các loại bánh tráng ăn liền xuất hiện ngày càng nhiều bởi thời gian bảo quản chúng được lâu dài hơn.
Có thể thấy dù chỉ xuất phát từ món ăn lề đường giá rẻ, bình dân, nhưng bánh tráng nướng nói riêng hay bánh tráng nói chung đã và đang đưa hình ảnh Việt Nam gần hơn và được yêu thích hơn trong mắt bạn bè quốc tế.