Theo đó, hạn cuối để thí sinh đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH năm học này là 17h chiều 20/8. Số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, cả nước có hơn 941.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm.
Tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng là hơn 616.000 với hơn 3.094.572 nguyện vọng (trung bình mỗi thí sinh có 5,02 nguyện vọng). Số thí sinh không đăng kí xét tuyển là hơn 325.000 thí sinh, chiếm đến 35% tổng số thí sinh trên cả nước.
Đáng nói, con số này không có nhiều biến động so với thống kê số lượng thí sinh đăng kí ngày 19/8. Mặc cho trước đó, phía Bộ GD&ĐT đã liên tục nhắc nhở thí sinh không đăng kí vào phút chót.
Nhiều người cho rằng 35% lượng thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học là hết sức bình thường.
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên bậc THPT tại Hà Nội cho rằng, hiện nay nhiều phụ huynh, học sinh có xu hướng nhận thức đúng hơn về tình hình xã hội và năng lực bản thân nên có thể lựa chọn những con đường khác để vào thị trường lao động nhanh hơn, với chi phí học tập phù hợp hơn với điều kiện kinh tế của gia đình, nhất là trong bối cảnh học phí đại học đang tăng mạnh.
Thầy Hiền lấy ví dụ như phụ huynh và học sinh lựa chọn theo học các trường đào tạo nghề nghiệp, hệ thống trường cao đẳng nghề. Ngoài ra, hai năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều học sinh lựa chọn học trong nước nhưng năm nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên học sinh đi du học cũng nhiều hơn.
Khá bất ngờ với con số 35% thí sinh không đăng kí xét tuyển ĐH năm nay, nhưng GS. Phạm Tất Dong - cố vấn Hội Khuyến học Việt Nam lại cho rằng đây là tín hiệu tích cực khi nhiều bạn trẻ đã có những định hướng cho tương lai của chính mình.
Theo GS. Phạm Tất Dong, hiện nay nhu cầu về thợ lành nghề rất cao, do đó ĐH không phải con đường duy nhất để các bạn trẻ có thể lập nghiệp. Thay vào đó, nhiều em lựa chọn theo học các trường nghề, trường trung cấp cũng là điều tốt. Điều này không chỉ phù hợp với lực học của bản thân mà còn phù hợp với nhu cầu của xã hội, tránh gây lãng phí khi đào tạo ồ ạt cử nhân mà số lượng thất nghiệp cũng nhan nhản như thời gian qua.
Ảnh minh họa
Còn Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM thì cho rằng không có gì bất ngờ hay bất thường với số liệu 35% thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học năm nay.
“Hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng, trong số đó có em đã đăng ký vào cao đẳng, trung cấp. Điều này cũng đáng mừng vì các em đã theo dõi xu hướng chọn trường hiện nay. Các em có thể học đúng chuyên ngành yêu thích nhưng với mức học phí thấp hơn và thời gian ra trường nhanh hơn. Sau khi đi làm, các em vẫn có thể học liên thông lên nếu thấy thực sự cần thiết.
Ngoài ra, cũng có lượng lớn thí sinh đã chọn lựa đi du học hay xuất khẩu lao động sang các nước khác để tích lũy kinh nghiệm cho những năm sau đi học lại', thạc sĩ Phạm Thái Sơn cho hay.
Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn thì cách đăng ký nguyện vọng năm nay có một số điều mới hơn năm cũ nên Bộ GD&ĐT cũng đã tạo cơ hội để các thí sinh có thể suy cân nhắc và điều chỉnh nguyện vọng. Chỉ sợ trong số hơn 300.000 thí sinh này, có em chưa đăng ký nguyện vọng được vì chưa có thông tin rõ ràng và vì phương tiện các em không có nếu như ở vùng sâu, vùng xa'.
Một số chuyên gia tuyển sinh cũng cùng chung nhận định, con số hơn 320.000 thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống cao hơn so với các năm trước. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này có thể do năm nay, thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Do đó, các em có những định hướng khác sau khi biết điểm thi, không lựa chọn con đường vào đại học.
Bên cạnh đó, hai năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều học sinh lựa chọn học trong nước nhưng sang năm nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát nên học sinh cũng đi du học nhiều hơn.
Thí sinh chưa đăng ký xét tuyển cần thông tin về Bộ GD&ĐT
Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tới các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2022, nếu có bất kỳ thí sinh nào vì lý do ngoài mong muốn mà chưa đăng ký được nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, các em thông tin ngay về Vụ Giáo dục Đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.