Vai trò của tiếng Anh ngày càng trở nên quan trọng trong xu hướng hội nhập thế giới. Có lẽ vì thế mà hiện nay nhiều gia đình có xu hướng cho con đi học ngoại ngữ từ rất sớm. Thậm chí có trẻ mới 2 tuổi đã được bố mẹ đầu tư cho học tiếng Anh với hy vọng con phát triển như một trẻ song ngữ.
Trên thực tế đúng là có những đứa trẻ thành thạo tiếng Anh từ sớm, ở bậc tiểu học đã có thể đọc sách, truyện nước ngoài. Vậy nhưng cũng có những gia đình chi rất mạnh tay cho việc học ngoại ngữ của con mà hiệu quả lại không mong muốn.
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc cho con học tiếng Anh sớm cũng mang đến cả lợi và hại. Điều đáng lo ngại nhất chính là sự kỳ vọng quá mức của phụ huynh có thể khiến tuổi thơ của con bị ám ảnh bởi áp lực học tiếng Anh.
Vậy cha mẹ nên cho con học tiếng Anh từ mấy tuổi và việc học thế nào để có được hiệu quả tốt nhất?
Theo cô Nguyễn Minh Hà - giáo viên Trung tâm anh ngữ Hà Anh thì trẻ nên bắt đầu tiếp xúc tiếng Anh ở nhà khi bước vào tuổi lên 3. Cách tốt nhất là nghe, nhằm tạo ra môi trường phát âm bản ngữ cho con ngấm dần vào não bộ dưới dạng tín hiệu.
Nhiều trẻ 3 tuổi được bố mẹ cho tiếp xúc với tiếng Anh. (Ảnh minh họa)
Theo cô Hà, trẻ 3 tuổi bắt đầu phát triển khả năng tiếp nhận mạnh mẽ qua các giác quan. Sau nghe là khai thác về hình ảnh nhưng chỉ là cho con tiếp xúc chứ không quá kỳ vọng và áp lực vào việc này.
'Bố mẹ có thể dùng các video ngắn sinh động về hình ảnh, đơn giản về nội dung trong đó có các đoạn hội thoại bằng tiếng Anh để giúp các bé tiếp xúc và hình thành nên các nhận thức ban đầu về giao tiếp.
Việc cho con học tiếng Anh cần rất thoải mái, 'không học nhưng lại học', cha mẹ đừng quá kỳ vọng hay quá áp lực với con mà hãy xem việc học tiếng Anh giống như con đang chơi và từ từ thẩm thấu.
Hơn nữa, khi xem phim và đọc truyện tranh bằng tiếng Anh, con vừa có thể học vừa giải trí. Tôi nghĩ không nên tác động nhiều vào con hay ép buộc làm những điều mà con không thích, nhất là việc con còn quá nhỏ mà chi đậm tiền cho con học với người bản ngữ điều này là lãng phí và không hiệu quả nếu đứa trẻ của bạn không có năng khiếu ngôn ngữ thứ hai', cô Minh Hà nói.
Nhiều đứa trẻ gặp khó khăn khi học ngôn ngữ thứ hai. (ảnh minh họa)
Theo cô giáo này thì hiện nay đa số phụ huynh mắc lỗi là cảm thấy thích thú khi con có thể nói một vài từ tiếng Anh mà con học được trên ti vi. Sau đó lập tức nghĩ con mình có năng khiếu học tiếng Anh rồi bắt đầu quá trình 'nhồi nhét' tiếng Anh cho con mà không cần biết là có phù hợp với độ tuổi cũng như khả năng của con không.
Cô Hà chia sẻ, có những phụ huynh sẵn sàng chi 15 triệu thậm chí 20 triệu đồng/ tháng chỉ để cho con nhỏ học tiếng Anh nhưng vì khả năng của đứa trẻ có hạn, lại sai phương pháp nên đứa trẻ bị ám ảnh mỗi khi nhắc đến ngôn ngữ này. Cuối cùng phụ huynh vừa mất tiền, vừa mất thời gian mà con lại không học được gì.
'Học ngôn ngữ cũng cần có năng khiếu, đúng là có những bạn nhỏ tiếp xúc và học tiếng Anh từ sớm nên khi các bạn bằng tuổi mới chỉ bập bẹ tiếp xúc với tiếng Anh thì những bạn nhỏ này đã có thể nói lưu loát, thậm chí đọc được cả truyện bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên số này rất ít và đòi hỏi bố mẹ phải có những chiến thuật nhất định phù hợp với đứa trẻ. Đó cũng là quá trình rất dài của bố mẹ và con đồng hành cùng nhau chứ không phải tất cả những đứa trẻ cứ dạy tiếng Anh sớm, cho học với người bản ngữ hay chi tiền đậm trong thời gian ngắn là con giỏi tiếng Anh.
Con tiếp thu được tiếng Anh nhưng môi trường hàng ngày cũng phải sử dụng đến ngôn ngữ này thì con mới có cơ hội vận dụng cũng như ghi nhớ.
Bố mẹ có thể tạo cơ hội cho con nói tiếng Anh hàng ngày, nói cách khác là tạo 'môi trường tiếng Anh' cho con bằng môi trường thụ động như nghe nhạc, xem phim, đọc truyện tiếng Anh từng chút một.
Nếu không áp dụng đúng phương pháp và phù hợp với khả năng thì không chỉ tốn tiền bạc cho con đi học tiếng Anh mà phụ huynh còn thêm gánh nặng về thời gian và hao tốn công sức nhiều hơn', cô giáo Minh Hà cho hay.