Đề xuất mức học phí tăng gấp 5 lần so với trước
Ngày 14/5, Sở GD-ĐT TP.HCM có văn bản gửi Ủy ban MTTQ TP.HCM, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện, góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo trên địa bàn TP.HCM theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
Học phí bậc THCS năm học 2022-2023 tại TP.HCM được đề xuất tăng gấp 5 lần mức hiện tại (Ảnh: Hoài Nam).
Nếu được thông qua, hầu hết các bậc học ở TP.HCM từ năm học 2022-2023 đều tăng học phí. Đặc biệt bậc THCS tăng cao nhất lên đến 5 lần, từ 60.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, các bậc khác tăng 70.000-180.000 đồng/tháng tùy khu vực.
Theo dự thảo, trừ bậc tiểu học không thu học phí, các bậc học khác tăng như sau:
Ở bậc mầm non: Lớp nhà trẻ tại các quận, học phí sẽ tăng từ 200.000 đồng/tháng như hiện nay lên 300.000 đồng/tháng (tăng 100.000 đồng/tháng).
Lớp nhà trẻ ở các huyện giữ nguyên học phí 120.000 đồng/tháng.
Lớp mẫu giáo ở các quận sẽ tăng học phí từ 160.000 đồng/tháng như hiện nay lên 300.000 đồng/tháng (tăng 140.000 đồng/tháng).
Lớp mẫu giáo ở các huyện sẽ không tăng học phí, giữ nguyên là 100.000 đồng/tháng.
Bậc THCS: Học sinh THCS, giáo dục thường xuyên THCS tại các quận sẽ tăng học phí từ 60.000 đồng/tháng/học sinh như hiện nay lên 300.000 đồng/tháng, tăng gấp 5 lần.
Học sinh THCS, giáo dục thường xuyên THCS tại các huyện sẽ tăng học phí từ 30.000 đồng/tháng/HS lên 100.000 đồng/tháng, tăng 70.000 đồng/tháng.
Bậc THPT: Học sinh THPT, giáo dục thường xuyên THPT tại các quận sẽ tăng học phí từ 120.000 đồng/tháng lên 300.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng/tháng so với mức hiện đang áp dụng.
Học sinh THPT, giáo dục thường xuyên THPT tại các huyện sẽ tăng học phí từ 100.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng, tăng thêm 100.000 đồng/tháng so với mức hiện đang áp dụng.
TP.HCM từng thiết tha miễn học phí cho bậc THCS
Việc TP.HCM đề nghị tăng học phí năm học 2022-2023 với con số tăng gấp nhiều lần gây bất ngờ, đặc biệt ở bậc THCS. Gần 4 năm trước, thành phố từng tha thiết mong được miễn học phí ở bậc học này.
Tháng 9/2018, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc miễn học phí bậc THCS thuộc các trường công lập trên địa bàn. Nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS sẽ cân đối từ ngân sách của thành phố. Mỗi năm, thành phố thu khoảng 350 tỷ đồng tiền học phí từ bậc học THCS.
Tuy nhiên, khi đó Bộ Tài chính đã bác đề xuất này của TP.HCM. Bộ Tài chính cho rằng, việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập thuộc TP.HCM thẩm quyền của Quốc hội. Việc quy định đối tượng không đóng học phí phải được quy định trong Luật Giáo dục - thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Việc miễn giảm học phí bậc THCS, theo đánh giá của Bộ Tài chính sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học ở bậc THCS trên địa bàn TP.HCM và các địa phương liên quan. Trong khi, TP.HCM là địa phương có thu nhập đầu người thuộc diện cao trong cả nước nên mức đóng học phí từ 85.000 đến 100.000 đồng/tháng/học sinh không phải quá lớn, tạo gánh nặng cho cha mẹ học sinh.
Sau đó, TP.HCM đã thực hiện việc giảm học phí cho bậc THCS cùng với nhóm nhà trẻ tại các trường công lập từ đầu năm 2019.
Cụ thể, đối với học sinh bậc THCS và giáo dục thường xuyên THCS tại các trường công lập mức học phí đã giảm chỉ còn 60.000 đồng/học sinh/tháng (giảm 40.000 đồng/tháng) tại 19 quận nội thành và 30.000 đồng/học sinh/tháng (giảm 55.000 đồng/tháng) đối với 5 huyện ngoại thành.
Trước đề xuất tăng học phí trong Dự thảo lần này, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM lý giải, sở dĩ có sự chênh lệch mức thu học phí là do trước đây thành phố luôn duy trì mức học phí thấp, không tăng trong suốt 6 năm qua. Còn với bậc THCS do từ năm 2019, TP.HCM áp dụng việc giảm học phí nên bậc học này có sự chênh lệch lớn nhất khi bị đề nghị tăng học phí.