Điểm đáng chú ý trong mùa tuyển sinh năm 2022 của ĐH Luật Hà Nội
Chia sẻ với báo Công lý về những điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay, TS. Nguyễn Triều Dương – Phó trưởng phòng đào tạo đại học – ĐH Luật Hà Nội cho biết: 'Trong đề án tuyển sinh năm 2022, Trường ĐH Luật Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh 265 chỉ tiêu so với năm 2021. Với năm 2021 chỉ tiêu là 2000 thì năm nay tăng lên 2265 chỉ tiêu. Trong đó có 100 chỉ tiêu dành cho hệ đào tạo liên kết đại học Arizona (Hoa Kỳ). 165 chỉ tiêu cho phân hiệu'.
TS. Nguyễn Triều Dương – Phó trưởng phòng đào tạo đại học – Trường ĐH Luật Hà Nội. Ảnh Ngô Chuyên.
Trong 2000 là chỉ tiêu tuyển sinh ở Trụ sở chính thì nhà trường dành 49% chỉ tiêu dành cho xét kết quả thi THPT; xét kết quả học tập 49%; 2% trong tổng chỉ tiêu dùng để xét tuyển học sinh giỏi, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT.
Năm nay, các ngành đào tạo về cơ bản như năm ngoái gồm có 4 ngành: Ngành Luật, Luật Kinh tế, Luật thương mại quốc tế và ngành Ngôn ngữ Anh.
'Tuy nhiên đối với chuyên ngành có điểm mới. Cụ thể, đối với ngành Luật kinh tế năm nay là năm đầu tiên chúng tôi được sự đồng ý của Bộ GDĐT đầu năm 2022 chính thức tuyển sinh ngành đào tạo luật kinh tế chất lượng cao cho những em trúng tuyển vào ngành Luật kinh tế, với chỉ tiêu là 50 nếu số lượng đăng ký lớn chúng tôi sẽ thực hiện xét tuyển từ cao xuống thấp kết quả xét đầu vào và kết quả xét ngoại ngữ.
Chương trình chất lượng cao thì với quy định của Bộ GDĐT các môn học phải đạt tối thiểu 30% giảng dạy bằng tiếng Anh. Do vậy điều kiện để các em đăng ký vào ngành này rất quan trọng bởi sẽ có những môn học, học phần sinh viên học hoàn toàn bằng tiếng anh. Cái thứ 2, đầu vào về ngoại ngữ và đầu ra về ngoại ngữ hơn hẳn 1 bậc chuẩn đầu vào là B1 và chuẩn đầu ra là B2 hoặc tương đương'. TS. Dương cho biết.
Ông Dương cũng cho biết thêm, năm nay nhà trường cũng xây dựng 2 chuyên ngành của ngành Luật. Theo đó, lấy sinh viên trúng tuyển cho ngành Luật đào tạo cho hai chuyên ngành về ở hữu trí tuệ và pháp luật thi hành án.
'Nhưng bằng vẫn là cử nhân Luật', ông Dương lưu ý.
Thí sinh có mặt rất sớm đến gian hàng của Trường ĐH Luật Hà Nội nghe tư vấn. Ảnh Ngô Chuyên.
Tỷ lệ ảo sẽ giảm
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Triều Dương – Phó trưởng phòng đào tạo đại học – ĐH Luật Hà Nội: Năm nay, tất cả các phương thức xét tuyển đăng ký ở hệ thống của Bộ GDĐT như vậy các nhà trường sẽ không phải làm quá nhiều bước như trước đây.
Ông nói thêm, năm 2021 trở về trước, các trường chủ động tuyển sinh theo phương thức riêng của mình. Đồng thời, các trường đại học cụm phía Bắc họ chỉ lọc ảo đối với phương thức xét kết quả thi THPT. Theo đó, các trường nhận hồ sơ tuyển sinh học bạ của các em mặc nhiên đều là nguyện vọng 1. Vì thế lúc đó các trường tự xét tuyển theo phương thức riêng của mình tỷ lệ ảo rất cao thậm chí là chiếm 50-60%.
'Do vậy năm nay, đưa hết tất cả các phương thức đó đăng ký trên cổng thông tin của Bộ GDĐT như vậy sẽ có lọc ảo xét học bạ và lọc ảo kết quả thi thí sinh có thể căn cứ vào điểm học bạ và căn cứ vào điểm thi THPT mình để chọn và sắp xếp thứ tự nguyện vọng cho nó phù hợp để có thể đậu cao nhất', ông Dương nói.
Đồng thời, với lọc ảo này rất thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký các nguyện vọng của mình, để làm sao tối ưu để đạt được nguyện vọng của mình.
'Như những năm trước, thí sinh trúng tuyển một lúc nhiều phương thức. Theo đó, các trường phải bắt thí sinh xác nhận nhập học sớm, như vậy dẫu các nguyện vọng khác em ưu tiên hơn nhưng đã nhập học rồi không thể rút lại được', ông Dương dẫn chứng.
Cũng chính vì để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, tất cả các phương thức xét tuyển của các trường để đổ về đầu mối Bộ GDĐT sẽ thực hiện lọc ảo chung như vậy tỷ lệ ảo sẽ thấp, nhưng khi có kết quả lọc ảo các trường sẽ phải nâng lên đặt xuống trên hệ thống lúc đó có thể tỷ lệ tăng lên giảm đi nhưng trong hệ thống chung của Bộ GDĐT sẽ khách quan và tỷ ảo sẽ rất thấp.