Học sinh có thể không cần học Lịch sử, Vật lý,... nếu không muốn
Thông tin mới nhất, bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Đặc biệt ở chương trình lớp 10, học sinh sẽ học các môn bắt buộc gồm: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh....
Ngoài ra các học sinh sẽ lựa chọn 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể theo sở thích và năng khiếu của mình, đó là: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Đây là điểm thay đổi mới sẽ áp dụng cho học sinh lớp 10 đầu tiên năm học 2022-2023.
Trong một buổi tọa đàm, GS.TS Đỗ Đức Thái - chủ biên chương trình GDPT 2018 môn Toán cho biết: 'Học sinh là phải tự chọn 3 nhóm trên ra 5 môn và mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn để học suốt 3 năm cấp 3.'
Theo ông Thái, áp dụng chương trình mới này, học sinh lớp 10 trong năm học tới có thể không cần học Lý, Hóa, Sử, Địa... nếu các em không muốn. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là các em nên chọn môn học tự chọn thế nào để thuận tiện cho việc định hướng nghề nghiệp trong tương lai cũng như thuận tiện cho nhà trường xếp thời khóa biểu vì sẽ có khoảng 108 tổ hợp chọn môn.
Ngoài ra GS.TS Đỗ Đức Thái cũng đưa ra những cảnh báo đối với việc lựa chọn môn học của học sinh: 'Ví như lớp 10 học sinh chọn môn Sử nhưng lớp 11 không muốn học môn Sử, muốn chuyển sang môn Địa Lý cũng được. Thế nhưng, trong thời gian nghỉ hè học sinh buộc phải học lại môn Địa lý lớp 10 để có đủ các đầu điểm phục vụ cho xét tốt nghiệp sau này.
Vấn đề đặt ra là làm gì có thời gian học vì kỳ nghỉ hè thì không đủ thời gian học lại 1 môn và nhà trường cũng khó có thể tổ chức được vì biết đâu 1 trường chỉ có 3-4 em học lại thì xếp lớp, xếp giáo viên thế nào?
Một môn học 1 năm 35 tuần có hệ thống bài kiểm tra, đánh giá dồn trong vài tuần hè thì tôi khẳng định là không thể tổ chức được.
Chính vì thế, tôi khuyên học sinh và phụ huynh phải vô cùng cẩn trọng trong việc lựa chọn các môn học tự chọn'.
GS.TS Đỗ Đức Thái tại buổi tọa đàm.
Những tranh cãi trái chiều
Những thay đổi trong chương trình GDPT mới đang tạo ra những tranh luận trái chiều trên các diễn đàn. Đặc biệt nhiều người nói đến môn Lịch sử, một môn học mà từ trước đến nay nhiều học sinh muốn né tránh bởi khối lượng kiến thức phải ghi nhớ rất lớn. Việc chuyển môn học này sang hình thức tự chọn khiến không ít người lo lắng nếu quá ít học sinh chọn Lịch sử liệu môn học này có bị xóa sổ?
Trả lời trên tờ Tổ quốc, cô Nguyễn Thị Lĩnh, giáo viên dạy Bộ môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh cho rằng ở bậc THCS môn Lịch sử không áp dụng cho thi vượt cấp, học sinh sẽ bỏ bê, lên THPT mới lựa chọn và học sẽ khó khăn khi mất kiến thức nền tảng. Học sinh lớp 9 năm nay đang học chương trình hiện hành ở bậc THCS, lên lớp 10 thực hiện chương trình GDPT mới kiến thức sẽ bị vênh.
Tuy nhiên, cô giáo này không lo lắng việc không có học sinh lựa chọn môn học này vì Lịch sử vẫn là môn quan trọng khi các học sinh theo tổ hợp KHXH.
Chia sẻ trên báo Dân Trí, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT 2018, khẳng định: Việc thiết kế Chương trình đã được thực hiện rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các quan điểm chỉ đạo của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, yêu cầu của thực tế và tham khảo đầy đủ kinh nghiệm quốc tế.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết
Ông cũng cho hay, Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT mới cũng quy định: Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).
Giáo dục Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm từ cấp Tiểu học lên THCS. Chính vì thế khi học xong cấp THCS, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi.
Còn sang cấp THPT, Lịch sử sẽ ở cấp chuyên sâu. Học sinh có định hướng học các ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai sẽ học những mảng kiến thức chuyên môn chi tiết hơn để phục vụ cho lựa chọn tương lai của mình.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý Sở GD&ĐT các địa phương chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo triển khai việc lấy phiếu khảo sát với học sinh lớp 9, về nhu cầu lựa chọn tổ hợp môn học ở lớp 10 tương ứng với xu thế lựa chọn nghề nghiệp theo lĩnh vực. Từ đó, nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học nhằm phát huy được tối đa năng lực và đáp ứng nhu cầu học sinh khi thực hiện chương trình GDPT mới.
'Giải pháp dạy học phân hóa cũng đáp ứng yêu cầu giảm tải, giảm số môn học so với chương trình cũ. Tôi tin chắc rằng, đa số học sinh, phụ huynh sẽ thấu hiểu, đồng tình với giải pháp phân hóa mềm và giảm tải của chương trình GDPT mới', GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.