Trường học đã chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó với F0; thầy cô, học sinh, phụ huynh cũng đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối mặt với dịch bệnh. Song, trước thông tin số học sinh mắc Covid-19 gia tăng trong trường học, tâm trạng lo lắng, rối bời của phụ huynh, học sinh là điều khó tránh khỏi.
Nhiều học sinh chuyển học trực tuyến
Chưa đầy 1 tuần trở lại trường học, em Trịnh Minh Ngọc, học sinh lớp 9 của một trường THCS trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) đã mắc Covid-19. Ngọc cho biết, em có dấu hiệu ho, sốt, người lạnh run nên mẹ cho em test nhanh thì giật mình thấy kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Cũng theo Ngọc, thời điểm đấy, bạn ngồi cạnh em cũng là F0. Một số bạn khác ngồi gần, tiếp xúc gần, được cô giáo xếp vào nhóm F1 và chuyển học trực tuyến. Sau một tuần tự điều trị tại nhà, hiện Ngọc đã khỏe, kết quả test nhiều lần cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, gia đình vẫn đang theo dõi, chưa quyết định cho em trở lại trường vào tuần tới.
Học sinh tiểu học thuộc các huyện trên địa bàn Hà Nội đã được trở lại trường học trực tiếp.
'Năm nay là năm cuối cấp, sắp phải đối diện với kỳ thi chuyển cấp quan trọng nên việc trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài học online đối với em và các bạn là niềm vui lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn lây lan nhiều trong cộng đồng, bản thân cũng vừa mắc Covid-19, em rất lo lắng đến trường thời điểm này', Ngọc chia sẻ.
Tương tự, em Nguyễn Mỹ Phương, học sinh lớp 7 cũng của một trường học trên địa bàn quận Tây Hồ cho biết, sau hai tuần học trực tiếp đến nay lớp em đã có 5 F0. Hôm thứ 6 vừa rồi, cả lớp chỉ còn 7 bạn học trực tiếp. Không chỉ có học sinh mà một số giáo viên của lớp em cũng trở thành F0, F1, phải cách ly ở nhà, chuyển trạng thái dạy học trực tuyến.
Chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh của em Mỹ Phương cho hay: 'Sau khi lớp con có nhiều F0, phụ huynh lớp rất bất an. Cá nhân tôi đã xin thầy chủ nhiệm cho con học trực tuyến tại nhà. Phụ huynh khác cũng kêu gọi nhau cho con dừng đến trường để bảo đảm an toàn'.
Theo chị Hương, thời gian cho các con học online đã quá lâu rồi. Nếu tiếp tục kéo dài việc học online, hệ lụy không hề nhỏ. Tuy nhiên, thông tin trường học liên tiếp xuất hiện F0, chị Hương cũng như tâm lý chung của nhiều phụ huynh là lo lắng, không yên tâm cho con trở lại trường vào thời điểm này.
Theo hướng dẫn của trường con anh Phạm Hoàng Giang (quận Ba Đình), lớp có F0 nên gia đình có nguyện vọng cho con học online thì đăng ký. Học sinh học trực tiếp vẫn đến trường. Vì vậy, lo ngại con đi học lây F0 từ bạn, nhiều phụ huynh trong lớp dù muốn con đến trường nhưng vẫn quyết định cho con học trực tuyến.
Anh Giang cho rằng, theo các chuyên gia phân tích, học sinh nếu không may mắc F0 thì các dấu hiện cũng rất nhẹ, nguy cơ bệnh chuyển nặng thấp. Thế nên, không phải bạn nào cũng có biểu hiện triệu chứng rõ ràng để kịp thời cách ly, điều trị. Dẫn đến việc lây nhiễm trong lớp học tăng.
Như lớp con của anh Giang, lúc chưa đi học không có ai báo con bị F0 nhưng vừa đi học đã thấy lần lượt mỗi hôm lại có F0. Có bạn không có dấu hiện gì nhưng khi test nhanh thì cho kết quả dương tính. Giờ hơn nửa lớp chuyển sang học online.
'Một lớp học mà nay thế này, mai thế khác, cả bản thân giáo viên cũng mắc Covid-19 thì không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học mà còn ảnh hưởng lớn đến tâm lý học sinh', anh Giang nêu quan điểm.
Mở cửa trường học thời điểm này có phù hợp?
Trong báo cáo của Bộ GDĐT tại phiên họp với Chính phủ mới đây, nhiều địa phương có số ca F0 là giáo viên, học sinh tăng khi mở cửa trường học. Trong số những nơi đã có thống kê, Hải Phòng có số ca mắc cao sau Tết Nguyên đán 9.649 ca, kế tiếp là Thanh Hóa 2.359 ca.
Tại Hà Nội, tình trạng học sinh, giáo viên nhiễm Covid-19 gia tăng theo từng ngày. Tuy chưa công bố số liệu thống kê nhưng theo ghi nhận của phóng viên, có những trường có hàng chục ca nhiễm sau khi học sinh đi học trực tiếp trở lại chỉ 1 tuần; có lớp chỉ còn chưa đến chục học sinh học trực tiếp, hoặc chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn.
Phụ huynh bày tỏ quan điểm trái chiều trên mạng xã hội xung quanh việc học sinh trở lại trường học thời điểm này.
Số học sinh, giáo viên mắc Covid-19 trong trường học liên tục tăng sau 2 tuần TP Hà Nội mở cửa trường học khiến nhiều phụ huynh chuyển từ tâm trạng mong chờ, háo hức sang lo lắng, bất an. Trên các group phụ huynh mạng xã hội, không ít phụ huynh bày tỏ, việc mở cửa trường học là đúng với mong chờ của phụ huynh nhưng lại sai thời điểm.
Một phụ huynh có trang facebook cá nhân là Hà Hanu nêu ý kiến: 'Đồng ý, ở nhà quá lâu, trẻ nên đến trường. Điều này bố mẹ còn mong mỏi hơn bất kỳ ai. Nhưng con đi học mà bố mẹ nhấp nhổm không yên thì làm việc cũng không hiệu quả. Nếu con lây từ bạn ở lớp về gia đình thì cả gia đình đều ảnh hưởng đủ đường'.
Phụ huynh này đặt câu hỏi: 'Sau mỗi dịp lễ tết, số ca nhiễm Covid-19 luôn tăng cao. Nhất là thời tiết miền Bắc lúc này ẩm nồm, mưa lạnh. Tại sao không để qua một tháng hay ít nhất cũng nửa tháng sau Tết mới cho trẻ đến trường?'.
Con đi học, phụ huynh nơm nớm, dõi theo con diễn biến từng ngày đến lớp. Để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho con khi đến trường, chị Nguyễn Kim Chi (quận Hoàng Mai) cho biết, dù con đã thuộc làu nhưng gia đình chị luôn dặn dò con phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, tăng cường bổ sung vitamin C, vitamin tổng hợp, cho con ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
'Tâm lý đã chuẩn bị sẵn sàng đối diện với dịch bệnh nhưng cha mẹ nào cũng lo lắng cho sức khỏe của con. Có thể các con tiêm vaccine rồi, khi mắc thì triệu chứng rất nhẹ, thậm chí như cúm mùa nhưng di chứng của hậu Covid-19 thì chưa nói lên điều gì.
Hơn nữa, đối với lớp học có F0, việc nửa lớp học online, nửa lớp học offline hay đến tiết học của giáo viên F0, F1 dạy online cho học sinh học trực tiếp trên lớp như vậy tôi cho rằng sẽ gây khó khăn cho cả thầy và trò', chị Chi bày tỏ quan điểm.