Mới đây, trên trang cá nhân, vợ của nghệ sĩ Xuân Bắc đã đăng tải nội dung cảnh báo các bậc phụ huynh về việc kiểm soát sử dụng mạng xã hội của các con. Cụ thể, chị Hồng Nhung viết: 'Các bác kiểm tra tài khoản Facebook của các con các bác đi. Ối thứ bất ngờ. Em cho out hết, 2 con điện thoại cũng cho nát. Rất nhiều thành phần xấu lôi kéo con vào nhóm xấu'.
Con sẽ đối mặt thế nào?
Qua dòng chia sẻ trạng thái này, chị Hồng Nhung bày tỏ lo lắng về việc con trai có thể bị ảnh hưởng khi bị dụ dỗ vào những nhóm chat có nội dung xấu trên mạng xã hội. Động thái này của vợ nghệ sĩ Xuân Bắc khiến cộng đồng mạng đặc biệt quan tâm. Nhiều người chia sẻ ý kiến không đồng tình với cách làm của chị Hồng Nhung.
'Con cái ở độ tuổi phát triển thường hay mắc sai lầm. Cha mẹ nên bình tĩnh dạy bảo con, đừng đưa con lên mạng xã hội. Các bạn học chắc trêu con tới già', 'Tôi sợ cu Bi không chịu được áp lực từ cộng đồng mạng', 'Tự nhiên công khai con lên facebook, con trai sẽ tự ti, mặc cảm, lâu ngày ảnh hưởng tâm lý của con'…, nhiều dân mạng bày tỏ ý kiến cá nhân.
Chia sẻ của vợ nghệ sĩ Xuân Bắc trên trang facebook cá nhân.
Một giáo viên ở Hà Nội nêu quan điểm: 'Ở độ tuổi lớp 7 thì chuyện tò mò về giới tính là biểu hiện bình thường về tâm sinh lý. Nhất là trong bối cảnh nghỉ học trực tiếp, thời gian học online ở nhà nhiều càng dễ có điều kiện tiếp xúc với các thông tin, hình ảnh nhạy cảm so với lứa tuổi.
Việc đập vỡ điện thoại của con có thể là hành vi nóng giận bộc phát bình thường của một bà mẹ. Nhưng mọi chuyện sẽ bình thường nếu mẹ cậu bé không đưa chuyện của con lên facebook.
Đáng tiếc nhất là gia đình rất nổi tiếng và mẹ của bé có lẽ quên rằng mình phải kiểm soát điều này'.
Áp dụng kỷ luật hướng dẫn và kỷ luật giám sát
Thực tế, lời cảnh báo của vợ nghệ sĩ Xuân Bắc là vấn đề nhức nhối của nhiều gia đình con đang ở độ tuổi phát triển. Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, đặc biệt học sinh đang phải học online kéo dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em có điều kiện tiếp xúc với máy tính, mạng xã hội nhiều hơn.
Đây cũng chính là một trong số nguyên nhân khiến nhiều đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo các em tiếp xúc với các nội dung xấu độc trên mạng internet. Không ít phụ huynh cũng chia sẻ rằng, họ khó kiểm soát được con đang làm gì với các thiết bị điện tử.
Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho hay, những học sinh ở độ tuổi cuối tiểu học đã bắt đầu dậy thì. Khi quá trình phát triển sinh học khiến trẻ quan tâm đến những nội dung người lớn là chuyện thường xảy ra ở độ tuổi này.
Ông Sơn cũng cho biết: 'Kinh nghiệm tư vấn về vấn đề này, tôi thấy các con từ lớp 4 đã bắt đầu quan tâm và thường mách nhau về những nội dung này phim và truyện 16+; trên đường đi học về các cậu bé trai lớp 7 đã bô bô bàn về truyện kích cỡ vòng một của những diễn viên đóng sex.
Hệ lụy thường thấy là trẻ con trai có xem phim, đọc truyện 16+ và có xu hướng thủ dâm và mắc hội chứng di tinh khi mới bước vào lớp 10'.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, cha mẹ cũng đừng quá lo vì tỉ lệ quá khích của trẻ thường không xảy ra với hành vi quấy nhiễu tình dục. Nhưng hết sức cẩn trọng với nhận thức méo mó mà các con thường đọc những truyện giật gân dẫn đến hành vi phóng khoáng với chủ đề này mai sau.
Thế nên, theo chuyên gia này, con trẻ cần được áp dụng kỷ luật hướng dẫn và kỷ luật giám sát ngay từ đầu.
Dưới góc độ phụ huynh, hành vi tức giận của cha mẹ khi thấy con xem phim người lớn là phản ứng tự nhiên, không có gì đáng trách và đáng chỉ trích. Song cha mẹ cần học cách kiểm soát cảm xúc bản thân không gây ra bạo lực gia đình cho chính đứa trẻ và tuyệt đối không đưa lên mạng xã hội.
Đây là một hành động reo rắc lời đồn – một trong những loại bạo lực gây tổn thương lớn và lâu dài khi bị chính người thân của mình tạo ra.
'Giải pháp đầu tiên của phụ huynh là cần nhận lỗi với con cũng ở trên mạng để xóa đi lời đồn. Bước tiếp theo có thể làm là hướng dẫn cho con hiểu về cơ thể, hiểu về sinh học để giúp con định hướng bản thân. Kỷ luật thứ hai là kỷ luật giám sát của cha mẹ trong những qui định được tiếp cận nội dung nào và thời gian tiếp cận', ông Sơn nhấn mạnh.