Nên kết nối giữa trường chuyên và các trường đại học
Cuộc họp do Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực tổ chức, nhằm thu nhận các ý kiến, những sáng tạo trong việc triển khai mô hình trường THPT chuyên ở Việt Nam; những khó khăn, bất cập trong việc triển khai mô hình này giai đoạn 2022 - 2032 trong đề án mới.
Tại đây, ý kiến của các chuyên gia đều khẳng định vai trò quan trọng của trường chuyên nhiều năm qua. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc đào tạo ở Việt Nam hoàn toàn đảm bảo chất lượng cao nếu chúng ta có sự đầu tư nguồn lực. GS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho rằng, để hệ thống trường chuyên phát triển tốt hơn nên xác định rõ hơn sứ mạng của trường chuyên. Nên thống nhất trường chuyên với tên gọi, gắn với các trường ĐH, có sự chia sẻ nguồn lực giữa các tổ chức đào tạo tốt, quy hoạch cần đa dạng hóa loại hình đào tạo theo các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghệ thuật.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Sở GDĐT Bắc Kạn, Trường THPT chuyên Nam Định… đều nhấn mạnh việc nên có hệ thống kết nối giữa trường chuyên và các trường ĐH, truyền cảm hứng sáng tạo, để việc thực hiện đào tạo tốt hơn; nên tận dụng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên ở các trường ĐH. Mong muốn trường chuyên phải có vai trò trên nền chất lượng cao dẫn dắt các trường phổ thông bằng chương trình chất lượng; gắn với doanh nghiệp, với xã hội để tăng cường hiệu quả giáo dục đào tạo. Mục tiêu và mô hình trường chuyên cần phải hướng đến không phải là nơi đào tạo 'gà nòi' mà là trung tâm đào tạo tinh hoa cho xã hội.
Điều chỉnh mô hình cho phù hợp hơn
Trước đó, theo báo cáo của Bộ GDĐT đến năm 2019, hệ thống trường chuyên trên cả nước đang tồn tại với 3 hình thức: Trường chuyên trực thuộc các Sở GDĐT, trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục ĐH, khối chuyên thuộc các trường phổ thông, khối chuyên thuộc cơ sở giáo dục ĐH. Tính đến năm 2018, có hơn 2% học sinh cả nước học THPT chuyên…
Các trường chuyên đang thực hiện nội dung dạy học các môn chuyên theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Theo Bộ GDĐT, các trường có thể lựa chọn giới thiệu một số chương trình, tài liệu dạy học tiên tiến của nước ngoài để tham khảo, vận dụng. Hiện đã có một số trường chuyên lựa chọn một số chương trình, tài liệu dạy học tiên tiến của nước ngoài để dạy học trong nhà trường như Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, khối chuyên của Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)... Về công tác tuyển sinh, Bộ GDĐT đã ban hành thông tư về quy chế tổ chức và hoạt động của trường chuyên, tăng cường phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho việc tuyển sinh đầu vào các trường chuyên.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GDĐT khi ấy cũng chỉ ra 3 hạn chế của trường chuyên hiện nay. Trong đó, đáng chú ý là một số trường chuyên chưa thực sự phát huy được vai trò đi đầu trong việc đổi mới tổ chức và quản lý hoạt động dạy học, quản lý nhà trường; chưa chứng tỏ được vai trò hình mẫu của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Tại cuộc họp lần này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, với tư cách Trưởng Tiểu ban giáo dục phổ thông và chủ trì cuộc họp bàn đã ghi nhận kết quả thực hiện 10 năm thực hiện Đề án và xây dựng cho các năm tiếp theo. Ông Độ đồng tình với những hạn chế được đưa ra, ghi nhận các quan điểm trong việc xây dựng hệ thống chuyên trong giai đoạn mới, cần có nghiên cứu đánh giá tác động vai trò đóng góp phù hợp với thực tiễn đáp ứng yêu cầu, cũng như việc cần có sự chăm lo của nhà nước quan tâm giúp cho giáo dục có nguồn nhân lực chất lượng cao. Các khuyến nghị từ các chuyên gia, đề xuất giải quyết những vấn đề thực tiễn sẽ được Tiểu ban giáo dục phổ thông tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo có sự điều chỉnh hợp lý.
Ông Độ nhấn mạnh: Xây dựng quy chế trường chuyên cần có sự điều chỉnh với mô hình phù hợp hơn, phát huy mục tiêu đào tạo nhân tài cho địa phương, quan tâm chuyên sâu những học sinh năng khiếu mũi nhọn. Sứ mệnh trường chuyên vẫn là bồi dưỡng học sinh giỏi, chất lượng cao, lan tỏa kinh nghiệm dạy giỏi và chia sẻ nguồn lực của các trường chuyên, cần có sự quan tâm để trường đạt được mục tiêu đề ra.