Trường THCS Long Lộc đóng trên địa bàn xóm Khe Sài (xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) được xây dựng từ những năm 2000. Thời điểm đó, ngôi trường được xây dựng lên hoành tráng như một kỳ tích.
Nhưng trải qua 20 năm sử dụng, hiện ngôi trường này đã và đang xuống cấp nặng nề.
Ngôi trường 20 năm ở xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn, Nghệ An) xuống cấp và đe dọa sập khiến giáo viên và học sinh lo sợ
Trước sự xuống cấp và đe dọa sập của ngôi trường này, phía Ban giám hiệu, lãnh đạo xã Nghĩa Lộc đã có văn bản báo cáo cấp trên để xin được tu sửa, xây mới, đảm bảo cho việc dạy và học trong trường.
Theo quan sát của PV, ngôi trường này có 3 dãy nhà nhưng đều đã nứt nẻ, hư hỏng. Đặc biệt ở dãy phòng học cấp 4, đã xuống cấp và hư hỏng nặng nề. Các mái ngói, cột và xà không còn sự liên kết nhau. Những thanh gỗ chống đỡ mái hiện cũng đã bị mối mọt ăn hư hỏng.
Trường THCS Long Lộc được xây dựng 20 năm trước.
Không chỉ vậy, ở các bức tường trong phòng học và nền nhà hiện đã bị bong tróc nham nhở. Cửa sổ, cửa chính của các phòng học bị mất lượng lớn các ô cửa kính. Mùa mưa đến, gió lùa vào tận bàn của học sinh.
'Lo nhất là những ngày mưa gió lạnh. Cửa hỏng nên đóng cửa cũng như không, gió lùa vào ào ào. Nhìn lên mái ngói, các cột kèo của lớp học bị hỏng học mà lúc nào cũng lo sợ sập.
Sau 20 năm đi vào sử dụng, ngôi trường đang xuống cấp nặng nề.
Năm học trước nhà trường phải chuyển một số lớp học bị hư hỏng nặng xuống phòng học chức năng để đảm bảo an toàn. Nhưng giờ thì các phòng đều hư hỏng, không còn lớp để cho học sinh chuyển nữa', một giáo viên của trường THCS Long Lộc chia sẻ.
Trao đổi với PV, cô Trương Thị Nhâm - Hiệu trưởng Trường THCS Long Lộc cho biết, ngôi trường đã xuống cấp khoảng 4-5 năm nay. Trong đó, dãy nhà cấp 4 với 7 phòng học là hư hỏng nặng nề nhất.
Ở dãy nhà bằng bị ngấm, dột. Mùa mưa đến học sinh phải nép vào một góc để ngồi.
'Mấy năm trước, nhà trường và xã đều tu sửa lại các lớp bị xuống cấp. Nhưng do toàn bộ các phòng học đều đã hư hỏng, các mái ngói, cột của trường xuống cấp, nứt nẻ nên việc tu sửa lại cũng không còn đảm bảo an toàn.
Thấy một số lớp hư hỏng nặng quá nên trường phải chuyển các cháu sang học tạm tại phòng học âm nhạc.
Trên tường xuất hiện chi chít những vết nứt dọc, ngang.
Năm học này, nhà trường đã có văn bản tham mưu trình lên xã, lên Phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Đàn để xin có kế hoạch tu sửa, xây mới trường, đảm bảo cho việc dạy và học của giáo viên, học sinh', Hiệu trưởng trường THCS Long Lộc chia sẻ.
Được biết, năm học 2020 - 2021 này trường THCS Long Lộc có 10 lớp với 336 học sinh.
Cột tường nhà nứt toác.
Trao đổi với PV, ông Ngô Sỹ Cường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộc cho biết: 'Trường học đó hư hỏng lắm rồi. Nền, tường, trần, hoành, gỗ đều đã mục nát.
Hằng năm, trước thềm năm học mới chúng tôi phối hợp với nhà trường, hội phụ huynh và địa phương để tu sửa nhưng cũng không đảm bảo được. Nếu mưa bão xảy ra, chắc chắn phải cho các em nghỉ học, chứ để các em đến trường là rất nguy hiểm'.
Cột nhà và giằng mái bị nứt phải dùng vít và sắt để chằng chéo cho khỏi sập.
Hư hỏng nặng nhất ở dãy nhà cấp 4 với 7 phòng học.
Ngoài ra, nhà ban giám hiệu hiện cũng đã xuống cấp. Mái ngói dột nát, không đảm bảo.
Nhà để xe của học sinh chỉ có những cây cột và tấm ngói proximang.
Dãy nhà bằng cũng xuống cấp nặng sau nhiều năm đi vào sử dụng.
Ở móng và cột nhà đều nứt toác.
Những vết nứt sâu, đe dọa sập bất cứ khi nào.
Những ô cửa kính theo thời gian cũng vỡ gần hết.
Trên trần nhà đầy rẫy những vết nứt dọc ngang rất nguy hiểm.
Bóng đèn không còn sử dụng được.
Những vết nứt giữa tường và nền nhà ngày càng lớn.
Bà Lê Thị Doanh (bảo vệ trường) cho biết, sợ nhất là những ngày mưa bão, chỉ sợ gió cuốn sập trường thì nguy hiểm.
Nhiều cửa sổ không còn cánh cửa.
Những chiếc bàn học cũ kĩ, sập sệ không còn đảm bảo cho học sinh ngồi học.
Những thanh gỗ trên mái nhà cũng bị mối mọt ăn gần hết.
Tường chằng chịt những lỗ thủng lớn sâu vào bên trong.
Do không có trần nên những chiếc quạt buộc phải lắp đặt theo kiểu tạm thời cho học sinh học mùa nắng.
Nhiều chiếc bàn học bị gãy được gia cố lại bằng những thanh nẹp.
Cánh cửa phòng học đã bị mối mọt ăn thủng.
Tường nhà nứt chằng chịt.
Trên đóc mái nhà cũng xuất hiện những vết nứt lớn.
Những ngày đến trường thực sự là những ngày lo lắng của giáo viên và học sinh nơi đây.