Chương trình Bí mật đồng tiền số thứ 3 có sự góp mặt của Ông Phạm Lưu Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI và ông Nguyễn Tuấn Anh - chuyên gia 16 năm trên thị trường. Dù đến từ 2 trường phái đầu tư đối lập: cơ bản và kĩ thuật nhưng 2 khách mời của đã đồng thuận với nhau ở nhiều điểm về 'bí quyết lướt sóng'.
Lướt sóng không phải là bộ môn dành cho tất cả mọi người!
Theo các chuyên gia, nhiều người chơi mới bắt đầu (F0) nhưng lại rất thích trading (lướt sóng chứng khoán) vì cho rằng dễ kiếm tiền. Tuy nhiên, họ thậm chí không biết nguồn gốc và bản chất của những con sóng là gì và đến từ đâu. Để làm rõ thắc mắc này, ông Phạm Lưu Hưng nói:
Ông Hưng chia sẻ: 'Ngay cả sóng (tự nhiên) cũng không phải lúc nào cũng bắt đầu từ gió, có những sóng bắt nguồn từ những địa chấn dưới lòng biển mà tạo ra sóng thần. Chứng khoán cũng vậy thôi. Ví dụ có những con sóng do yếu tố vĩ mô tốt, một số ngành được hưởng lợi từ diễn biến đó và tăng là chuyện rất bình thường, không hề có yếu tố tạo lập ở đây. Cổ phiếu tăng vì kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong ngành đó tăng. Đó là điều rất bình thường và chúng ta không cần phải có một kỹ thuật quá phức tạp để lướt những 'con sóng' đó, vì nó rất lớn. Còn có những con 'sóng' mang tính chất nhân tạo, ví dụ như tát nước theo mưa, thấy thị trường tốt thì kéo - xả một tí'.
Theo ông Hưng, việc quan trọng là xác định xu hướng thị trường. Nếu xu hướng thị trường tăng, ngồi không không làm gì cũng nhân đôi tài khoản, tránh “nhảy ra – nhảy vào” (mua ra – bán vào – PV) rất dễ mua đỉnh – bán đáy.
Ông Hưng cảnh báo: Lướt sóng (trading) trên thị trường chứng khoán là bộ môn mạo hiểm và nó không phải là thứ dành cho đám đông. Nhà đầu tư, đặc biệt là các F0 phải chọn phương pháp đầu tư hợp với tính cách của bản thân mình.
Ông Tuấn Anh cũng lưu ý: ‘Đầu tư chứng khoán thì cần quan sát xu hướng. Cũng giống như mùa đông thì phải mặc áo ấm, hoặc mùa đông năm nay người ta thích áo màu này chứ không phải màu khác để mình nắm bắt cung – cầu thị trường’.
Ngoài những nhân tố trên, ông Tuấn Anh tiết lộ một số yếu tố ảnh hưởng tới quyết định liệu có 'nhảy vào con sóng' không: ‘Khi chứng khoán tăng lên đến nhân 5, nhân 6, nhân 10 lần so với lãi suất tiết kiệm, tôi sẽ “nhường lại” lãi đó cho mọi người chứ không đầu tư’.
Chuyên gia lướt sóng 16 năm nhấn mạnh: ‘Mỗi người lại có cách ra quyết định khác nhau và không có đúng, sai. Như George Soros nói "Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai'.
Theo ông Tuấn Anh, 'bí mật để sống sót và sống lâu chính là: luôn phải có cửa lùi, có kế hoạch quản trị rủi ro rõ ràng. Nói một cách hình tượng, bữa tiệc nào cũng cần tham gia, cầm trên tay ly rượu vang nhưng phải đứng ở gần cửa để thoát hiểm nếu cần'.
Chỉ học vài ba buổi phân tích kỹ thuật mà đòi lướt sóng kiếm tiền là ảo tưởng
Nhiều người cho rằng: Phân tích kỹ thuật trong chứng khoán không khó, chủ yếu có dám liều không. Về nhận định này, ông Hưng khuyên các nhà đầu tư F0 không nên xem nhẹ yếu tố phân tích kỹ thuật khi lướt sóng chứng khoán. Việc học không đến nơi đến chốn, biết nhìn nến hay biết kẻ một số đường và nghĩ rằng có thể dùng nó để đi bắt ‘bài người lái’ và kiếm được tiền là ảo tưởng.
Nhiều sinh viên năm thứ nhất, năm thứ 2 cũng có thể có chứng chỉ phân tích tài chính CFA nhưng điều đó không có nghĩa là ngay lập tức sinh viên đó có thể tham gia vào giới phân tích cơ bản và thành công.
Host Ngọc Trinh cũng đồng tình với ý kiến trên, cô cho rằng: "Chúng ta mất 12 năm để thi đỗ đại học, mất 4 năm để thành thạo một nghề nên không lý nào chỉ bỏ ra vài buổi để học cách khiến 'tiền đẻ ra tiền' được"
Chuyên gia Tuấn Anh cũng cho hay, trên lý thuyết, việc học để nắm bắt phương pháp phân tích kỹ thuật không khó. 'Anh có thể dạy em rất nhanh, chỉ 2 buổi là biết được luôn. Học thì nhanh nhưng ra trận nhắm sao cho trúng đích lại là vấn đề khác’.
Đầu tư chứng khoán cần kinh nghiệm giao dịch thực tiễn, kỷ luật và tâm lý vững vàng về tâm lý. Các nhà đầu tư mới cũng nên nhớ: Ở đâu có lợi nhuận, ở đó tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ cao.