Theo Bộ GD&ĐT, việc đánh giá học sinh sẽ chỉ thực hiện khi học sinh đi học trở lại. Ảnh: Q.Anh
Nội dung chương trình cần giảm nhẹ
Ngày 25/3, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về tăng cường các biện pháp phòng chống COVID-19 với 63 Sở GD&ĐT. Theo Bộ GD&ĐT, do tình hình nghỉ học có thể kéo dài, phải xây dựng kế hoạch học tập và quản lý việc học ở nhà thế nào cho phù hợp. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý học sinh bị phân tán, nên nội dung chương trình cũng cần được giảm nhẹ để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay. Bộ GD&ĐT đang thành lập các tiểu ban để tinh giản nội dung chương trình dạy học, làm sao rút ngắn thời gian, giảm nhẹ nội dung kiến thức, giúp học sinh học nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục.
Đối với việc đánh giá kết quả học tập của học sinh học qua internet, trên truyền hình, để đảm bảo công bằng cho học sinh, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, việc kiểm tra định kỳ, cuối kỳ sẽ được thực hiện tại các nhà trường khi học sinh đi học trở lại. Học sinh được học trước chương trình học theo hình thức trực tuyến, trên truyền hình, nhưng khi học sinh mới quay lại trường, các em sẽ được cơ sở giáo dục tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình.
Liên quan tới công tác phòng chống COVDI-19 trong ngành giáo dục, cũng như khắc phục một số khó khăn trong thời gian học sinh nghỉ học dài ngày, Bộ GD&ĐT cho biết, đã đẩy nhanh tiến độ rà soát để tinh giản nội dung môn học, khẩn trương xây dựng và công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia 2020 phù hợp việc tinh giản nội dung, làm cơ sở cho thầy trò yên tâm, ôn luyện. Theo đó, các đơn vị chuyên môn cần tập trung rà soát, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục; lựa chọn các chủ đề có thể tích hợp của từng môn học hoặc liên môn.
Về dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 988/BGDĐT-GDĐH gửi các đại học, trường đại học, học viện; các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch COVID-19. Đối với bậc phổ thông, quy định về dạy học qua internet, dạy học trên truyền hình cũng sẽ sớm được ban hành, làm cơ sở cho các địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả theo chương trình giáo dục đã được tinh giản. Việc xây dựng, thẩm định nội dung chương trình sau khi đã tinh giản sẽ được Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát sao để không 'buông lỏng' chất lượng.
Hỗ trợ Internet cho các trường vùng sâu, vùng xa
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: 'Bộ GD&ĐT luôn quan tâm đặt an toàn và quyền lợi của học sinh, các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên các nhà trường lên trên hết. Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên với học sinh, để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Bộ khuyến khích giáo viên giao học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch'.
Theo Bộ GD&ĐT, sẽ hỗ trợ các địa phương, nhà trường, học sinh chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Trong đó, Bộ GD&ĐT xây dựng hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình áp dụng cho học kỳ 2 năm 2020, đảm bảo tinh gọn, tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng theo chuẩn đầu ra của chương trình. Đồng thời chỉ đạo xây dựng, thẩm định các bài giảng điện tử từ nội dung chương trình cốt lõi đã tinh giản để phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam phát sóng trên toàn quốc. Điều này rút ngắn được thời gian hoàn thành chương trình theo khung thời gian năm học đã điều chỉnh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc làm việc nhằm trao đổi thống nhất một số nội dung hỗ trợ triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời điểm dịch bệnh. Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, với phương châm học sinh không đến trường nhưng việc học không gián đoạn, thời gian qua ngành giáo dục đã tích cực triển khai việc dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình cho cấp học phổ thông và đại học. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng interrnet có chính sách miễn phí dịch vụ internet cho học sinh, giáo viên sử dụng các hệ thống dạy học trực tuyến trong mùa dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo thêm các đài truyền hình tham gia phát sóng dạy học, tăng thời lượng phát sóng cũng như chia sẻ nội dung, tiếp sóng các bài giảng qua các kênh truyền hình. Xem xét hỗ trợ miễn phí hạ tầng công nghệ thông tin cho các trường đại học, cho các vùng khó khăn. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai ngay các hoạt động hỗ trợ để đồng hành với ngành giáo dục trong giai đoạn trước mắt, trong đó có việc miễn phí hạ tầng dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời điểm dịch bệnh. Đồng thời, xem xét để có những hỗ trợ lâu dài cho ngành giáo dục.
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản đề nghị các đơn vị, cơ sở giáo dục thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cán bộ quản lý, nhân viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và khuyến khích phụ huynh và người thân thực hiện khai báo sức khỏe tự nguyện trên ứng dụng NCOVI do Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo xây dựng. Bộ GD&ĐT cũng đã phát động toàn ngành tích cực tham gia khai báo y tế, bởi với số lượng gần 24 triệu học sinh, sinh viên, giáo viên, việc ngành Giáo dục làm tốt khai báo y tế sẽ góp phần rất quan trọng vào công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.