Cần đẩy mạnh dạy và học từ xa
Thời gian qua, để phòng chống COVID-19, nhiều địa phương đã tạm cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 15/3, thậm chí một số nơi đã dự kiến cho học sinh các cấp tiếp tục nghỉ các tuần tiếp theo của tháng 3. Đơn cử như tại Đồng Nai, ngày 11/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thông báo về việc cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn kéo dài thời gian nghỉ học đến hết ngày 4/4. Đồng thời, giao Sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện các nội dung ôn tập cho học sinh trong thời gian nghỉ học, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học theo hướng dẫn của ngành y tế.
Như vậy, ngoài học sinh THPT, các bậc học khác tại nhiều địa phương cũng đã nghỉ từ đợt Tết Nguyên đán 2020 đến nay, khoảng thời gian đến nay cũng đã gần 2 tháng. Trong thời gian học sinh tạm nghỉ, nhiều nơi cũng đã giao giáo viên tổ chức biên soạn bài tập để gửi cho học sinh làm ở nhà. Tại một số trường phổ thông có điều kiện về công nghệ thông tin cũng đã tiến hành dạy theo hình thức online, livestream bài học, qua phần mềm giáo dục… Tại một số địa phương tổ chức phát sóng dạy, ôn tập trên truyền hình, song chủ yếu là dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12, chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới.
Tuy nhiên, theo ghi nhận trong thời gian 1 - 2 tuần đầu học sinh còn hào hứng với hình thức học trực tuyến, sau đó là cảm thấy nhàm chán, hình thức làm bài tập, học theo hướng dẫn online mức độ tương tác còn bộc lộ hạn chế... Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, biện pháp học trực tuyến hiện nay chỉ là giải pháp mang tính 'chữa cháy', chưa có sự đầu tư và nâng cao chất lượng, đối tượng học sinh có hoàn cảnh khác nhau nên chưa thể áp dụng công nghệ thông tin theo diện đại trà. Cũng không ít ý kiến cho rằng, mặc dù đẩy mạnh công nghệ thông tin ứng dụng trong trường học, song thời gian qua đã cho thấy có sự lúng túng, triển khai chưa hiệu quả tại một số nơi.
Đánh giá về phương pháp triển khai dạy trực tuyến trong thời gian học sinh tạm nghỉ học hiện nay, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: 'Thời gian học sinh nghỉ học để phòng chống dịch, một số địa phương, trường học đã triển khai trực tuyến, nhưng triển khai đại trà thì còn khó khăn và chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Một số nơi có triển khai dạy học trực tuyến nhưng kết quả đó cũng không được công nhận, học sinh sau này vẫn phải học bù... Do đó, Bộ GD&ĐT cần tính toán để có cơ sở đánh giá việc học từ xa, kèm với đó là công nhận kết quả dạy và học đó'.
Trong thời gian tạm nghỉ, Bộ GD&ĐT khuyến khích dạy và học theo hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa: Q.Anh
Có thể điều chỉnh lại khung năm học, thi quốc gia
Mới đây, tại phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nền nếp, chất lượng. Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng. Đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.
Trong khi việc dạy học trực tuyến vẫn chủ yếu phụ thuộc vào địa phương, nhà trường, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lại khá 'sốt ruột' bởi tình hình học sinh có thể nghỉ học kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của năm học. Hiệp hội cũng đã có đơn kiến nghị gửi Chính phủ sớm có quyết định chỉ thị cho Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương bàn bạc để lên kế hoạch triển khai việc dạy học từ xa, trước hết là dạy học qua truyền hình, cho khối giáo dục phổ thông trước ngày học sinh đến trường đại trà. Bộ GD&ĐT công nhận kết quả học trực tuyến của các trường đã chủ động triển khai nghiêm túc trong đợt dịch vừa qua.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, cũng như việc đã ban hành điều chỉnh lại khung năm học, ấn định lại ngày thi THPT quốc gia 2020… tại một số tỉnh, thành việc nghỉ học kéo dài hơn dự kiến đang khiến phụ huynh lo lắng khi khung thời gian năm học đã điều chỉnh của Bộ GD&ĐT mới chỉ lùi 4 tuần trong khi học sinh đã nghỉ tuần thứ 6, và có thể tiếp tục kéo dài hơn nữa (tùy vào tình hình dịch bệnh), nhất là với thí sinh của kỳ thi THPT sắp tới. Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trong tình hình dịch bệnh, vấn đề an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên vẫn phải ưu tiên hàng đầu.
'Việc nghỉ học của học sinh có thể vì thế mà kéo dài, tùy tình hình, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc và điều chỉnh thời gian năm học nhằm đảm bảo các nhà trường có đủ quỹ thời gian cần thiết để xây dựng kế hoạch dạy học và đảm bảo chương trình cho năm học tiếp theo. Vẫn có thể điều chỉnh thời gian năm học cũng như thi THPT Quốc gia. Đối với hình thức học trực tuyến, qua internet đã và đang được nhiều nơi thực hiện. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ văn bản hướng dẫn cụ thể về việc này', ông Nguyễn Xuân Thành thông tin.
Ngày 22/2, Bộ GD&ĐT điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 theo hướng: Thời gian kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020. Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 15/7/2020. Hoàn thành tuyển sinh vào lớp 10 trước ngày 15/8/2020. Thi THPT quốc gia từ ngày 23/7/2020 đến ngày 26/7/2020. Trường hợp địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi THPT quốc gia của cả nước.