Vừa qua dư luận vẫn đang xôn xao về việc một số giáo viên, các phòng giáo dục và đào tạo, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhận được văn bản số 685/SGD & ĐT - CTHSSV & CNTT ngày 13/6/2017 và văn bản 1402 'V/v giáo dục kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước cho học sinh các trường phổ thông' do Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Hải Dương là ông Lương Văn Việt ký.
Theo đó, văn bản này đề nghị các phòng GD&ĐT trên địa bàn chỉ đạo các nhà trường đặt mua cuốn sách để trang bị cho thư viện, giáo viên bộ môn Thể dục và hướng dẫn mỗi học sinh đặt mua 1 cuốn sách'.
Nhiều người cho rằng, việc mua sách tham khảo thế nào là quyền tự do của mỗi phụ huynh học sinh, Sở GD&ĐT không có quyền yêu cầu phụ huynh phải mua sách này mà không mua sách kia.Việc yêu cầu học sinh phải mua sách tham khảo liệu có tồn tại cái gọi là “lợi ích nhóm”?.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet cũng đã liên hệ với Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương thì nhận được văn bản trả lời có nêu rất rõ: “Ngày 06/6/2016, Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch số 363/KH-BGDĐT về việc tổ chức biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục đạo đức - lối sống văn hóa” và “Thực hành kỹ năng sống” sử dụng trong các trường phổ thông. Sau 1 năm thực hiện, ngày 13/7/2017, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2368/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt bộ tài liệu “Thực hành kỹ năng sống” dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở.
Căn cứ công văn số 3225/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 27/7/2017 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn triển khai bộ tài liệu thực hành kỹ năng sống, ngày 21/08/2017, sở GD&ĐT Hải Dương đã ban hành công văn số 1042/SGDĐT-CTTT về việc tổ chức hoạt động kỹ năng sống trong nhà trường”.
Văn bản trả lời báo chí của Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương
Như vậy, có thể thấy, Sở GD&ĐT Hải Dương cùng một số tỉnh khác triển khai bộ tài liệu kỹ năng sống là căn cứ vào văn bản số 3225/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 27/7/2017 của Bộ GD&ĐT.
Điều đáng nói văn bản 3225 do ông Bùi Văn Linh - Vụ phó vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên ký đã chỉ rõ: “Chỉ đạo các nhà trường cấp tiểu học, trung học cơ sở sử dụng bộ tài liệu “Thực hành kỹ năng sống” gồm 9 cuốn từ lớp 1 đến lớp 9 từ năm học 2017-2018 trong hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh”.
Tại sao Bộ GD&ĐT lại ra văn bản chỉ đạo các địa phương chỉ dùng Bộ tài liệu “Thực hành kỹ năng sống”? Nhiều người đặt ra câu hỏi bộ sách Thực hành kỹ năng sống lại do Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành trong khi Nhà xuất bản này lại là cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT? Vậy động cơ đằng sau việc Bộ GD&ĐT yêu cầu phụ huynh học sinh mua bộ sách tham khảo là gì?
Cũng liên quan đến việc sử dụng sách tham khảo, ngày 1/9/2017, ông Bùi Văn Linh - Vụ phó vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên tiếp tục ký văn bản số 4026/BGDĐT-GDCTHSSV để thay thế văn bản số 3225/BGDĐT-GDCTHSSV. Tuy nhiên, trước đó nhiều Sở GD&ĐT đã ra văn bản yêu cầu phụ huynh học sinh mua sách tham khảo và hiện tại không biết xử lý thế nào.
Liên quan đế vấn đề này, chiều 14/9, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. Bà Nghĩa cho hay: “Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn bộ sách về kỹ năng sống với mục đích duy nhất là để học sinh tham khảo về kỹ năng sống. Công văn số 3225/BGDĐT-GDCTHSSV là để hướng dẫn sử dụng tài liệu về kỹ năng sống còn việc mua hay không đó hoàn toàn là quyền lựa chọn của các trường.
Công văn chỉ đạo và yêu cầu các trường mua bộ tài liệu kỹ năng sống thì không nên. Chính vì thế mà công văn 4026/BGDĐT-GDCTHSSV ra đời để thay thế công văn 3225”.
Khi PV thắc mắc về việc công văn 4026/BGDĐT-GDCTHSSV thay thế công văn 3225 nhưng lại không có hướng dẫn cụ thể trong khi trước đó một số Sở GD&ĐT đã ra văn bản yêu cầu nhà trường mua sách tham khảo. Chính vì thế một số Sở GD&DT đang bị động và không biết xử lý thế nào. Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay: “Trước đó đã có thông tư 21 của Bộ GD&ĐT năm 2014 về việc mua các bộ sách tham khảo nên trong công văn 4026 không cần hướng dẫn lại”.
Vậy, ông Bùi Văn Linh ký văn bản yêu cầu phụ huynh mua sách tham khảo sau đó thay thế bằng một văn bản khác sẽ bị xử lý ra sao? Chẳng lẽ, cứ ký văn bản một cách 'ồ ạt' sau đó thấy chưa hợp lý thì lại thay thế bằng một văn bản khác gây nhiều sự hiểu lầm và hệ quả là phụ huynh học sinh phải gánh chịu? Câu hỏi này xin dành lại cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Báo Infonet sẽ tiếp tục thông tin về sự việc!