ChatGPT là một công cụ tương tác thông minh với con người do Samuel Altman (cựu sinh viên Đại học Stanford) cùng OpenAI phát triển, ra mắt vào 30/11/2022.
Cho đến nay, có hàng chục triệu người đã được trải nghiệm miễn phí công cụ AI tuyệt vời này với nhiều lời khen ngợi, từ ngạc nhiên, bàng hoàng đến cả hoang mang, lo lắng trước những siêu trí năng mà Chatbot này đã thể hiện.
ChatGPT đang khuynh đảo giới công nghệ và thu hút hàng triệu người dùng.
Theo Giáo sư Hoàng Kiếm, trước lễ Giáng sinh, Giám đốc Google đã phát “Báo động đỏ” cho toàn công ty trước sự bùng nổ của ChatGPT trên toàn cầu! Trong khi đó, vào đúng dịp Xuân về làn sóng công nghệ này đã tràn vào Việt Nam. Những ngày Tết vừa qua, nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ đã hào hứng chia sẻ những cảm xúc ban đầu với ChatGPT khi được trực tiếp trải nghiệm những tính năng của công nghệ này.
ChatGPT như một cuốn siêu Bách khoa toàn thư có thể trả lời mọi câu hỏi không giới hạn chủng loại với đa ngôn ngữ từ những kiến thức chuyên sâu (giải thích các định luật, định lý, học thuyết từ cổ chí kim...) đến các câu hỏi có tính triết lý (hạnh phúc là gì?) hoặc liên hệ với cuộc sống (Tôi nên chuẩn bị gì khi đi du lịch?…)
Xin trích ra 2 ví dụ nhỏ minh họa cho sự thông thái và trí tuệ, dí dỏm của ChatGPT:
Hỏi: “Nghệ nhân là gì?”
ChatGPT đáp: “Nghệ nhân là một từ chỉ người làm nghệ thuật: nghệ sĩ, nhà thiết kế, chế tác hoặc những ai có khả năng sáng tạo và giỏi trong một lĩnh vực nghệ thuật. Nghĩa lóng: từ này còn chỉ người xứ Nghệ, là những người có quê Nghệ An và Hà Tĩnh ở miền Trung của Việt Nam vốn tách ra từ tỉnh Nghệ Tĩnh. Hiện nay trên Facebook, có 1 nhóm nổi tiếng mang tên Nghệ nhân với 45 thành viên là người xứ Nghệ”.
Hỏi: “Gặp bạn trai thì nên tỏ ra là hiền lành hay mạnh mẽ?”
ChatGPT đáp: “Con trai có người thích bạn gái hiền lành, có người thích bạn gái mạnh mẽ. Muốn trả lời chính xác thì cần phải biết ý thích của bạn trai. Tốt nhất là nên chân thành, trung thực vì cuối cùng, đây là cách cư xử tốt nhất”.
ChatGPT còn có thể viết bài luận (tổng quan, tóm tắt, diễn văn, giới thiệu, tiếp thị...). Trên mạng cũng có nhiều bạn đưa ra các minh họa rất ấn tượng về tóm tắt quan hệ ngoại giao Việt Mỹ, diễn văn kỷ niệm ngày thành lập trường dạy nghề... rất xúc tích và tạo cảm hứng cho người nghe
ChatGPT có thể tư vấn đầu tư tài chính, hướng dẫn luyện tập thể thao, dinh dưỡng, chọn nghề… Khi được hỏi: “Chọn nghề theo sở thích hay theo sở trường?” – thì dưới đây là tư vấn “rất có lý” của ChatGPT:
ChatGPT có thể làm bài tập, bài thi (mới đây ChatGPT đã vượt qua kỳ thi cuối kỳ MBA (tháng 12/2022) của trường kinh doanh hàng đầu Wharton (Đại học Pennsylvania - Mỹ) với điểm B).
ChatGPT cũng có thể viết chương trình, gỡ rối chương trình (đã có nhiều lập trình viên thử tài ChatGPT với nhiều ví dụ rất ấn tượng)... hay sáng tác nhạc, làm thơ, viết báo. Nhiều ví dụ cho thấy, khả năng này còn hạn chế, nhưng nhiều sáng tác cũng có những ý thơ, nhạc độc đáo.
Theo Giáo sư Hoàng Kiếm, ChatGPT được xây dựng trên nền tảng Open AI với cơ chế học sâu liên tục được cập nhật các nguồn dữ liệu khổng lồ từ các trang web, các tương tác hỏi đáp được xếp hạng, đánh giá liên tục (phiên bản GPT3.5 hiện tại bao gồm 300 tỷ từ đã được thu nhận, xử lý theo mô hình ngôn ngữ lớn cho đến cuối 2021…)
Tuy nhiên, ChatGPT vẫn còn một số hạn chế như: chất lượng câu trả lời còn phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học (đặc biệt các câu hỏi liên quan đến các sự kiện, nhân vật Việt Nam chưa được trả lời thỏa đáng); chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời; chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai; mức độ cảm xúc, sáng tạo còn hạn chế… - điều này có thể sẽ được khắc phục và nâng cấp trong thời gian tới.
Giáo sư Hoàng Kiếm đánh giá, với những gì đã thể hiện ở phiên bản thử nghiệm, ChatGPT cho thấy khả năng thay thế con người trong nhiều công việc như: giới thiệu sản phẩm, đại diện dịch vụ khách hàng; phân tích-tổng hợp thông tin thị trường, tài chính; biên dịch, viết báo tóm tắt tin tức; tư vấn pháp lý, đầu tư, y tế… đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Một số nhà giáo dục cảnh báo về khả năng ChatGPT và các công cụ tương tự (Google, Baidu… đang có kế hoạch đưa ra các Chatbot cạnh tranh với trí năng siêu cao trong thời gian tới) sẽ tác động rất mạnh mẽ đến giáo dục theo cả 2 hướng tích cực và tiêu cực.
Giáo sư Ethan Mollick (Đại học Pennsylvania-Mỹ) mới đây viết trên Twitter: “ChatGPT và AI đã làm “hỏng” việc cho bài tập về nhà! Nhiều học sinh và sinh viên khoe đã “nhờ” ChatGPT làm bài tập hoặc bài luận - mà giáo viên không phát hiện ra!
Một số trường ở Mỹ đã cảnh báo về việc này và yêu cầu giáo viên tăng cường kiểm tra các bài làm ở nhà, bổ sung việc đánh giá, thi cử trực tiếp... Các trường Công lập ở New York cũng ban hành lệnh tạm cấm học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT, trong khi 8 trường đại học hàng đầu ở Úc đang tái thiết kế những công cụ đánh giá kết quả học tập trong... tình hình mới.
Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến cho rằng: ChatGPT đã tạo cơ hội để thiết kế lại hình thức học tập hiện nay, có thể định hình tương lai của các lớp học sắp tới!
Một số giáo viên đã sử dụng ChatGPT làm trợ lý cho mình, giúp soạn giáo trình, bài giảng, bài tập và phiếu đánh giá học viên; cho phép và hướng dẫn học viên học, làm bài với “Gia sư” - ChatGPT có bổ sung phỏng vấn, thuyết trình, tự đánh giá nhận xét, hoàn chỉnh bài làm của ChatGPT…
Công cụ mới có nhiều khả năng phát triển theo cấp số nhân - mà ta chưa hình dung được hết (hàng triệu tương tác và hàng tỷ dữ liệu đang được học và cập nhật mỗi ngày). Theo đó, “tốc độ và chất lượng của việc Dạy và Học sẽ được gia tăng rất nhiều với Chat GPT và các công cụ AI tương tự trong thời gian tới… rất gần rồi!” – Giáo sư Hoàng Kiếm khẳng định.