Ông Shin Kyuk-Ho (sinh năm 1921) là một tỷ phú, doanh nhân người Hàn Quốc và là người sáng lập ra tập đoàn Lotte. Ngày 19/1/2020, ông Shin qua đời do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 99 tuổi.
Cuộc đời ông Shin là một truyền kỳ trong giới kinh doanh Hàn Quốc. Từ một công ty kinh doanh kẹo cao su khởi nghiệp tại Nhật Bản, đến năm 1967, ông thành lập tập đoàn Lotte tại Hàn Quốc. Sau đó ông dần mở rộng hoạt động kinh doanh sang các lĩnh vực khách sạn, phân phối, hóa học cho tới xây dựng, đưa Lotte trở thành tập đoàn tài phiệt đứng thứ 5 Hàn Quốc.
Theo báo cáo của Tạp chí Forbes năm 2006, khối tài sản của gia đình Chủ tịch Shin vào khoảng 4,5 tỷ USD, đứng thứ 136 thế giới. Cả cuộc đời vinh quang như vậy nhưng cuối đời, ông Shin có những tháng ngày không mấy êm ả. Tất cả bắt nguồn từ những đấu đá của các con ông.
Ông Shin Kyuk Ho thời trẻ và hình ảnh những năm cuối đời.
Con lật đổ bố, anh em cạn tình
Ông Shin có bốn người con sau ba cuộc hôn nhân. Người vợ đầu tiên của ông là bà Noh Soon-hwa, mất năm 1951. Họ có một cô con gái là Shin Young Ja (sinh năm 1942). Sau đó, ông Shin kết hôn với một phụ nữ người Nhật tên Hatsuko Shigemitsu vào năm 1952.
Họ có hai người con trai là Shin Dong Joo (sinh năm 1954) và Shin Dong Bin (sinh năm 1955). Ông Shin cũng có một cuộc hôn nhân khác với một phụ nữ đồng hương là bà Seo Mi Kyung theo hệ thống luật hôn nhân thông thường của Hàn Quốc. Họ có với nhau một người con gái là Shin Yu Mi (sinh năm 1983).
Tháng 7/2015, nội bộ gia đình nhà ông Shin xảy ra lục đục. Hai con trai ông Shin Dong Joo và Shin Dong Bin công khai đấu đá để giành quyền thừa kế tập đoàn. Cuối cùng, Shin Dong Bin đã trở mặt với bố và 'hất cẳng' ông Shin ra khỏi chức CEO Lotte Holdings.
Ông Shin Dong Bin (trái) và ông Shin Dong Joo (phải).
Đấu tranh giành quyền thừa kế không phải chuyện lạ ở Hàn Quốc. Nhưng con trai lật đổ cha mình trong một xã hội đề cao truyền thống và lễ giáo như Hàn Quốc là việc chưa từng xảy ra. Được biết Dong Bin đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp và thuyết phục được hội đồng quản trị đồng ý sa thải người cha khỏi vị trí lãnh đạo.
Sau nhiều năm kiện tụng, tranh chấp quyết liệt giữa cha - con, anh - em tại tòa án và các cuộc họp cổ đông, con trai thứ hai của nhà sáng lập Lotte vẫn nắm quyền điều hành tập đoàn bán lẻ này.
Xung đột nội bộ gia đình nhà sáng lập vì tranh giành quyền lực buộc Lotte hoãn kế hoạch IPO. Đây là tổn thất lớn đối với 'gã khổng lồ' bán lẻ.
Bài học dạy con đoàn kết từ các gia tộc giàu có
Nói về sự vụ 'con lật đổ bố, anh em cạn tình' của gia tộc Lotte, tờ JoongAng Ilbo cũng chỉ trích: 'Nhà sáng lập Shin Kyuk Ho từng nói: 'Một công ty không thể bị lung lay bởi tranh đấu gia đình'. Nhưng giờ chẳng ai tin những lời này nữa rồi. Mâu thuẫn nội bộ tại Lotte chắc chắn sẽ càng khiến công chúng mất thiện cảm với các chaebol (tài phiệt)'.
Nhiều người cho rằng, bi kịch của gia tộc Lotte một phần là bởi ông Shin đã không chú trọng việc dạy các con phải đoàn kết và gắn kết các giá trị gia đình. Nếu nhìn vào các gia tộc giàu có, nổi tiếng khác trên thế giới lại mới càng thấy điều này.
Gia tộc Rockefeller ở Mỹ được mệnh danh là đế chế dầu mỏ lớn nhất thế giới. Từng có câu 'Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời', tuy nhiên gia tộc này đã chứng điều đó là sai. Gia tộc Rockefeller đã bước vào thế hệ thứ 7, với gần 170 người thừa kế nhưng vẫn duy trì được khối tài sản đồ sộ.
Gia tộc Rockefeller giàu từ đời này qua đời khác.
Theo Forbes, họ có 11 tỷ USD vào năm 2016, nghĩa là đã hơn 100 năm sau khi John D. Rockefeller trở thành tỷ phú đầu tiên của Mỹ sau khi thành lập công ty kinh doanh dầu có tên là Stardard Oil vào cuối thế kỷ 19.
Thậm chí, một điều càng khó xảy ra hơn là gia đình này vẫn rất gắn kết, không dính vào vụ scandal, hận thù, kiện tụng và bi kịch nào mà những gia tộc giàu có khác thường vướng phải.
Vậy bí quyết của họ là gì? Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, David Rockefeller Jr., chủ tịch của công ty Rockefeller & Co., nói rằng gia đình mình đã phát triển được một hệ thống giá trị, truyền thống và các tổ chức, giúp họ gắn kết với nhau và giữ gìn tài sản.
Những điều đó rất có ích cho bất kỳ gia đình nào muốn nuôi dạy con cái bằng các giá trị tiền bạc tốt - ngay cả nếu họ không được giàu có. Ông đã chỉ ra 4 bí quyết:
- Tổ chức những buổi họp mặt gia đình
Ông David Rockefeller Jr. cho biết: 'Toàn thể gia đình chúng tôi gặp nhau 2 lần/năm, thường thì có hơn 100 thành viên trong cùng một căn phòng để ăn trưa vào ngày Giáng sinh chẳng hạn. Chúng tôi có một diễn đàn gia đình. Khi bạn 21 tuổi, bạn được mời đến những buổi họp mặt đó'.
Tại các buổi họp mặt, cả gia đình nói về hướng đi, các dự án, thành viên mới và bất kỳ tin tức nào khác liên quan tới sự nghiệp hay cột mốc quan trọng. Quan trọng là mọi người đều cảm thấy mình là một phần của đại gia đình, cho dù họ là dâu hay rể.
- Duy trì lịch sử gia đình
Gia đình Rockefeller duy trì lịch sử gia đình một phần thông qua những nơi 'lưu dấu kỷ niệm', nơi mà họ có thể tụ tập và kết nối với quá khứ. 'Đó là những nơi quen thuộc và đã được truyền qua nhiều thế hệ. Tôi có thể quay trở lại nơi mà ông cố tôi đã sống cách đây hơn 100 năm để thấy ông, cũng như con trai ông và những người cháu đã sống thế nào', ông David Rockefeller Jr. chia sẻ.
- Không còn duy trì một doanh nghiệp gia đình
Theo ông David Rockefeller Jr., nhiều vụ tranh chấp trong những gia đình giàu có là bắt nguồn từ việc kinh doanh. Chẳng hạn như ai sẽ quản lý nó, nên quản lý nó thế nào và ai sẽ được hưởng lợi.
Gia đình Rockefeller đã không có một doanh nghiệp gia đình kể từ năm 1911, khi Stardard Oil bị chính phủ Mỹ chia nhỏ thành các công ty đại chúng vì luật chống độc quyền mới ở thời đó.
Với biến cố đó, tài sản Rockefeller đã được thay đổi từ một công ty khổng lồ duy nhất thành nhiều công ty được niêm yết công khai. Kết hợp với một loạt quỹ ủy thác hiệu quả, các cổ phiếu và cổ phần tài chính đó được dễ dàng chuyển giao cho các thế hệ tương lai và ít bị ảnh hưởng bởi những cuộc chiến tài chính hơn.
- Các giá trị gia đình
Giá trị gia đình chính là thứ khiến gia tộc Rokefeller luôn gắn kết, cụ thể ở đây là việc làm từ thiện. Được biết gia tộc này có rất nhiều quỹ, bao gồm quỹ Rockefeller, quỹ Anh em Rockefeller và quỹ David Rockefeller. Hiện số tài sản được hiến tặng tổng cộng hơn 5 tỷ USD.
Các thành viên trong gia đình được khuyến khích tham gia vào các quỹ này và giúp chọn ra những trường hợp cần giúp đỡ. Khi việc cho đi trở thành 'thương hiệu', gia đình Rockefeller đã duy trì được các giá trị cốt lõi của John Rockefeller Jr. - người đã để lại câu nói được khắc trên đá tại Trung tâm Rockefeller: 'Đối với mỗi quyền lợi đều gắn liền với một trách nhiệm; mỗi cơ hội đều gắn với một nghĩa vụ và mỗi sự sở hữu là một bổn phận'.
Tổng hợp