Các vụ bạo lực học đường gây hậu quả rất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây khiến không chỉ phụ huynh, nhà trường mà người dân cả nước đều hết sức lo lắng.
Ngày 11/10, dư luận rúng động với vụ đánh nhau kinh hoàng ở Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường, nguyên nhân được xác định do chuyện tình cảm.
Cũng trong ngày 11/10, tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra vụ nam sinh lớp 11 đâm tử vong 1 học sinh lớp 12 do mâu thuẫn. Điều đáng tiếc là vụ việc ban đầu xảy ra trước cổng trường và đã được mọi người can ngăn, nhưng sau đó, khi đi đến đường khác thì học sinh lớp 11 lại bị đàn anh chặn đánh. Khi bị đánh, nam sinh này đã mở cặp lấy dao thủ sẵn đâm vào lưng đối phương khiến nạn nhân gục xuống, dù được đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Mới đây nhất, ngày 15/10, trên Facebook xuất hiện một bài đăng, nói về clip học sinh đánh nhau tại Trường THPT Nguyễn Trung Trực (quận Gò Vấp). Được biết, hai em học sinh của lớp 11A3 và 11A6 xích mích, mâu thuẫn với nhau dẫn đến sự việc trên. Nhà trường đã yêu cầu học sinh làm tường trình, đồng thời mời phụ huynh hai em lên để trao đổi, hòa giải. Hai bên gia đình đều rất cởi mở, đồng thuận với hướng giải quyết của nhà trường theo đúng quy định là hạ hạnh kiểm của học sinh đánh bạn. Sau đó, hai em vẫn đi học bình thường.
Làm sao xử lý tận gốc?
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, với những vụ việc xảy ra vì xốc nổi, 2 bên không có mâu thuẫn với nhau từ trước thì việc can ngăn để không xảy ra va chạm là cần thiết. Tuy nhiên, nếu đó là mâu thuẫn dai dẳng không được xử lý triệt để thì rất có thể sẽ gây ra hậu quả đáng tiếc.
Ông Lâm phân tích: ''Như trong sự việc nam sinh ở Hà Tĩnh thiệt mạng, nam sinh bị chặn đánh và rút dao đem theo để đâm nạn nhân, khi mang sẵn dao trong cặp đi học, nghĩa là học sinh này đã biết bị đe dọa, biết được mối nguy hiểm cận kề. Vậy gia đình, nhà trường, bạn bè các em có biết không?
Mâu thuẫn đã có từ trước, không phải chỉ can ngăn là trẻ không đánh nhau nữa, mà vấn đề là phải giải quyết tận gốc để ngăn chặn những hành vi phát sinh sau đó. Trách nhiệm của thầy, cô, nhà trường là buông lỏng trong dạy và quản lý học sinh, để xảy ra những vụ bạo lực học đường; nhưng trách nhiệm lớn hơn, đó chính là gia đình. Cha, mẹ phải là người chịu trách nhiệm lớn nhất với sự phát triển của mỗi đứa trẻ, không thể phó thác hoàn toàn cho nhà trường''.
Cô Vũ Thị Thúy Anh - giáo viên tham vấn tâm lý học đường Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (TP Hà Nội) kể rằng cô vẫn nhớ câu chuyện một học sinh tìm đến cô bởi mẹ em bị stress sau khi ly hôn, dần dần có xu hướng bạo lực và em trở thành nạn nhân. Em trở nên lầm lì, tiêu cực hơn.
Phòng tham vấn tâm lý học đường với không khí cởi mở là cách hạn chế tối đa khúc mắc trong lòng học sinh.
Cô Thúy Anh đã chăm chú lắng nghe những chia sẻ của em một cách tôn trọng, không phán xét. Bằng những kỹ năng của mình, cô giúp học sinh này thấy rằng, em là người có những điểm đặc biệt và xứng đáng được yêu thương.
Cô đã giúp nữ sinh này mở lòng hơn và biết cách chia sẻ tâm sự của mình. ''Vốn là người luôn suy nghĩ cho người khác nên nữ sinh này chưa từng nói với mẹ về việc mình buồn, bị tổn thương khi gia đình tan vỡ'', cô nhận định sau khi nghe những lời tâm sự bộc bạch của học sinh. Cô cũng hướng dẫn em cách lập ra lộ trình học tập.
Ba tháng sau, nữ sinh này vui mừng cho biết mẹ em đã lắng nghe và quan tâm đến tâm sự, cảm nghĩ của em. Cuối tuần, mẹ con đã cùng nhau đi chơi; bố em cũng thường xuyên gọi điện thoại hỏi han sức khỏe và việc học của em nên mối quan hệ cha con gắn kết hơn. Khi có thể chia sẻ được câu chuyện với bạn bè, tâm trạng của em cũng không còn u ám và tiêu cực như trước, kết quả học tập cũng tốt dần lên.
Nữ sinh nói trên là một những trường hợp may mắn được giáo viên, nhà trường phát hiện sớm, can thiệp kịp thời khi các em gặp biến cố gia đình. Nói thế để thấy rằng phòng tham vấn tâm lý học đường có vai trò rất quan trọng.
Thực tế, vẫn còn nhiều học sinh bị tổn thương tâm lý nhưng không biết giãi bày cùng ai và một số đã có những hành xử tiêu cực, để lại những hậu quả đáng tiếc.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT thì xảy ra những vụ bạo lực học đường do một số nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, do sự phát triển tâm sinh lí của lứa tuổi, nhất là lứa tuổi học sinh THCS có nhiều thay đổi, phát triển mạnh mẽ. Các em muốn vươn lên để thể hiện mình là người lớn, người trưởng thành trước thực tiễn xã hội có rất nhiều điều hấp dẫn muốn khám phá. Trong khi đó, kiến thức, kỹ năng sống, của các em đều còn thiếu rất nhiều.
Thứ hai, mặt trái của sự phát triển khoa học công nghệ, mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống của học sinh: kiểm soát, ngăn chặn những nội dung xấu, độc trên internet, mạng xã hội rất khó khăn, đòi hỏi phải có sự đầu tư về các nguồn lực và sự phối hợp hiệu quả.
Thứ ba, một số gia đình chưa thực sự quan tâm đến con em, thiếu kỹ năng trong giáo dục con cái; gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bất hòa, không hạnh phúc... đã ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, thái độ của học sinh.
Do đó, để giải quyết tận gốc phải có những giải pháp mang tính tổng thể. Trước nhất, giáo dục trong gia đình và giáo dục nhà trường, xã hội cần gắn chặt với nhau, giáo dục cho học sinh có ý thức, phát triển nhân cách hài hòa, có giá trị sống, biết yêu thương, tôn trọng, khoan dung.