'Nhìn thầy trò đi cách ly trong đêm, tôi vừa thương, vừa lo'
Những ngày qua, tại xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang (Hải Dương) xuất hiện chùm ca bệnh với 8 ca mắc COVD-19 (đều là người thân) làm mọi người lo lắng. Đây cũng là chùm ca bệnh đầu tiên ở huyện Ninh Giang có nhiều người mắc từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam.
Đáng chú ý, trong số những ca bệnh nói trên có nam sinh lớp 8A trường THCS và trong đêm muộn 9/12, hơn 50 học sinh cùng thầy cô giáo được đưa đi cách ly tập trung. Đây là sự việc hi hữu chưa từng xảy ra tại miền quê thuần nông yên bình và chính điều này đang là nỗi lo cho Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 xã Hiệp Lực.
Hơn 50 học sinh và giáo viên trường THCS Hiệp Lực được đưa đi cách ly trong đêm 9/12 sau khi có 1 em dương tính với SARS-CoV-2
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tường – Hiệu trưởng trường THCS Hiệp Lực tâm sự: 'Mặc dù, tôi cùng BGH đã chuẩn bị mọi tình huống từ trước, nhưng sau khi nhận được thông tin về nam sinh lớp 8A có kết quả khẳng định dương tính, bản thân vẫn tôi luôn có những cảm xúc khó tả và lúc đó tôi thương, lo lắng cho học sinh.
Tôi sợ các em cùng thầy cô có thể bị lây nhiễm và các em chưa khi nào xa nhà bao giờ. Có lẽ trong hơn 30 năm làm nghề sư phạm chưa có đêm nào tôi lại chứng kiến cảnh thầy - trò khăn gói đi cách ly tập trung'.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho học sinh trong khu vực cách ly tập trung
Theo thầy Tường, vào khoảng gần 23h đêm 9/12, thầy nhận được thông tin từ Ban chỉ đạo (BCĐ) xã Hiệp Lực về học sinh lớp 8A có kết quả dương tính. Ngay sau đó, thầy có mặt tại trụ sở UBND xã để tiến hành họp khẩn cùng BCĐ địa phương lên phương án dập dịch và thực hiện đưa 43 học sinh cùng 8 giáo viên về điểm cách ly tập trung của xã tại trường tiểu học Hiệp Lực.
Vào thời điểm đó, hầu hết học sinh, giáo viên đã đi ngủ và mỗi người ở một thôn khác nhau. Do đó, để di chuyển cùng lúc hơn 50 thầy trò trong đêm khuya là cả vấn đề, dù trước đó toàn bộ các trường hợp này đã được BGH thông tin, chuẩn bị sẵn đồ đạc cá nhân.
Trước khi ra nhận đồ, học sinh thực hiện đứng giãn cách theo quy định
Ngay khi xuất hiện chùm ca bệnh với 4 mẹ con cùng mắc COVID-19 ngày 5/12 và sau đó thêm 2 người cùng gia đình dương tính, BGH nhà trường xác định nam sinh lớp 8A thuộc nguy cơ cao, vì em này tiếp xúc trực tiếp với chùm ca bệnh. Chính vì vậy, nhà trường đã chuẩn bị sẵn các tình huống và báo cáo BCĐ xã cùng phòng GD&ĐT huyện.
Cùng với tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh và giáo viên, ngày 8/12 BGH tiến hành họp trực tuyến với 43 phụ huynh học sinh có con là F2 (thời điểm đó nam sinh lớp 8A chưa dương tính) và giáo viên nhà trường.
Nam sinh lớp 8 trong khu cách ly tập trung xã Hiệp Lực
Trong cuộc họp trực tuyến nhà trường có mời đại diện BCĐ xã dự và thông báo toàn bộ kế hoạch nếu thầy - trò là F1 sẽ phải đi cách ly tập trung để các gia đình chuẩn bị tư tưởng, tâm lý. Đặc biệt các gia đình sẽ chuẩn bị trước những đồ dùng cá nhân để cho các em đi cách ly và BGH làm công tác tâm lý cho các phụ huynh để mọi người yên tâm.
Cũng theo Hiệu trưởng nhà trường, trước khi nam sinh có kết quả dương tính vào đêm muộn 9/12, BGH đã chuẩn bị xong phương án để giáo viên và học sinh thuộc diện F1 cách ly tập trung. Ngoài việc phun khử khuẩn, chia lớp học thành từng ô nhỏ, có lắp hệ thống ngăn cho từng người cách ly, khu tắm giặt, vệ sinh riêng; nhà trường cho lắp thêm trang thiết bị, đường truyền để phục vụ việc học trực tuyến tại chỗ.
Cô và trò trường THCS Hiệp Lực học trực tuyến trong khu cách ly tập trung
'Mỗi phòng cách ly của học sinh chúng tôi đều có danh sách cụ thể và có ít nhất 1 giáo viên phụ trách để nhắc nhở các em. Trong trường hợp không có giáo viên thuộc diện F1, BGH sẽ cử giáo viên hoặc đại diện phụ huynh vào trong khu cách ly để quản lý, riêng việc ăn hàng ngày cho các F1 (3 bữa/ngày) sẽ do BCĐ xã đảm nhận.
Vì đây là lần đầu tiên các em xa nhà để đi cách ly, cho nên trong ngày đầu tiên nhiều em chưa quen với quy định, còn lo lắng. Tuy nhiên, đến hiện tại hơn 50 thầy trò trong khu vực cách ly đều chấp hành tốt, yên tâm và gia đình phụ huynh tin tưởng', thầy Tường cho biết.
Cần lắm sự chung sức, đồng lòng, sẻ chia
Nhớ lại đêm 9/12, ông Đào Đình Cung – Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực kể: 'Đêm hôm đó, tất cả các thành viên trong BCĐ xã đều thức trắng để thực hiện nhiệm vụ và từ trước đến nay chưa khi nào địa phương chúng tôi phải đưa học sinh, giáo viên đi cách ly trong đêm. Dù trước đó, chúng tôi đã dự báo khả năng sẽ còn xuất hiện F0 liên quan đến chùm ca bệnh, nhưng đến khi xảy ra và nhìn cảnh nửa đêm phụ huynh đưa con em kèm theo đồ đạc đến khu cách ly thì ai cũng thương cảm …'
Phụ huynh gửi đồ cho học sinh qua chốt kiểm soát tại khu cách ly tập trung
Sau khi cuộc họp khẩn trong đêm với BCĐ huyện, các bộ phận của xã nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. 0h ngày 10/12, phụ huynh bắt đầu đưa học sinh đến điểm cách ly tập trung. Đến khoảng hơn 2h sáng, toàn bộ học sinh, giáo viên thuộc diện F1 đã được cách ly ổn định và BCĐ cho lập chốt, đặt biển cảnh báo, phân công lực lượng trực ở khu cách ly tập trung.
Từ đợt dịch đầu tiên đến nay, trên địa bàn xã Hiệp Lực nhiều lần có những trường hợp F1 thuộc diện nguy cơ cao và xã đều phải thực hiện các cuộc họp khẩn, làm nhiệm vụ trong đêm. Tuy nhiên, chưa khi nào xuất hiện chùm ca bệnh với 4 ca mắc cùng thời điểm và hơn 50 thầy trò phải đi cách ly trong đêm. Tuy nhiên, trước đó, BCĐ xã đều chuẩn bị sẵn các phương án, kịch bản để ứng phó khi trên địa bàn có ca dương tính.
Ban chỉ đạo xã Hiệp Lực kiểm tra các suất ăn trước khi chuyển vào khu vực cách ly tập trung cho F1
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực, hiện tại địa phương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung đang thực hiện phòng chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Do đó nếu xã nào có bệnh nhân mắc COVID-19 thì trường hợp F1 liên quan sẽ được cách ly tập trung tại điểm cách ly của xã và toàn bộ sinh hoạt, ăn uống do xã hỗ trợ. Chính điều này khiến cho địa phương lo lắng và gặp nhiều khó khăn.
Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện hơn 2 năm nay làm cuộc sống người dân xã Hiêp Lực gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó theo quy định, những trường hợp F1 cách ly tập trung (14 ngày) tại xã sẽ do địa phương quản lý và suất ăn hàng ngày (được tính 80 nghìn đồng/người) do chính quyền sở tại chi phí.
Theo quy định, mỗi trường hợp F1 cách ly tập trung 14 ngày sẽ có khẩu phần ăn 80 nghìn đồng/ngày và toàn bộ chi phí này do UBND xã Hiệp Lực đảm nhiệm
Xã Hiệp Lực có 60 trường hợp F1 đang cách ly tập trung tại điểm trường tiểu học và gần 30 thành viên thực hiện nhiệm vụ như: trực chốt, y tế, công an, BCĐ. Chỉ riêng tiền ăn 1 ngày cho 60 F1 và lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, xã Hiệp Lực phải bỏ ra gần 10 triệu đồng, chưa kể việc mua trang thiết bị, đồ bảo hộ, khẩu trang, nước sát khuẩn…
Trong khi kinh phí dành cho chống dịch không có và hơn 2 năm qua việc phòng chống dịch đã tiêu tốn một khoản lớn từ ngân sách địa phương. Vì vậy, sau khi xuất hiện chùm ca bệnh và từ thời điểm hơn 50 thầy trò cách ly tập trung đến nay, BCĐ xã Hiệp Lực gặp khó khăn trong việc tìm nguồn kinh phí để phục vụ chống dịch.
Chính quyền xã Hiệp Lực mong người dân, con em địa phương cùng các tổ chức, doanh nghiệp...chung tay san sẻ hỗ trợ
'Hiện tại địa phương tôi đang gặp khó khăn trong việc huy động kinh phí chống dịch và đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho 60 trường hợp F1 cách ly tại xã cũng như lực lượng thực hiện nhiệm vụ địa phương. Riêng các thành viên BCĐ sẽ thay nhau trực, còn đến bữa sẽ về nhà ăn để giảm gánh nặng chi phí. Nếu không may có thêm vài trường hợp dương tính nữa thì số F1 sẽ tăng lên và xã chúng tôi sẽ không biết lấy kinh phí từ đâu để lo chống dịch.
Chúng tôi biết hơn 2 năm qua người dân địa phương gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu không phát động xã hội hoá thì xã cũng không có nguồn để lo chống dịch, lo các suất ăn cho các trường hợp F1 cách ly tập trung. Trong lúc này, tôi mong toàn thể người dân, con em địa phương… hãy chung sức, đồng lòng, san sẻ với quê hương bằng vật chất, lẫn tinh thần giúp BCĐ có thêm nguồn lực thực hiện công tác phòng chống dịch', Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực nói.