Trong thời gian qua, có hai câu chuyện liên quan tới chủ đề dạy trẻ ứng xử văn minh nơi công cộng được cộng đồng mạng chú ý. Đầu tiên là việc một khách hàng tại quán cà phê bị trẻ chơi đùa làm đổ nước vào máy tính. Nhưng mẹ của em bé lại cho rằng do cô gái không nhanh tay đỡ nên mới đổ vào máy tính. Câu chuyện thứ hai là một quán cà phê từ chối khách dẫn theo trẻ em dưới 13 tuổi, do không có không gian riêng cho trẻ em vui chơi, sợ ảnh hưởng tới các vị khách thư giãn và trò chuyện, vì nhân viên quán không kỹ năng dỗ dành trẻ… Hai câu chuyện này thổi bùng lên những tranh luận xung quanh ứng xử của trẻ em nơi công cộng.
Xung quanh câu chuyện này có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng trẻ con cần được dạy dỗ để có cách ứng xử đúng mực nhất là nơi công cộng, cha mẹ cũng phải chịu trách nhiệm trước hành động của con, uốn nắn kịp thời khi trẻ vượt giới hạn để tránh làm phiền người khác. Bên còn lại nghĩ rằng trẻ con còn quá non nớt để hiểu chuyện và người lớn cần bao dung với chúng. Những lời như 'cháu còn nhỏ', 'trẻ con thì biết cái gì'… đã trở thành câu cửa miệng của một số người khi trẻ gây rối. Nếu người lớn hoặc những trẻ lớn hơn phàn nàn thì họ lập tức bị kết tội không biết nhường em, hay người lớn mà chấp trẻ con, không có con nên không biết thông cảm…
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Trần Thanh Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết: 'Khi đến chuẩn 5 tuổi, các em cần phải biết cái nào là sở hữu của mình, cái nào không phải sở hữu của mình, cách thức ứng xử nơi công cộng, biết chào hỏi, giữ trật tự, biết lấy đồ của người khác phải xin phép… Đó là những kỹ năng rất cơ bản. Đáng lẽ, giáo dục gia đình, trong môi trường mầm non phải hình thành được cho các em rồi. Những mầm mống để hình thành thói quen hành vi hoặc nguyên tắc ứng xử cơ bản với người khác, tôn trọng bản thân mình, tôn trọng người khác… được gieo mầm từ trong giai đoạn mầm non. Tất cả những biểu hiện hành vi của cha mẹ ứng xử như thế nào sẽ in đậm vào tâm trí của đứa trẻ. Bố mẹ hành xử theo cách thức không tôn trọng người khác thì về sau, nó cũng sẽ lấy hình mẫu đó để ứng xử với thế hệ sau'.
Việc giới hạn trẻ em ở một số cơ sở dịch vụ không phải là chuyện hiếm gặp. Năm 2014, các nhà hàng, quán cà phê treo biển 'No Kids' để cấm trẻ em bắt đầu xuất hiện ở Hàn Quốc. Các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống cho biết họ không muốn chịu trách nhiệm với những đứa trẻ vô ý thức và những phụ huynh thiếu trách nhiệm. Tại châu Âu, một số mô hình nhà hàng, quán cà phê dành riêng cho người trưởng thành cũng được ưa chuộng thời gian qua. Một số nơi còn treo biển 'Những đứa trẻ la hét sẽ không được chấp nhận'. Cũng khó lòng trách trẻ về việc chúng hiếu động, nghịch ngợm bởi đó là một trong những đặc điểm thường thấy ở lứa tuổi này, nhất là trong độ tuổi dưới 10 tuổi. Tuy nhiên, vì vậy cha mẹ cần dạy trẻ cách ứng xử lịch sự, tôn trọng người khác, đặc biệt là ở nơi công cộng.
'Chúng ta phải đưa ra được cách thức hành xử thực sự phù hợp, bên cạnh mục tiêu giúp trẻ phát triển toàn diện, qua đó cũng giúp các em có sự giáo dục để biết cách hành xử phù hợp với từng môi trường mà về sau các em phải đương đầu', PGS.TS Trần Thành Nam cho biết.
Với nhiều bậc cha mẹ, các con là những thiên thần đáng yêu và luôn được ưu tiên. Tuy nhiên, bao che, bệnh vực bất chấp mọi quy tắc, không uốn nắn hành động lệch chuẩn của trẻ thì không giúp trẻ, trái lại còn dẫn tới nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng tới khả năng phân định đúng sai của trẻ. Từ đó, trẻ không biết phải ứng xử ra sao khi gặp người lạ mặt hay thoải mái đùa nghịch, gào thét, gây rắc rối giữa chốn đông người, chỉ vì nghĩ rằng sẽ có người lớn bảo vệ. Điều quan trọng hơn là ngoài việc dạy dỗ, trẻ cũng cần được thầy cô, cha mẹ, anh chị nêu gương. Bởi có câu trẻ con bắt chước bẩm sinh giống như cha mẹ mình, bất chấp mọi nỗ lực để dạy chúng cách xử thế.