Giáo dục giới tính không đến nơi đến chốn sẽ gây tò mò
Phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội sáng 31/5, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (tỉnh Hải Dương) đã đề cập tới vấn đề giáo dục giới tính trong trường học.
Đại biểu cho rằng, những hệ lụy đáng tiếc đau lòng của quan hệ tình dục tuổi vị thành niên không phải là câu chuyện mới nhưng các vụ việc trẻ vị thành niên mang thai và sinh con gây xôn xao dư luận gần đây khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: 'Giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đã được chúng ta quan tâm hay chưa?'.
Ở tuổi vị thành niên, đây không chỉ đơn thuần là một vấn đề sức khỏe mà điều này còn làm mất đi nhiều cơ hội học tập, lựa chọn của các em trong cuộc sống. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục giới tính cũng được đưa vào các môn học học chính thức, bắt buộc lồng ghép trong chương trình môn học tự nhiên xã hội từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và chương trình môn khoa học lớp 4, lớp 5. Ở bậc trung học cơ sở, nội dung này ở cuối chương trình sinh học lớp 8.
Tuy nhiên, đại biểu Dung nhấn mạnh, nội dung về môn học vẫn còn mỏng, kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết trong giáo viên còn lúng túng trong việc triển khai dạy. Học sinh mới chỉ hiểu chứ chưa áp dụng để được bảo vệ bản thân mình.
'Ví dụ như khi tiếp cận bài học giáo dục giới tính thì học sinh sẽ lĩnh hội và trả lời được các câu hỏi như quan hệ tình dục là hành vi như thế nào? Quan hệ tình dục an toàn bằng cách nào? Tôi có nên quan hệ tình dục hay không? Khả năng mang thai ra sao? Và muốn phòng tránh như thế nào? Tuy nhiên, cách tiếp cận này thì vẫn còn chung chung và mờ nhạt, thậm chí là bị né tránh' – ĐBQH tỉnh Hải Dương chia sẻ.
Quang cảnh phiên thảo luận
Đại biểu Dung nhấn mạnh, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung chương trình giáo dục giới tính thì điều quan trọng là phải xây dựng thế nào cho đầy đủ: 'Nếu chỉ gắn vào nội dung chủ đề môn học chính, nói qua thì không hiệu quả. Thậm chí giáo dục không đến nơi đến chốn sẽ gây tò mò'.
Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc, xem xét đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, có chương trình riêng, giáo trình riêng, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi ở mỗi bậc học. Ngoài giáo trình chuẩn, khoa học, người đứng lớp chuyên gia có kinh nghiệm sẵn sàng tư vấn giải thích cụ thể rõ ràng những thắc mắc của học sinh để giáo dục giới tính đạt hiệu quả cao nhất.
Cần chung tay ngăn chặn bạo lực học đường, xâm hại trẻ em
Cũng liên quan đến giáo dục, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (tỉnh Bình Thuận) nêu lên một số khó khăn của ngành. Theo đó, nhiều cơ sở giáo dục được xây dựng từ rất lâu, có diện tích phòng nhỏ, không đảm bảo các quy định về quy chuẩn diện tích phòng học nhưng vẫn không có điều kiện để tu sửa, mở rộng kết cấu, trong khi số học sinh lại ngày một tăng thêm; tình trạng thừa thiếu giáo viên ở cấp giáo dục phổ thông còn phổ biến…
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (tỉnh Bình Thuận)
Đại biểu kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, nhằm tạo điều kiện học tập, duy trì sĩ số học sinh, nâng chất lượng giáo dục và trình độ dân trí vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, đại biểu đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ để tăng biên chế giáo viên, xem xét tăng định mức giáo viên tiếng Anh cho phù hợp…
Bên cạnh đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng cho rằng vấn nạn bạo lực học đường và trẻ em bị xâm hại cũng đang ngày càng tăng. Đại biểu kiến nghị các bộ, ngành phải có chính sách và tập trung tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ cho gia đình để cùng chung tay ngăn chặn tình hình bạo lực học đường cũng như xâm hại trẻ em.
Đặc biệt trong Tháng hành động của trẻ em hàng năm và năm 2023 này, đại biểu đề nghị các cấp, các ngành phải có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể và tổ chức rộng khắp, thiết thực hướng về trẻ em nhằm ngăn chặn được thực trạng này.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định) cũng bày tỏ quan tâm tới tình trạng bạo lực học đường đang có diễn biến phức tạp hiện nay. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là trẻ muốn nhận được nhiều sự chú ý hơn, vì vậy, môi trường giáo dục cần đáp ứng nhu cầu này của các em.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (tỉnh Bình Định)
'Trẻ em mỗi cháu đều có năng lực, năng khiếu ở một số bộ môn, lĩnh vực, môi trường giáo dục cần tạo điều kiện để công nhận, khuyến khích năng lực cá nhân đó của mỗi trẻ em. Ngành giáo dục cần có cơ chế để các em có cơ hội, dù là hoạt động cá nhân hay trong nhóm, được xuất hiện mỗi tháng một lần trước lớp, mỗi năm một lần trước trường để thể hiện bản thân, được hòa nhập với các bạn, thỏa mãn nhu cầu được công nhận, để các em không có xu hướng sử dụng bạo lực trong môi trường học đường. Điều này cũng giúp các em có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày trước đám đông mà hiện nay học sinh, sinh viên còn đang thiếu' - đại biểu Cảnh phân tích.
ĐBQH tỉnh Bình Định đề nghị, trong môi trường học đường, các thầy cô cần ưu tiên dạy điều hay lẽ phải, để trẻ có suy nghĩ, lối sống, sinh hoạt hàng ngày chuẩn mực. Trong khi đó, cha mẹ cần tập trung chăm sóc, làm gương tốt cho con, theo dõi, nhắc nhở các con thực hiện những gì thầy cô đã dạy. Giữa nhà trường và gia đình cần có sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ để trẻ được phát triển toàn diện.