Chia ca học trực tiếp
Thực hiện Nghị quyết 128 'thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19', từ đầu năm học 2021-2022 ngành GDĐT Bắc Ninh đã tổ chức cho trẻ mầm non, học sinh các cấp đến trường học trực tiếp.
Bắc Ninh: Ca sáng có các lớp 1, 2, 5 với cấp tiểu học; lớp 6, 9 với cấp THCS; lớp 10, 12 với cấp THPT học trực tiếp.
Song song áp dụng nhiều biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế, Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường phân lớp, chia ca dạy 2 buổi sáng, chiều để giảm sĩ số học sinh/buổi tại trường.
Theo đó, ca sáng có các lớp 1, 2, 5 với cấp tiểu học; lớp 6, 9 với cấp THCS; lớp 10, 12 với cấp THPT học trực tiếp. Các lớp còn lại của các khối học vào buổi chiều.
Đặt mục tiêu 'đảm bảo 100% học sinh được tham gia hoạt động học tập', các trường đã linh hoạt áp dụng nhiều hình thức tổ chức dạy học: trực tuyến, trực tiếp, kết hợp trực tuyến với trực tiếp, qua truyền hình và các nền tảng công nghệ khác. Với cách làm này, dù học sinh đang cách ly y tế hay ở khu phong toả vẫn có thể tham gia học đúng tiến độ chương trình như các bạn khác học trực tiếp tại trường.
Tại buổi kiểm tra thực tế tại hai trường tiểu học và THCS thị trấn Thứa (huyện Lương Tài) vẫn có một số lớp học trực tiếp nhưng song song kết nối trực tuyến để học sinh đang 'tạm dừng đến trường' được tham gia học tập cùng.
Theo đó, tại những lớp có học sinh là F0, F1, đang ở khu vực phong toả, sẽ bố trí camera quay- phát trực tiếp tiết dạy, để học sinh học trực tuyến và tương tác với bạn bè, thầy cô.
Mô hình lớp học 2 trong 1 như vậy được triển khai tại 164/331 cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên toàn tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, tỉnh còn 42 cơ sở dạy học trực tuyến hoàn toàn với ơn 47.200 học sinh phổ thông (chiếm 17% tổng số học sinh các cấp) học trực tuyến.
Theo Giám đốc Sở GDĐT Bắc Ninh Nguyễn thế Sơn, trong bối cảnh phải linh hoạt chuyển đổi giữa nhiều hình thức tổ chức dạy học, các nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm mạch kiến thức. Các trường cũng lựa chọn nội dung, môn học và thời lượng phù hợp với từng khối lớp, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 khi dạy học trực tuyến; phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn các em học trên truyền hình và các nguồn học liệu uy tín khác.
Để việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình được thuận lợi, bên cạnh đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất, Sở GDĐT đã phối hợp với chuyên gia công nghệ, giảng viên sư phạm tập huấn nâng cao năng lực công nghệ thông tin và phương pháp, kỹ thuật dạy học trực tuyến cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học phổ thông. Thông qua các khoá bồi dưỡng này, giáo viên được làm quen, thực hành sử dụng hiệu quả các nền tảng, ứng dụng dạy học trực tuyến; biết khai thác nguồn học liệu số uy tín để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh.
Xác định việc triển khai các hoạt động giáo dục, đặc biệt là dạy học CT GDPT 2018 trong hoàn cảnh có dịch là khó khăn, từ đầu năm học, Sở GDĐT chỉ đạo các nhà trường, Phòng GDĐT tăng cường sinh hoạt chuyên môn, hoạt động tư vấn.
Ngành GDĐT tỉnh Bắc Ninh còn chú trọng xây dựng kho bài giảng, học liệu số dùng chung, để các nhà trường, giáo viên, học sinh tham khảo, sử dụng khi cần thiết. Chỉ tính riêng Phòng GDĐT huyện Lương Tài, từ đầu năm đến nay đã tổ chức được 28 tiết dạy mẫu các môn, phân môn lớp 6.
Sở GDĐT Bắc Ninh còn chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh đã hoàn thành bồi dưỡng các modul 1,2,3,4 triển khai CT GDPT 2018, theo chương trình của Bộ. Hiện cán bộ, giáo viên cốt cán đã bồi dưỡng xong modul thứ 5; đại trà đang tích cực bồi dưỡng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thăm học sinh ở Bắc Ninh.
'Mục tiêu đặt ra là đảm bảo thực chất - toàn diện - vững chắc - chất lượng, chuẩn hóa đầu ra, song song với an toàn trường học. Kết quả đánh giá giữa học kỳ 1 vừa qua cho thấy, các nhà trường, học sinh đáp ứng yêu cầu đó, đảm bảo khung thời gian năm học theo kế hoạch đã đề ra', Giám đốc Sở GDĐT Bắc Ninh Nguyễn Thế Sơn nói.
Linh hoạt nhưng phải đảm bảo chất lượng
Đánh giá cao ngành GDĐT Bắc Ninh đã thực hiện nghiêm túc, bài bản, có chất lượng các nhiệm vụ năm học, đặc biệt là việc dạy học ứng phó với dịch Covid-19, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh tiếp tục phát huy để đạt được 3 mục tiêu 'an toàn phòng dịch, hoàn thành chương trình, đảm bảo chất lượng'.
Theo Thứ trưởng, Bắc Ninh đã rất 'vì quyền lợi học sinh' và thực hiện nghiêm Nghị quyết 128 cũng như các hướng dẫn của Bộ GDĐT khi mở cửa trường học, tạo điều kiện tối đa để học sinh được học trực tiếp ở những nơi an toàn.
'Lớp học 2 trong 1 là mô hình rất tốt, cần được nhân rộng và thực hiện hiệu quả tại các địa phương', Thứ trưởng nhận định và cho rằng, cách làm này vừa có thể đảm bảo an toàn về dịch cho học sinh, giáo viên, vừa giúp các em duy trì việc học để hoàn thành chương trình. Tuy nhiên, linh hoạt thực hiện giải pháp nào thì kiên trì mục tiêu chất lượng vẫn là 'cái đích' mà ngành GDĐT cần đến được.
Qua kiểm tra thực hiện CT GDPT 2018 cấp THCS ở Bắc Ninh cho thấy, hiện còn một số trường đang dạy học song song các chủ đề môn Khoa học tự nhiên lớp 6 - cách làm này thuận cho nhà trường trong phân công, sắp xếp đội ngũ, giáo viên cũng đỡ bị 'dồn tiết'; tuy nhiên học sinh sẽ khó tiếp thu bài học vì có nội dung ở chủ đề này chưa được học lại liên quan đến chủ đề khác đang được thầy cô triển khai.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ do đó đề nghị ngành GDĐT Bắc Ninh nghiên cứu, điều chỉnh lại kế hoạch dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6, để học trò được học theo logic tuyến tính của chương trình. Các giải pháp kỹ thuật trong sắp xếp giáo viên, dựng thời khoá biểu, cũng được Thứ trưởng hướng dẫn rõ ràng.
Để việc triển khai chương trình hiệu quả, đồng bộ về cả đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất, tài chính… Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ gợi mở tỉnh Bắc Ninh thực hiện 'năm giáo dục đào tạo' và cả hệ thống chính trị cùng tập trung chăm lo, đẩy mạnh toàn diện hiệu quả, chất lượng giáo dục của tỉnh nhà.