Đề thi học sinh giỏi Văn luôn là thử thách khó nhằn với mỗi học sinh vì độ khó cũng như những ý tứ sâu xa của từng câu chữ trong đề. Thậm chí nhiều người còn phải ngồi 'cắn bút' mãi trong phòng vì vẫn chưa hiểu đề bài định nói đến vấn đề gì. Nhất là thời gian gần đây, các thầy cô lại càng 'kiệm chữ' hơn trong quá trình ra đề. Có những đề thi sử dụng toàn hình ảnh, yêu cầu học sinh dựa vào đó đưa ra những nhận xét, đánh giá của mình, giống như đề Văn dưới đây là một ví dụ.
Cụ thể đó là đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện của Phong Điền, Cần Thơ. Đề bài gây sốt trên mạng xã hội suốt những ngày qua bởi câu hỏi nghị luận xã hội quá thâm thúy. Theo đó, đề thi cho dữ liệu là 6 bức ảnh đồng thời yêu cầu: Xem những hình ảnh sau và nói lên suy nghĩ của em bằng một bài văn nghị luận dài không quá một trang giấy thi (bài viết có đặt nhan đề).
Đề chọn học sinh giỏi Văn gây sốt với câu hỏi Nghị luận xã hội 8 điểm.
Nhìn vào những bức ảnh có thể hiểu ngay vấn đề mà đề bài đang nói đến. Đó là hình ảnh các y bác sĩ đang gồng mình chiến đấu, không kể ngày đêm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân trong đại dịch Covid-19. Bức ảnh cuối cùng là hình ảnh về ngày 19/11/2021, ngày tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Học sinh có thể có rất nhiều góc nhìn khác nhau khi phân tích về vấn đề này. Có thể là hình ảnh các y bác sĩ đã gác lại hạnh phúc riêng tư, quên đi nỗi sợ hãi, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch chiến đấu. Hay sự mất mát, đau thương của các gia đình mất đi người thân do dịch bệnh. Cũng có thể là ý thức, trách nhiệm phòng chống dịch bệnh của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp,...
Tuy nhiên, cái khó của đề bài chính là giới hạn học sinh chỉ được viết dưới 1 trang giấy. Điều đó đòi hỏi các bạn phải viết hết sức cô đọng, có quan điểm rõ ràng, đặc biệt là có một nhan đề bao quát được toàn bộ ý mình định viết. Với một vấn đề rộng như vậy, viết dài không khó nhưng viết ngắn mới là cực kỳ khó.
Một trong 6 bức ảnh xuất hiện trong đề bài về ngày tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ, chiến sỹ hy sinh, tử vong trong đại dịch Covid-19.
Sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội đề thi nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn. Một số cư dân mạng cũng tranh thủ trổ tài phân tích, mổ xẻ đề Văn vô cùng sâu sắc, thấu tình đạt lý không thua kém một học sinh giỏi nào. Nhiều người cho rằng, dù đã qua giai đoạn học sinh nhiều năm nhưng "chạm" vào chiếc đề nhiều xúc cảm này khiến họ muốn 'cầm bút lên và viết'.
Một số bình luận của cư dân mạng:
'Đề nghị luận xã hội hay quá. Đúng vấn đề nóng và có quá nhiều điều đáng suy ngẫm. Mỗi bức ảnh là một góc nhìn khác nhau. Ai mà tham lam viết dài chắc không đủ thời gian làm câu sau mất'.
'Mình ở Bắc Giang, nhìn những bức ảnh này lại nhớ đến giai đoạn Bắc Giang bùng dịch, thật sự rất xúc động. Nhất là hình ảnh các y, bác sĩ. Họ đã không ngại nguy hiểm lao vào tâm dịch để hỗ trợ đồng bào mình đẩy lùi dịch bệnh. Mong rằng đất nước chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua đại dịch'.
'Dạo này thầy cô hay sử dụng hình ảnh để ra đề nhỉ. Nhưng mà rất là thực tế mà lại đáng suy ngẫm nữa. Đúng vấn đề đang được cả xã hội quan tâm. Hóng xem bạn nào được điểm cao nhất quá'.
Trước đó không lâu, dân tình cũng sốt xình xịch trước đề thi Văn của tỉnh Bình Định ở câu Nghị luận xã hội. Đề thi cũng chỉ có vỏn vẹn... 2 bức ảnh. Yêu cầu đưa ra chính là: Từ hình ảnh trên, theo anh (chị), đối với học sinh Trung học phổ thông, những loại công việc nào là "hòn đá lớn"; "viên cuội bé"; "cát mịn"; "nước lã". Hãy chia sẻ phương án sử dụng thời gian của bản thân.
Trước đó không lâu, đề Văn của tỉnh Bình Định cũng gây sốt với mô típ ra đề tương tự.
Nhìn vào đề bài trên, nhiều học sinh không khỏi toát mồ hôi hột. Thông thường, câu nghị luận xã hội thường “dễ thở” hơn và là câu kiếm điểm của tụi học trò. Thế nhưng ở đề thi này, sự đánh đố thông qua vỏn vẹn 2 bức ảnh đã làm khó không ít dân chuyên Xã hội.
Chính dạng đề mở không theo khuôn mẫu có sẵn như thế này mới đánh giá được khả năng mở rộng, liên hệ thực tiễn của người học. Điều đó cũng cho thấy sự nâng cao về phương pháp dạy và học của giáo viên cũng như học sinh ngày nay.