Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay bao gồm 2 phần, tập trung vào các vấn đề cụ thể và dễ hiểu. Phần I gồm 04 câu hỏi nhỏ quay quanh tác phẩm “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải; phần II gồm 03 câu hỏi bàn về vấn đề xã hội: tầm quan trọng của vẻ đẹp tâm hồn và hạnh phúc.
Kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh nhận định đề thi Ngữ văn năm nay tương đối dễ thở.
Nguyễn Hà Vân - thí sinh đầu tiên bước ra khỏi điểm thi THPT Chu Văn An sau buổi thi môn Ngữ văn với phong thái tự tin. Hà Vân cho biết mình không quá lo lắng và tự tin có thể đạt trên 8 điểm môn văn.
Để có những được những ý kiến sâu hơn về đề thi, phóng viên đã liên hệ với một số giáo viên, chuyên gia sư phạm Ngữ văn.
Đánh giá về đề thi văn vào lớp 10 năm nay, TS. Diêu Lan Phương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: 'Theo tôi đề thi giống với cấu trúc hằng năm mà Sở GD-ĐT Hà Nội đề ra và phù hợp với năng lực học sinh, những định hướng mà học sinh ôn tập.
Tuy vậy, tôi vẫn mong muốn các năm tiếp theo đề thi sẽ đổi mới hơn, ví dụ, trong 2 phần, ít nhất 1 phần có yêu cầu viết bài văn. Bởi học sinh khi hết lớp 5 đã có khả năng viết một bài văn hoàn chỉnh, nhưng khi hết lớp 9, lại chỉ viết đoạn văn, nên dẫn đến việc ôn luyện chỉ tập trung vào viết đoạn văn, và các em sẽ rất lúng túng khi lên lớp 10.
Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng nên giảm bớt các câu hỏi nhỏ thiên về kiểm tra kiến thức, mà tăng kiểm tra kỹ năng viết, kỹ năng cảm thụ văn học. Nói chung, tôi nghĩ đề thi cũng như thông lệ những năm trước, nhưng tôi nghĩ có những điều chúng ta nên đổi mới hơn”
Cô H.V, giáo viên THCS tại một trường ở Hà Nội đánh giá: “Đề thi khá vừa sức, không quá khó với học sinh lớp 10, cấu trúc đề ổn định so với các năm gần đây. Đề đảm bảo kiểm tra được kiến thức và kỹ năng cơ bản, nhưng vẫn có sự phân hóa. Yêu cầu đoạn văn nghị luận xã hội có tính mở, giúp học sinh thoải mái thể hiện suy nghĩ của mình.”
Cô Trang Linh, giáo viên môn Ngữ văn tại CLB Ngôn ngữ và EQ nhận xét và phân tích: “Đề thi môn ngữ văn vào 10 năm 2021 - 2022 không khó, không đánh đố học sinh. Các thí sinh học chắc kiến thức cơ bản có thể đạt điểm 7 trở lên. Cấu trúc đề tương tự như các năm trước, song số câu hỏi tăng lên để phù hợp với thời gian làm bài 120 phút.
Về nội dung ở phần I: Kiến thức văn học ở phần này, đề thi không chỉ kiểm tra được kiến thức ở khổ thơ thứ nhất mà còn kiểm tra được hiểu biết bao quát của học sinh về toàn bộ bài thơ qua câu hỏi về thể thơ và mạch cảm xúc. Mặt khác, đề bài cũng yêu cầu học sinh phân tích một chi tiết đặc sắc, đa nghĩa và rất hay trong bài đó chính là hình ảnh "Giọt long lanh rơi".
Câu hỏi thứ 3 kiểm tra mức độ ghi nhớ của học sinh về các văn bản học trong suốt chương trình THCS. Học sinh có thể liên hệ đến các tác phẩm: Mùa xuân của tôi (Vũ Bằng) ở lớp 7, Ông đồ (Vũ Đình Liên) ở lớp 8…
Câu chiếm nhiều điểm nhất là câu thứ 4 cũng khá quen thuộc với học sinh khi yêu cầu chỉ ra vẻ đẹp của mùa xuân đất nước và cảm xúc của tác giả kết hợp với việc sử dụng các kiến thức liên quan đến Tiếng Việt và kĩ năng tạo lập văn bản.
Phần thứ II: Trong phần này, hai câu đầu chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản và sự ghi nhớ của học sinh về phép liên kết câu và biện pháp tu từ, học sinh có thể dễ dàng dành trọn vẹn điểm ở phần này.
Câu thứ 3 về nghị luận xã hội là một câu khá hay. Yêu cầu nghị luận về sự cần thiết của việc nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn. Câu nghị luận xã hội này cũng rất phù hợp với mạch ý chung của đề thi.”
Nhìn chung, đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 năm nay bám sát với chương trình học, các câu hỏi bao hàm nhiều kiến thức cơ bản của chương trình giáo dục THCS.
Phần viết đoạn văn: “Làm rõ vẻ đẹp mùa xuân đất nước và cảm xúc của tác giả liên kết với cách thức viết lập luận tổng hợp – phân tích – tổng hợp, sử dụng câu bị động và phép thế để liên kết” được đánh giá là rất phù hợp để phân hoá thí sinh.
Bên cạnh đó, phần bài viết đoạn văn nghị luận xã hội cho phép thí sinh có cơ hội để thể hiện góc nhìn, suy nghĩ và cảm quan của mình về vấn đề thực tiễn: nuôi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn và xây dựng cảm xúc hạnh phúc.
Đây là những vấn đề khá gần gũi với đối tượng học sinh để các bạn có thể dễ dàng cảm nhận và trình bày suy nghĩ của mình trong khoảng 2/3 trang giấy thi.
Có thể đánh giá rằng đề thi Ngữ văn vào lớp 10 ở Hà Nội khá vừa sức, quen thuộc và không có sự đột biến gây sốc.
Tuy nhiên để làm được toàn bộ đề thi một cách trọn vẹn, thí sinh cần có một nền tảng kiến thức vững chắc và một vốn hiểu biết xã hội nhất định.
Vậy nên, mặc dù đề thi không có sự đánh đố nhưng thí sinh vẫn cần phải dốc toàn lực thì mới có thể đạt được điểm số mong ước trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 lần này.