Năm nay nhiều ngành học, nhiều trường đại học có điểm tuyển sinh với điểm chuẩn rất cao. Có những ngành lấy 29,95 điểm. Tức điểm thi gần tuyệt đối 3 môn mới có cơ hội đậu. Đặc biệt, điểm thi khối C năm nay cao nên các trường đào tạo sư phạm, luật, xã hội và nhân văn đều lấy điểm rất cao.
Điểm chuẩn đã trở thành chủ đề bàn tán của dư luận, đa số hồ nghi vào năng lực thực tế của học sinh hiện nay mặc dù điểm thi của các em cao gần tuyệt đối.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cần đổi mới thi cử, tuyển sinh đại học.
Có những trường học nếu tính cả điểm cộng thì có đến hơn 30 em có điểm xét tuyển đại học trên 30 điểm. Với mức điểm như trên không ít người xem đó là những con số 'không tưởng'.
Anh Đỗ Trung Quân ở Cầu Giấy, Hà Nội nhận định, thi cử hiện nay quá dễ dãi, môn Ngữ Văn điểm thi trên 9 quá nhiều. Điểm số đó chắc chắn không thực chất vì môn Ngữ văn luôn rất kén người học đặc biệt người có năng lực viết và cảm thụ tác phẩm lại càng ít.
'Số điểm chuẩn 29,95 là con số quá cao thậm chí là không tưởng. Khối C rất khó để đạt điểm cao nếu thi cử thực chất, đề thi đúng tầm' - anh Đỗ Trung Quân nhận định.
Không chỉ anh Đỗ Trung Quân mà nhiều người khi nhìn vào số điểm chuẩn của các trường đều cảm thấy vô lý. Chị Đào Thu Hà ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, thời nay khác thời xưa, thi cử hiện nay cũng khác nên điểm cao xuất hiện nhiều.
Nhưng cao đến mức gần tuyệt đối là chuyện khó thể tin. Nếu học sinh nhìn vào điểm thi cứ nghĩ mình quá giỏi, rồi ảo tưởng bản thân thì đó lại là điều đáng lo.
Cùng suy nghĩ trên, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội khi chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã bày tỏ sự lo lắng.
Theo GS. Nguyễn Đình Đức, ông đã cất công tìm và xem lại các dữ liệu lưu trữ, năm 2015, khi Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ sử dụng duy nhất kết quả đánh giá năng lực để tuyển sinh (điểm tối đa 150), điểm trúng tuyển một số ngành hot như sau: Công Nghệ Thông tin: 103 điểm; Quan hệ công chúng: 89,5 điểm; Quốc tế học: 89 điểm; Đông phương học: 95 điểm; Báo chí: 90 điểm.
Năm 2014, khi còn thi 3 chung (điểm tối đa 30), điểm trúng tuyển các ngành này như sau: Công nghệ thông tin (khối A): 22 điểm; Khối C (C00): Quan hệ công chúng: 22 điểm; Quốc tế học: 20,5 điểm; Đông Phương học: 22 điểm; Báo chí: 22 điểm;
'Chênh nhau nửa điểm trong kỳ thi 3 chung, đã là tự hào, là một trời một vực' - thầy Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, năm nay, điểm trúng tuyển vào những ngành 'hot' lại tiếp tục cận ngưỡng gần như tuyệt đối như khoa Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia) là 29,15 điểm khối A; Quốc tế học: 29,95 điểm; Quan hệ công chúng 29,95 điểm; Hàn Quốc học: 29,95 điểm; Báo chí: 29,9 điểm với tổ hợp C00.
'Mừng không: Tôi nói thẳng là không! Điểm cao mà vẫn nóng hết cả mặt!' - thầy Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Theo GS. Đức, với điểm thi THPT như vậy, nên từ năm ngoái cho đến năm nay, việc nhiều trường đại học, nhất là các đại học lớn, uy tín, chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT và buộc đã phải sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyển sinh, trong đó có các kỳ thi riêng, đánh giá năng lực để tuyển các thí sinh có chất lượng vào đại học. 'Vì sự phát triển sống còn của chính trường đại học. Với nhà trường, phải có thầy giỏi, trò giỏi!' - vị này cho biết.
Bên cạnh đó, GS. Đức cũng cho rằng, đề thi THPT đang chạy theo dư luận. Năm ngoái Tiếng Anh điểm cao, mưa điểm giỏi. Có khoảng 20% từ điểm 8 trở lên, xã hội kêu, thì năm nay lại siết lại điểm từ 8 trở lên chỉ còn hơn 10%; Năm 2018 tỷ lệ này dưới 5%.
Với môn Lịch sử, năm ngoái điểm thấp, dư luận xã hội lên tiếng, đại biểu Quốc hội lên tiếng, điểm Lịch sử có tỷ lệ 5,44% thí sinh đạt điểm 8 trở lên (năm 2021) đã tăng lên 18,1% trong năm nay.
'Cứ thất thường và thiếu bản lĩnh như thế, thật khó lường cho thí sinh' - thầy Nguyễn Đình Đức lo lắng.
Với việc sử dụng kết quả thi THPT để tuyển vào đại học khi đề thi dễ như những năm 2020, 2021, 2022, cộng thêm việc coi thi, chấm thi ở các địa phương khác nhau, có thể rất khác nhau, thậm chí là có vấn đề.
Theo GS. Nguyễn Đình Đức cần phải có mặt bằng năng lực chung để đảm bảo khách quan và công bằng. 'Không phải ngẫu nhiên ở Mỹ đại học thì có kỳ thi SAT, ACT, sau đại học có kỳ thi GMAT, GRE.
Trên cơ sở kết quả điểm thi đánh giá năng lực này, tùy từng trường lại có chính sách tuyển sinh riêng và việc tuyển sinh là việc riêng của các trường.' - thầy Đức cho biết.
Cuối cùng, GS. Nguyễn Đình Đức một lần nữa cho rằng, vấn đề đổi mới tuyển sinh đại học lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể đứng ngoài cuộc. Các cơ quan Nhà nước, Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc.
Và xem ra, nếu không học thật, thi thật, nhân tài thật; không đổi mới một cách bài bản, căn cốt để tuyển đầu vào có chất lượng, thực chất; cứ nhắm mắt buông xuôi chạy theo số lượng (dễ dãi đầu vào, tăng quy mô - để đủ kinh phí trang trải cho tự chủ), giáo dục đại học Việt Nam sẽ còn nhiều truân chuyên.