Kết luận của Thanh tra tỉnh Thái Bình về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 đã chỉ ra nguyên nhân dẫn đến gần 1.600 học sinh bị nhầm điểm thi lớp 10 là do sai sót trong quá trình thực hiện hồi phách bài thi tự luận.
Kết quả xác minh cho thấy, có 2.997 bài thi bị lệch phách, làm sai điểm của 2.750 bài thi, trong đó, 1.368 bài tăng điểm (49%), hơn 1.400 bài thi có điểm thấp hơn công bố.
Sở GD&ĐT Thái Bình.
Tổng số thí sinh bị sai điểm xét tuyển là 1.589 thí sinh, trong đó 781 thí sinh có tổng điểm xét tuyển cao hơn tổng điểm đã công bố, 808 thí sinh có tổng điểm xét tuyển thấp hơn. Điểm chuẩn của 4 trong 12 lớp ở trường THPT chuyên Thái Bình và 11 trường đại trà bị thay đổi khoảng 0,1-0,2 điểm. Có 15 thí sinh từ trượt thành đỗ chuyên, hệ đại trà là 237. Tương tự, số thí sinh từ đỗ thành trượt là 258 em.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Giảng viên luật hình sự (Trường Đại học Thủy lợi) cho rằng, đối với các kỳ thi lớn như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, pháp luật quy định rất cụ thể về quy trình thu bài, dọc phách, chấm bài, ghép phách, lên điểm và công bố điểm. Các cán bộ tham gia vào kỳ thi này đều được tập huấn, được phổ biến quy chế và có sự giám sát chặt chẽ, kiểm tra chéo.
Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao mà tại Thái Bình lại để xảy ra sai phạm, dẫn đến hàng nghìn bài thi có sai sót về điểm.
Theo nội dung kết luận thanh tra cho thấy, việc nhầm lẫn điểm thi vào lớp 10 ở Thái Bình là rất nghiêm trọng, gây hoang mang lo lắng cho nhiều phụ huynh. Dù sự việc đã được phát hiện kịp thời, nhưng những nhầm lẫn, sai sót đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục để xảy ra sự việc nhầm lẫn, gây ra những chuyện dở khóc dở cười cho nhiều thí sinh, phụ huynh.
Luật sư Cường cho rằng, cơ quan chức năng phát hiện ra những bất cập và kịp thời khắc phục, Sở GD&ĐT đã xin lỗi phụ huynh và các học sinh là cần thiết, thể hiện sự cầu thị, giảm thiểu những hệ lụy từ sự cố này.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật; làm rõ từng sai phạm, nguyên nhân sai phạm, đánh giá hậu quả đã gây ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
Những hành vi nhầm lẫn, sai sót trong quá trình thực hiện việc ghép phách, lên điểm mà không có lỗi cố ý sẽ đánh giá hậu quả đã gây ra để xem xét xử lý kỷ luật. Nếu vi phạm quy chế thi dẫn đến sai sót, cán bộ tham gia kỳ thi này sẽ bị xử lý kỷ luật. Trong trường hợp vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao gây hậu quả được xác định là nghiêm trọng, thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Nếu không xác định được thiệt hại về tài sản đến 100.000.000 đồng, những người vi phạm với lỗi vô ý chỉ có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Trường hợp cơ quan chức năng xác định trong các sai phạm của kỳ thi này có hành vi với lỗi cố ý, có cán bộ đã vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà làm trái công vụ dẫn đến sai lệch về điểm số sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự. Trường hợp có hành vi chạy điểm, chạy trường bị phát hiện sẽ xử lý người vi phạm về hành vi đưa và nhận hối lộ theo điều 354 và điều 364 Bộ luật Hình sự.
Nhầm lẫn sai sót trong kỳ thi này gây choáng váng cho nhiều phụ huynh và hoang mang cho nhiều người, sau khi có kết quả thanh tra đã có hàng trăm trường hợp từ đỗ thanh trượt và ngược lại…Điều này sẽ gây ra tâm lý tiêu cực đối với các thí sinh. Đối với các thí sinh từ trượt thành đỗ, ngoài niềm vui trúng tuyển vào nguyện vọng 1, cũng sẽ có những em ấm ức, thậm chí bức xúc vì nếu không kịp thời phát hiện thì mình đã bị trượt oan.
Đối với các thí sinh đang có kết quả đỗ thành trượt sẽ bị sốc tâm lý. Thay đổi đột ngột này có thể khiến các phụ huynh không kịp chuẩn bị phương án tiếp theo cho các con, thậm chí ở cái tuổi dậy thì, suy nghĩ chưa chín chắn nếu không làm tốt công tác tư tưởng có thể khiến các cháu nghĩ quẩn, trầm cảm, hậu quả sẽ là rất nghiêm trọng.
Bởi vậy, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn, căn cứ vào những công việc đã triển khai ở các điểm thi, hội đồng thi có sai sót, cơ quan chức năng sẽ chỉ rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu để có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Nếu sai phạm chỉ là lỗi vô ý sẽ tiến hành xử lý kỷ luật, có thể điều chuyển công tác, rút kinh nghiệm sâu sắc và tìm ra nguyên nhân để kịp thời khắc phục, sửa chữa, tránh những sai phạm tương tự có thể xảy ra.
Nhầm lẫn sai sót trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Thái Bình theo nội dung kết luận thanh tra như vậy là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của ngành giáo dục ở địa phương này cũng như uy tín chung của ngành giáo dục.
Ngoài việc làm rõ những sai sót để kịp thời điều chỉnh, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân của việc sai sót này, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với các bậc phụ huynh và các học sinh có nội dung kết luận là bị nhầm lẫn sai sót về điểm cần hết sức bình tĩnh, kiểm tra lại kỹ kết quả và có phương án lựa chọn nguyện vọng phù hợp.
Đặc biệt là các phụ huynh cần quan tâm hơn đến tâm lý cảm xúc của các con để tránh những suy nghĩ và hành động tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các con.
Các cơ sở giáo dục cũng cần rút ra bài học kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình, ứng dụng khoa học công nghệ, tập huấn kỹ lưỡng và lựa chọn các cán bộ có trách nhiệm, có năng lực để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tạm đình chỉ công tác Giám đốc Sở GD&ĐT thái bình do bất thường điểm thi vào 10: