Ảnh minh họa.
Tăng cường liên kết
Theo GS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, 8 trường ĐH gồm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm Thái Nguyên, Sư phạm Vinh, Sư phạm Huế, Sư phạm Đà Nẵng, Sư phạm Quy Nhơn và Sư phạm TPHCM đã thống nhất dùng chung kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển. Trong số này, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến dành khoảng 20-30% chỉ tiêu xét từ điểm thi ĐGNL.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sẽ căn cứ vào số thí sinh đăng ký thi để tổ chức 1 hoặc 2 đợt, dự kiến đầu tháng 5/2023. Đó là thời điểm sau khi học sinh hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và trước ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh có nguyện vọng tham gia dự thi. Thí sinh thi trực tiếp tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và một số điểm thi tại các trường đại học ở các tỉnh miền Trung, miền Nam (nếu có nhiều thí sinh ở miền Trung, miền Nam đăng kí dự thi). Thời gian mỗi bài thi từ 60-90 phút.
Về cấu trúc bài thi, ông Minh cho biết: Đề thi cơ bản không đổi với 8 môn thi Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Trong đó, đề Ngữ văn có 30% câu hỏi trắc nghiệm về ngôn ngữ và 70% tự luận. Các môn còn lại có 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% tự luận.
Từ năm 2022, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã tổ chức kỳ thi ĐGNL để xét tuyển thí sinh kết hợp với kết quả học THPT. Khi đó, hệ thống của trường ghi nhận gần 3.000 thí sinh đăng ký và có khoảng 2.400 em đủ điều kiện dự thi, được bố trí với 209 phòng thi. Trong năm 2023, trường sẽ bổ sung ngân hàng câu hỏi, điều chỉnh để phù hợp với năng lực của thí sinh. Đề thi sẽ ít câu hỏi nhận biết nhằm chọn được thí sinh chất lượng.
Ông Minh khẳng định, các em học sinh lớp 12 không cần quá lo lắng, áp lực khi đăng kí và ôn tập, chuẩn bị cho bài thi ĐGNL của trường. Thí sinh tham gia không cần phải học thêm hay luyện thi bởi thực chất, kì thi làm gia tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh vào ngành học tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phù hợp với nguyện vọng của bản thân và với từng ngành đào tạo.
Tạo thuận lợi cho thí sinh
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, hiện nay các trường ĐH tự chủ về tuyển sinh không có nghĩa là mỗi trường có một bài thi tuyển sinh riêng biệt. Việc các nhóm trường khối sư phạm hay khối kỹ thuật… cùng sử dụng kết quả của 1 kỳ thi ĐGNL do 1 trường tổ chức sẽ giúp thí sinh có dự định thi vào 3 trường cùng nhóm ngành sẽ chỉ phải ôn thi 1 bài thi. Đây chính là mục tiêu của các kỳ thi riêng nhằm giúp các trường tuyển chọn được thí sính có chất lượng, phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, việc các trường sử dụng chung kết quả của những kỳ thi riêng để xét tuyển là hoàn toàn hợp lý. Nếu trường nào cũng tổ chức kỳ thi riêng sẽ gây tốn kém cho các trường, nhất là trong bối cảnh không phải trường nào cũng đủ nguồn lực để làm. Chỉ có những ĐH lớn, có kinh nghiệm và con người mới đủ lực để tổ chức các kỳ thi riêng. Chưa kể đến yêu cầu của đề thi phải chuẩn hóa, ngân hàng câu hỏi đủ lớn để xây dựng các bài thi.
Trên thực tế, hiện nay các trường ĐH đều đào tạo theo tín chỉ. Khi các trường tổ chức các kỳ thi riêng, hoàn toàn có thể tuyển sinh và triệu tập nhập học vào ĐH 2 lần trong năm như ở các nước tiên tiến, giảm bớt áp lực cho xã hội, nhất là giảm áp lực cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bởi các bài thi ĐGNL thường được tổ chức nhiều đợt, đợt đầu nếu chưa có kết quả tốt có thể đăng ký thi lại để đạt hoặc cải thiện điểm cao hơn. Thí sinh có thể chủ động đăng ký dự tuyển kỳ thi ĐGNL vào thời điểm phù hợp và có thể thi trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này sẽ tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên thành viên Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo (giai đoạn 2016-2021), từ bài học làm đề thi cẩu thả ở môn Sinh học năm 2021, đặt ra vấn đề về quy trình làm đề thi, ngân hàng đề thi… Đó là với đề thi quốc gia còn với các kỳ thi riêng, các trường bảo mật hoàn toàn về bộ đề nguồn, câu hỏi - đáp án của kỳ thi cũng không được công bố mà thí sinh chỉ được biết điểm sau khi thi nên càng cần được chuẩn hóa để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.