Tin vui với các du học sinh Việt Nam đã về nước
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đã ký công văn gửi các cơ sở giáo dục đại học, về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch COVID-19. Công văn nêu rõ: Hiện nay, có nhiều du học sinh đã trở về nước và có nguyện vọng được tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam. Bộ đề nghị các trường triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế.
Theo ghi nhận, đã có nhiều du học sinh Việt Nam và du học sinh quốc tế đang ở lại Việt Nam vì lý do dịch COVID-19 kéo dài tại nhiều quốc gia. Việc được tiếp nhận học tiếp tại Việt Nam cũng là cơ hội để các sinh viên tiếp tục con đường học tập, được học theo đúng chương trình đào tạo có sự tương tác với các giảng viên, sinh viên và nghiên cứu thực tiễn, điều mà việc học online trong thời gian qua không có được. Do đó, sau khi có thông tin các trường đại học tại Việt Nam, đặc biệt là các chương trình liên kết, giảng dạy bằng Ngoại ngữ… khiến nhiều du học sinh cảm thấy hào hứng, tìm hiểu để theo học.
Trước thông tin này, Thanh Hà- du học sinh Việt Nam hiện theo học đại học tại Sydney (Úc) cho biết, khi trở về Việt Nam, em cũng đã hoàn thành đợt cách ly trong ký túc xá của một trường đại học, được hỗ trợ nhiều về chăm sóc sức khỏe, học từ xa trên Internet, nên việc học cũng không bị gián đoạn. Khi Việt Nam trở lại an toàn, người dân có thể tự do đi du lịch sau giãn cách xã hội, em muốn quay trở lại trường bên Úc để tiếp tục học tập, tuy nhiên lo lắng về dịch bệnh nên gia đình em quyết định cho em ở lại đến khi tình hình tốt hơn sẽ quay trở về trường.
'Vừa qua, em được biết có chính sách hỗ trợ du học sinh Việt Nam đang theo học tại các nước ở lại Việt Nam do dịch bệnh COVID-19 sẽ được xem xét vào học tại các trường đại học trong nước, đặc biệt là các chương trình liên kết với các trường nước ngoài. Nhiều trường công nhận kết quả học tập này, em thấy rất thuận lợi vì vẫn có thể học tập không bị gián đoạn. Em cũng đang tìm hiểu thêm tại một số trường, hi vọng sẽ tìm được chương trình phù hợp để việc học tập diễn ra bình thường, tốt nghiệp đúng theo chương trình', Thanh Hà chia sẻ thêm.
Du học sinh Việt Nam theo học đại học tại nước ngoài trở về nước tranh thủ học tập tại khu cách ly. Ảnh: Q.A.
Nhiều trường mở rộng cửa đón du học sinh vào học
Nhiều trường đại học cũng đã thông báo tiếp nhận du học sinh quốc tế, Việt Nam. Cụ thể, Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đã thông báo tiếp nhận du học sinh Việt Nam có nguyện vọng học tập tại Khoa. Đối tượng tiếp nhận là du học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nước ngoài, hoặc đang học đại học tại nước ngoài, có đủ sức khỏe học tập theo quy định... ĐH Kinh tế Quốc dân cũng thông báo tiếp nhận các du học sinh Việt Nam có nhu cầu và đủ điều kiện học tập vào các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của trường. Trường đang triển khai 15 chương trình liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học, thạc sỹ và tiến sỹ.
Tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, công tác hỗ trợ, sẵn sàng đón các du học sinh Việt Nam và nước ngoài không bị gián đoạn học tập nếu các em đến học ở trường. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: 'Nhà trường đã hướng dẫn chi tiết, cung cấp các lựa chọn cho các du học sinh, cũng như các hình thức xét tuyển đầu vào… Hoặc các em có thể theo học các học phần để hoàn thành theo yêu cầu của các trường của nước ngoài. Trường có một số lĩnh vực mũi nhọn nằm trong TOP 350 - 500 của thế giới, nên việc công nhận tín chỉ tương đương với các trường khác ở nước ngoài cũng thuận lợi'.
Còn đại diện của Trường ĐH Ngoại Thương cho biết, nhà trường sẽ cung cấp hai cơ hội đối với du học sinh đang ở lại Việt Nam, một là khóa học tập ngắn hạn tại trường (từ 1 kỳ đến 1 năm) với 15 chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, các chương trình đào tạo với nước ngoài. Sau khi được đào tạo ngắn hạn, sinh viên sẽ nhận được các tín chỉ và được công nhận đối với các trường đang theo học tại nước ngoài. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các du học sinh có thể quay trở lại học tại nước ngoài. Hai là các du học sinh có thể quyết định học tại Việt Nam để lấy bằng được đạo tạo liên kết với nước ngoài.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, quá trình tiếp nhận các du học sinh tại các trường đại học Việt Nam cần phù hợp với điều kiện tuyển sinh và năng lực đào tạo của trường. Người học được tiếp nhận phải đáp ứng yêu cầu đầu vào không thấp hơn điều kiện trúng tuyển chương trình đào tạo tương ứng của trường xin chuyển đến. Các trường căn cứ vào chuẩn đầu ra, nội dung, yêu cầu của chương trình đào tạo tại trường và số tín chỉ, nội dung học tập, kết quả học tập mà người học đã tích lũy trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nước ngoài để xem xét miễn giảm tín chỉ, học phần cho người học theo các quy định hiện hành.
Theo Bộ GD&ĐT, đến nay có tổng số 352 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, bậc đại học có 195 chương trình, bậc thạc sĩ có 150 chương trình, bậc tiến sĩ có 7 chương trình. Từ khi Nghị định 73 (năm 2012) có hiệu lực, mỗi năm phê duyệt thêm khoảng 40 chương trình đào tạo quốc tế mới, xem xét ra hạn, điều chỉnh 10 đến 20 chương trình... Các chương trình hiện nay là chương trình hợp pháp, đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng, phù hợp với người học cả với sinh viên quốc tế và Việt Nam.