Sau sự việc đau lòng một học sinh trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) qua đời do cây phượng bật gốc đè trúng ngày 26/5, một loạt cây phượng tại TP.HCM, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai… cũng gãy đổ trong trường học khiến nhiều người lo lắng về sự an toàn của học sinh khi đến trường. Bộ GD&ĐT đã đề nghị các địa phương, nhà trường khẩn trương liên hệ đơn vị quản lý môi trường đô thị, cây xanh trên địa bàn tiến hành kiểm tra, cắt tỉa, xử lý các cây nguy hiểm, có thể gãy đổ… nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên.
Đến nay, ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, công tác rà soát, kiểm tra cây xanh trường học đang tích cực được triển khai. Tại một số trường học đã tiến hành cắt tỉa cành cây khô, giảm nguy cơ mất an toàn cho học sinh, đồng thời kiểm tra cây xanh để có hướng xử lý những cây mục, rỗng. Tuy nhiên, hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội về một số nơi thay vì cắt tỉa lại đốn hạ toàn bộ cây phượng khiến sân trường trở lên trống vắng, thiếu đi những bóng cây.
Cộng đồng mạng lan truyền những hình ảnh cây trong sân trường bị chặt trơ trụi.
Chưa rõ việc chặt trụi các cây phượng diễn ra ở trường nào, thời điểm nào nhưng hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội đã dấy lên nhiều cuộc tranh luận, thương xót cho những cây phượng bị chặt cành không thương tiếc.
Thậm chí, để đảm bảo an toàn cho học sinh, có trường đã chăng dây cảnh báo quanh cây để ngăn không cho học sinh lại gần cây.
Chăng dây cảnh báo nguy hiểm quanh cây phượng giữa sân trường.
Chiều ngày 2/6, chia sẻ với PV Báo GĐ&XH, GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết ông cũng đã nghe được thông tin trường học nào đó đã cắt, chặt cây trụi hết cành lá và cảm thấy bất bình. Sân trường phải có cây xanh bởi cây xanh có nhiều ích lợi ai cũng biết. Không hiểu hiệu trưởng, phòng giáo dục ở đâu mà lại để xảy ra chuyện đó, phải lên án. Người ta mong muốn trồng cây không được lại đi chặt đi, đó là một sai lầm.
'Những cây lớn ở trong trường, không có ai kiểm tra, các công ty cây xanh chỉ kiểm tra ngoài đường phố. Các thầy, cô, bảo vệ không có chuyên môn để kiểm tra cây, họ chỉ biết cách chăm sóc tưới cây mà thôi. Diện tích sân trường không có mấy, cây xanh lại rất hiếm. Nếu đang có cây thì phải cố gắng giữ gìn, chăm sóc, cần đánh giá chuyên môn trước khi cắt tỉa, thay thế cây' - GS.VS Phạm Minh Hạc chia sẻ thêm.
Học sinh 'đội nắng' dưới gốc cây không còn cành, lá.
Không tin rằng ai đó lại đi sai lầm cắt cành cây phượng theo diện 'bức tử', thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho biết: 'Tôi cũng đã xem trên mạng hình ảnh một số nơi cắt tỉa cây một cách trơ trụi, học sinh ngồi dưới nắng nóng bên cạnh gốc cây. Bản thân tôi không nghĩ rằng có một nhà trường nào đó lại đưa ra hành động bột phát, thiếu hiểu biết như vậy. Vì nếu là người quản lý thì ít nhất cũng phải có chút kiến thức về môi trường'.
Theo thầy Bình, ngoài chuyện mang lại hữu ích về môi trường, trong trường học rất cần có những cây xanh như phượng, bằng lăng, hoa sữa… gắn liền với tuổi học trò đầy ắp kỷ niệm. Vậy nên, đừng nên thái quá, cây xanh không có lỗi, lỗi ở con người. Chúng ta quan tâm, chăm sóc đúng mức thì cây phượng vẫn có thể có ở sân trường và an toàn cho học sinh.
'Tai nạn chỉ là hi hữu khi chưa biết cách kiểm tra, xử lý cây. Cây trồng khác cũng sẽ thế nếu không trồng đúng kỹ thuật, chăm sóc, kiểm tra thường xuyên, cắt tỉa cành… vẫn có thể xảy ra tai nạn. Bất kể điều gì phải có cơ sở khoa học, thực tế để xử lý, đừng làm gì đó phản cảm' - thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.
Cây phượng bật gốc tại trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM) bao bọc bởi bồn cây, sân trường lát gạch.
Theo các chuyên gia về cây trồng, phượng vĩ là loài cây sinh trưởng nhanh, thân và cành rất mềm. Khi trồng trong trường, cây bị bao quanh bởi sân bê tông nên rất dễ thối rễ. Những sự cố đáng tiếc vừa qua cũng phần nào cho thấy việc lựa chọn cây và cách thiết kế, xây bồn bảo vệ không đúng. Các trường thường chọn mua cây to về trồng, cây bị chặt cành và rễ cái nên sau 5 - 10 năm là bị mục.
Bên cạnh đó, nhiều trường đổ bê tông, lát gạch khiến rễ khó hô hấp và bị thối dần. Do đó, nếu không trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật mà 'ép' cây trong bồn, sân trường bê tông, lát gạch thì cây nào cũng có thể là nguy cơ.