Như Infonet đã thông tin trong bài viết 'Nữ sinh nghèo xứ Nghệ xin mẹ đóng khung giấy báo nhập học làm... kỷ niệm', gia cảnh của em Trần Thị Hồng Ngọc (SN 2001, ở Nghi Lộc, Nghệ An) vô cùng khó khăn nhưng em vẫn nỗ lực vươn lên học giỏi, đạt 26,5 (tính cả điểm ưu tiên) trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.
Hai mẹ con em Ngọc.
Bà Hạt - mẹ em Ngọc hồi 20 tuổi bị một thân cây lớn đè lên người, cánh tay bên trái dập nát phải cắt bỏ đến vai khi cùng đoàn thanh niên địa phương làm việc. Cũng vì thế, bà không thể làm được những công việc bình thường, người phụ nữ với một cánh tay bị cụt lầm lũi sống qua ngày đoạn tháng trong cái nghèo cái khổ.
Vượt lên những điều tiếng của xã hội, bà Hạt đánh liều tự 'xin' cho mình một đứa con với hy vọng làm chỗ dựa lúc tuổi già. Ước nguyện thành hiện thực, bà mang bầu rồi tự mình vượt cạn, hạnh phúc ngọt ngào ngày Hồng Ngọc chào đời.
Hiện giờ mẹ của em cũng mang trong mình căn bệnh ung thư giai đoạn cuối. Vì những khó khăn đó nên dù có trúng tuyển với số điểm cao em cũng không thể đến trường.
PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu - Trưởng phòng Chính trị công tác sinh viên trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội đã đến tận nhà của Ngọc để thăm hỏi hoàn cảnh gia đình em (ảnh: Dân trí)
PGS.TS. Nguyễn Quang Liệu - Trưởng phòng Công tác Chính trị công tác sinh viên (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) tiếp tục chia sẻ với PV Infonet: 'Tôi được biết em Ngọc sinh ra trong gia đình đặc biệt. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định miễn toàn bộ tiền học phí của khóa học cũng như chi phí ở ký túc xá cho nữ sinh này.
Và sau đó, tôi với tư cách cá nhân, một người con của miền Trung cũng từng đi học trong hoàn cảnh rất gian khổ, được nhiều người giúp đỡ đã lái xe hơn 300km đến tận nhà chia sẻ cùng gia đình em Ngọc, tiếp thêm sức mạnh cho em và đón em đến trường nhập học'.
'Hoàn cảnh của hai mẹ con Ngọc vô cùng khó khăn, căn nhà nghèo đến xơ xác không có vật gì giá trị. Tôi đã hứa với mẹ em Ngọc nhà trường nhất định sẽ giúp đỡ và dạy dỗ em Ngọc nên người để bà Hạt có thể yên tâm dưỡng bệnh.
Tôi cũng biết rằng trong hoàn cảnh ấy, để có được kết quả như ngày hôm nay thì chắc hẳn em phải có nghị lực, tinh thần quyết tâm vượt lên gian khổ rất lớn; và người cho em sức mạnh vượt qua tất cả, tôi nghĩ chính là mẹ em.
Sinh ra tại miền Trung gian khó nên tôi rất thấu hiểu những gì mà em Ngọc phải trải qua. Tôi cũng đã từng sống, học tập trong gian khó và nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người nên mới được đứng trên bục giảng và mới có được thành công như hôm nay.
Vì thế, hôm nay tôi thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn với các sinh viên của mình để các em có thể viết tiếp ước mơ, nhân lên giá trị của tình người và sự tử tế, đó cũng là giá trị của trường Nhân văn'.
Em Trần Thị Hồng Ngọc
Em Trần Thị Hồng Ngọc - (cựu học sinh lớp 12C1, Trường THPT Nghi Lộc 4) không giấu nổi sự xúc động: 'Một lần nữa em, xin được gửi lời cảm ơn đến các thầy cô trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng các nhà hảo tâm đã giúp đỡ để em có cơ hội đến trường.
Hiện giờ em đã được các thầy cô tạo điều kiện sắp xếp chỗ ở tại ký túc xá. Lúc đầu em cũng chưa quen, chưa có bạn nên cũng hơi bỡ ngỡ, sau khi lên phòng quen được một số bạn trong ký túc xá nên phần nào vui hơn, nhưng mà buổi đêm em không ngủ được vì em vẫn nhớ mẹ.
Điều em băn khoăn nhất khi đi học đại học là sức khỏe của mẹ. Mẹ ở có một mình thôi, mỗi khi trái gió trở trời lại đau ốm. Em sẽ cố gắng thật nhiều để không phụ lòng mong mỏi của mẹ, các thầy cô và mọi người'.
Chia sẻ về bí quyết học để có một điểm thi 'đang mơ ước', Ngọc cho hay: 'Em cũng không đi học thêm ở đâu cả. Với em, chăm chỉ là bí quyết duy nhất, ngoài thời gian phụ giúp việc cho mẹ thì em đều ngồi vào bàn học'.
Tại kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, em Trần Thị Hồng Ngọc (SN 2001, học sinh lớp 12C1, trường THPT Nghi Lộc 4, Nghệ An) đã đạt 26,5 (tính cả điểm ưu tiên). Trong đó, môn Ngữ văn em đạt 9,25 điểm, cao nhất toàn trường, môn Lịch sử được 7,75 điểm và môn Địa lý đạt 8,75 điểm. Với số điểm trên, Ngọc đã nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày 12/8, trường Đại học KHXH&NV đã có giấy báo gửi em Trần Thị Hồng Ngọc về việc em trúng tuyển vào ngành Báo chí (QHX01) và đến nhập học vào sáng ngày 22/8/2019. Cầm giấy báo nhập học trên tay, Ngọc rưng rưng nước mắt xin mẹ được đóng khung để xem nó như là một kỷ niệm. Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình em, trường Đại học nơi em đăng ký xét tuyển đã “đặc cách” miễn học phí, cho em cơ hội lớn để viết tiếp ước mơ của mình. |