Người dân trên khắp lãnh thổ Trung Quốc đang nô nức thực hiện bài tập thể dục kiểu mới là đi đứng bằng cả 4 chi. Xu thế này cũng đang nở rộ trong các trường học ở đất nước tỷ dân.
Nhờ tốc độ lan truyền nhanh chóng của mạng xã hội, đoạn video ghi lại cảnh một nhóm sinh viên Đại học ở thành phố Bắc Kinh bò bằng cả 2 chân 2 tay đi xung quanh sân chơi vào tuần qua đã thu hút gần 4 triệu lượt xem trên Xiaohongshu.
Đoạn video ghi lại cảnh nhóm sinh viên tại một trường Đại học ở Bắc Kinh tập thể dục bò bằng cả 4 chi thu hút gần 4 triệu lượt xem. (Ảnh: Weibo)
Nhiều người liên tưởng hình ảnh nhóm sinh viên dùng cả 4 chi di chuyển trên mặt đất trông giống như động tác đi lại của các loài động vật như mèo, cá sấu hay gấu.
Bài tập thể dục kỳ lạ này còn đi ngược lại quy luật tiến hóa của loài người cách đây hàng triệu năm từ di chuyển bằng cả 4 chi lên thành đứng thẳng và đi bằng 2 chân. Động tác thể dục được mệnh danh là 'tiếng gọi cổ xưa' này được nhận định không chỉ tập để cho vui, mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe con người. Đây là lý do, ngày càng nhiều sinh viên tại các trường học đang tham gia luyện tập cách đi đứng bằng cả 4 chi.
Trên thực tế, bài thể dục bò bằng cả chân và tay còn được xem là cách giảm căng thẳng và nhàm chán hữu hiệu đối với hàng nghìn sinh viên đang bị mắc kẹt trong các khu ký túc xá trong giai đoạn chính phủ Trung Quốc vẫn thi hành chính sách 'zero Covid-19' dựa vào hoạt động phong tỏa, cách ly và lấy xét nghiệm đại trà.
'Được sự động viên của tất cả bạn bè trên mạng, tôi đã thử luyện tập bò bằng 4 chi trong vòng 7 phút vào ngày hôm nay. Chắc hẳn con mèo của tôi sẽ hoảng sợ khi thấy chủ nhân đuổi theo nó bằng cả 4 chi', một bình luận hài hước trên mạng viết.
Sinh viên Trung Quốc làm thú cưng bằng bìa các tông để vơi đi nỗi buồn trong giai đoạn địa phương bị phong tỏa. (Ảnh: ifeng.com)
Trước khi trào lưu bò bằng 4 chi xuất hiện tại các trường Đại học ở Trung Quốc, sinh viên ở nhiều khu ký túc xá của nước này cũng đã đưa nhau thể hiện sự khéo léo bằng cách tự làm thú cưng bằng bìa các tông. Mục đích là để vơi đi nỗi cô quạnh khi không thể tham gia các hoạt động xã hội, do chính quyền địa phương thực hiện lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Nhiều chuyên gia cũng đã lên mạng xã hội và khẳng định bài tập đi đứng bằng 4 chi mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe con người.
'Cải thiện hình thể và tư tưởng thoải mái là những lợi ích của bài tập đi đứng bằng 4 chi. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bài tập giúp người tập cải thiện được sự cân bằng và nhiều bộ phận trên cơ thể được cùng lúc hoạt động', một chuyên gia chia sẻ ý kiến.
Song một số người khác lại có ý kiến trái chiều đối với bài tập đi đứng bằng 4 chi. Điển hình, bác sĩ Sun Wuquan, người đứng đầu Khoa massage Tui Na thuộc Bệnh viện Yueyang ở Thượng Hải, cho rằng bài tập bò không phải là dạng vận động có lợi cho người trẻ, và hoàn toàn có thể gây chấn thương cho phần thân trên.
'Rất nhiều chuyển động liên quan tới quá trình bò, việc sử dụng hai bàn tay, bàn chân và cả đầu gối lẫn khuỷu tay có thể chỉ là thú vui của giới trẻ, nhưng nó không phải là lựa chọn tốt nhất khi áp dụng làm bài tập thể dục hàng ngày', ông Sun nói.
'Khi chúng ta bò, nửa trọng lượng cơ thể dồn hết lên các chi phía trên, trong khi những bộ phận này thường không phải gánh sức nặng lớn trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, tổn thương cho các khớp nối có thể xảy ra bao gồm khớp vai và khuỷu tay', ông Sun nói thêm.
Nhóm 'người cá sấu' bò trườn cả quãng đường dài với mục đích chữa bệnh đau lưng. (Ảnh: myzaker.com)
Bài tập bò bằng 4 chi lần đầu tiên thu hút sự chú ý của truyền thông Trung Quốc là khi hàng trăm người dân địa phương thường tụ tập ở khu du lịch núi Xiangshan của tỉnh Giang Tô để cùng nhau bò trườn cả quãng đường dài nhằm giảm đau ở cột sống.
Động tác tập thể dục của cả nhóm khiến người xem liên tưởng đến hoạt động di chuyển của loài bò sát, nên họ được gọi là nhóm 'người cá sấu'.
Theo trưởng nhóm Zhu Jianliang, nhóm hoạt động được một năm. Số lượng thành viên hiện là gần 1.000 người và người cao tuổi nhất là 69.
Hình ảnh bò trườn bằng cả chân và tay cũng được bắt gặp tại nhiều công viên ở các thành phố khác tại Trung Quốc như Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông và Trường Sa của tỉnh Hồ Nam.