Giữ ổn định mức thu học phí
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 của Chính phủ về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo hệ thống công lập thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.
Quyết định trên được Chính phủ đưa ra nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân sau dịch Covid-19.
Sinh viên làm thủ tục nhập học năm học 2022 - 2023.
Với địa phương đã quyết định tăng học phí năm học 2022 - 2023 trước đó, Chính phủ yêu cầu dùng ngân sách địa phương bù vào phần chênh lệch tăng thêm so với học phí năm học 2021 - 2022. Mức hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục do địa phương xem xét quyết định.
Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí ngân sách tăng chi thường xuyên cho các cơ sở giáo dục.
Với cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Chính phủ quy định giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu năm ngoái theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Chính phủ khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên.
Trường đại học tuân thủ Nghị quyết 165
Trong khi đó, tới thời điểm này, năm học 2022 – 2023 đã gần hết học kỳ I. Nhiều trường đã thu học phí với mức tăng mới.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, TS Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho hay, năm học 2022 – 2023, trường thu học phí tăng nhẹ (không quá 15% theo quy định) so với năm học 2021 – 2022.
Trước yêu cầu không tăng học phí trong năm học này của Chính phú, TS Nguyễn Phi Long cho biết, nhà trường sẽ thực hiện theo chỉ đạo và sẽ có giải pháp phù hợp nhất với sinh viên đã nộp theo mức học phí tăng mới.
Tuy nhiên, TS Long nêu quan điểm: “Việc tăng học phí của các trường còn liên quan tới việc hoạch định các khoản chi trong năm học. Trong khi đó, hiện năm học đã gần hết một học kỳ và nhiều trường đã triển khai thu học phí tăng theo lộ trình. Thế nên, những quy định như trên cần được chỉ đạo sớm hơn để các trường không rơi vào tình trạng bị động”.
Theo ThS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu - Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, năm học 2022 – 2023, tháng 8/2022, trường đã thông qua mức học phí mới, dao động từ 305.000 – 334.000 đồng/tín chỉ tùy theo ngành, tương đương khoảng 11.270.000 đồng/năm.
Mức tăng học phí của chương trình đại học chính quy chuẩn trong 2 năm học gần nhất chỉ ở mức bình quân khoảng 7,5%/năm và hiện thấp hơn gần 10% so với mức trần học phí áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nhằm thực hiện Nghị quyết 165/NQ-CP và đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng xã hội, giúp người học giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến hội đồng trường thông qua chủ trương giữ ổn định học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022. Sau đó, Ban giám hiệu nhà trường sẽ chính thức có thông báo mức học phí năm học 2022 - 2023 và phương án xử lý đối với các trường hợp đã nộp dư.