Băn khoăn khoảng cách 25 m
Để ngăn ngừa các hành vi gian lận có thể xảy ra, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Bộ GDĐT đã bổ sung một quy định mới, đó là yêu cầu bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu, vật dụng bị cấm mang vào phòng thi.
Sở dĩ có quy định này bởi theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, hiện các thiết bị công nghệ cao có thể thu phát sóng trong khoảng 25 m. Vì vậy, thiết bị của thí sinh để ngoài hành lang thì vẫn có thể thu phát tín hiệu trong phòng thi và nguy cơ làm lộ đề.
Tuy nhiên, trước quy định này, một số địa phương cho rằng sẽ khó thực hiện. Trong đó có Thủ đô Hà Nội. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, năm nay, toàn TP Hà Nội có 97.999 thí sinh đăng ký dự thi, giảm 3.327 thí sinh so với năm 2021. Các thí sinh được bố trí thi ở 4.070 phòng thi tại 181 điểm thi trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã.
Cán bộ coi thi kiểm tra thông tin thí sinh trước khi vào phòng thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Do đặc thù địa phương nhiều điểm thi, khuôn viên khá hẹp nên để đảm bảo vật dụng của học sinh ở cách phòng thi 25 m phải vận chuyển vật dụng thí sinh ra xa khu vực thi. Việc này có thể dẫn đến việc học sinh sau khi thi xong sẽ lấy nhầm đồ, và càng phức tạp hơn nếu trời mưa.
Theo đó, Sở GDĐT Hà Nội đề nghị Bộ GDĐT cho phép chủ động có phương án thực hiện để bảo đảm an toàn nhất và tránh gây khó khăn cho thí sinh.
Tương tự, với địa phương có số thí sinh dự thi đông như TP Hồ Chí Minh, quy định này cũng khó thực hiện. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng thí sinh ở mỗi điểm thi rất lớn. Nếu đưa vật dụng của thí sinh vào các phòng tập trung thì sẽ rất khó khăn cho các em trong việc lấy các vật dụng của mình sau môn thi buổi sáng để chuẩn bị cho bài thi buổi chiều.
“Năm nay, khả năng thu phát của thiết bị là 25 m, nhưng năm sau có thể lên đến 50 m thì chúng ta làm thế nào?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Đối với quy định mới này, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GDĐT TP Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đã tìm giải pháp để khắc phục khó khăn trong quy định này. Ban Chỉ đạo thi đã đi kiểm tra trực tiếp các điểm thi để tìm phương án phù hợp.
Theo bà Thuận, với điểm thi khoảng cách từ nơi để vật dụng của thí sinh không đủ quy định 25 m, Sở GDĐT TP Đà Nẵng tạo bố trí mượn các trường lân cận để đặt vật dụng, túi xách của thí sinh.
Các thiết bị để gian lận thi cử làm khó cán bộ coi thi
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT tiếp tục được phân cấp trách nhiệm toàn diện trên địa bàn cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Bộ GDĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi.
Thời gian từ nay cho đến khi kỳ thi diễn ra không còn nhiều. Làm thế nào để tổ chức thành công, an toàn kỳ thi, đặc biệt là phòng ngừa, hạn chế thấp nhất gian lận thi cử là bài toán đặt ra với các địa phương.
Tại Hải Phòng, để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, Hải Phòng đã tăng cường rà soát, kiểm tra những địa điểm sao in, in ấn tài liệu, các điểm cung cấp các thiết bị công nghệ có liên quan đến kỳ thi và có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Đại diện Ban chỉ đạo thi TP Hải Phòng cho biết, hiện nay, tại các điểm in sao, thành phố đã cho đặt thiết bị phá sóng. Đồng thời, thành phố sẽ cắt wifi, che camera tại các điểm thi để trong quá trình giám sát kỳ thi, trong quá trình thi đảm bảo an toàn, không xảy ra gian lận thi cử.
Về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an - Ủy viên Ban chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho biết, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Cục A05 đã phát hiện hoạt động sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt 1 nhóm đối tượng có 23 người với tội danh cố ý làm lộ bí mật Nhà nước.
Trong sự việc này, quy trình gian lận được tính toán kỹ. Thí sinh sử dụng camera cúc áo để quay chụp đề thi, sau đó đưa hình ảnh đề ra ngoài qua thiết bị trung gian. Khi đề được giải xong, đáp án sẽ được truyền vào qua tai nghe hạt đậu. Các thiết bị này đều rất nhỏ khiến cán bộ coi thi khó phát hiện.
Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang hiện vẫn còn tồn tại, tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.
Qua rà soát trên thị trường, cơ bản các thiết bị phát sóng cơ bản trong khoảng từ 20-25 m. Do đó, quy định bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25 m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi giúp hạn chế xảy ra gian lận thi cử sử dụng công nghệ cao.
“Nhưng công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách này có thể xa hơn, nên chúng tôi khuyến nghị nơi bảo quản thiết bị của thí sinh để càng xa càng tốt”, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh cho hay.