Như Báo Dân sinh đã đưa tin, Nguyễn Văn Quý, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, tố cáo ngày 31/3/2022, ông Nguyễn Danh Bằng, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ nhà ở và khu đô thị (HUDS) cùng hàng chục người với danh nghĩa là Tổ công tác liên ngành quận Long Biên, mang theo gậy gộc xông vào 2 ki ốt số 6 và số 7 đang kinh doanh mà gia đình ông Nguyễn Văn Quý tại thuê tại tầng 1, Tòa nhà P3, Khu đô thị Việt Hưng, phường Giang Biên, quận Long Biên, đuổi mọi người trong gia đình ra khỏi ki ốt, đồng thời tiến hành niêm phong tài sản của gia đình ông.
Hình ảnh vợ ông Quý bị người của Công ty HUDS đẩy ra ngoài, và hình ảnh con gái ông Quý ôm lấy mẹ khi bị đẩy ngã.
Đây là 2 ki ốt ông Quý đã ký Hợp đồng với Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ nhà ở và Khu đô thị (HUDS) để thuê mặt bằng kinh doanh trong năm 2010 và 2012. Đến năm 2016, phía Cty HUDS có thông báo thu lại mặt bằng để bàn giao lại cho TP. Hà Nội, nhưng các vấn đề bất cập, các quyền lợi liên quan vẫn chưa được giải quyết nên ông Quý vẫn chưa đồng ý bàn giao, trả lại mặt bằng, và từ đó đến nay gia đình ông vẫn sử dụng 2 ki ốt nêu trên.
Ông Quý cho rằng, việc làm của ông Bằng, Phó Giám đốc Công ty HUDS và những người liên quan là hành vi vi phạm pháp luật, mang danh nghĩa “Tổ công tác liên ngành” để “cưỡng chế” trái quy định.
Sau khi bị đuổi ra khỏi ki ốt, gia đình ông Quý gặp muôn vàn nhiều khó khăn bởi tất cả tài sản, giấy tờ tùy thân của cả gia đình 6 người trong ki ốt đã bị niêm phong. Đặc biệt việc học hành của 4 con nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi gia đình phải đi ở nhờ, các con thiếu sách vở, không có sổ hộ khẩu, căn cước công dân, giấy khai sinh.
Hiện nhiều tài sản có giá trị cũng như giấy tờ tùy thân của các thành viên trong gia đình ông Quý vẫn đang bị niêm phong.
Ông Quý bức xúc, tất cả tài sản gia đình tôi đang sử dụng hiện vẫn đang bị niêm phong từ 31/3/2022 đến nay, bao gồm: Sổ hộ khẩu của cả gia đình, Căn cước công dân của cháu Nguyễn Văn Hiếu (sinh ngày 26/09/2004) và cháu Nguyễn Thị Hoài Quyên (sinh ngày 16/05/20021). Giấy khai sinh của cháu Nguyễn Phú Yên (sinh ngày 18/09/2019) và cháu Nguyễn Phương Thảo (sinh ngày 31/10/2010). Các hợp đồng góp vốn với công ty, Sổ đỏ, Hợp đồng góp vốn với khách hàng, tiền, vàng, quần áo, đồ dùng cá nhân, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, máy tính bàn, máy tính xách tay.... cũng như các tài sản khác gắn liền với ki ốt.
“Hiện nay các con tôi đang đứng trước nguy cơ không được nhập học bởi tất cả giấy tờ tùy thân đang bị niêm phong . Con lớn hiện đang học đại học nên gia đình vừa qua phải đi làm lại căn cước công dân, còn con trai đang chuẩn bị đăng kí thi vào đại học, cháu thứ 3 đang chuyển cấp từ lớp 5 lên lớp 6, cháu bé nhất sinh năm 2019 đang đăng ký để nhập học mầm non, nhưng tất cả đều không có giấy khai sinh hay bất cứ giấy tờ nào” – ông Quý cho biết.
Mặt khác, các hợp đồng về bất động sản của tôi và gia đình vẫn ở trong ki ốt khiến tôi không thể thu xếp được với khách hàng. Tiền, vàng, tài sản đều chung số phận nên gia đình tôi phải vay mượn để trang trải, sức khỏe ảnh hưởng, tinh thần hoảng loạn, con cái không có chỗ ở để tập trung học hành.
Trong ki ốt đang có nhiều thiết bị điện tử, đồ dùng cần thiết sinh hoạt , quần áo, lương thực, thực phẩm. Các tài sản khác không được sử dụng, bảo trì, bảo quản sẽ dẫn đến hư hỏng, không thể phục hồi. Khi chúng tôi ra khỏi nhà không được mang theo bất cứ thứ gì. Bản thân tôi bị nhiều bệnh mãn tính phải theo dõi sức khỏe định kỳ, các con tôi đang trong độ tuổi phát triển nên cuộc sống gia đình đang bị xáo trộn.
“Sau khi chứng kiến hàng chục người của Công ty HUDS đến đuổi cả gia đình ra đường, niêm phong tài sản, con gái thứ ba của tôi vô cùng hoang mang và lo sợ, tinh thần cháu bất an từ hôm đó tới nay. Từ khi các cháu học online tại nhà đến khi tới trường không có sách vở, đồ dùng học tập cũng như đồng phục, dẫn tới tình trạng học hành của con sa sút” – chị Lại Thị Hạnh, vợ ông Quý rơm rớm nước mắt.
Clip "Tổ công tác liên ngành" và người của công ty HUDS thu hồi ki ốt ngày 31/3/2022
Trao đổi với phóng viên về tính chất pháp lý của quy trình thu hồi mặt bằng đối với kiốt số 6 và số 7 đã đúng chưa?, ông Nguyễn Danh Bằng, Phó Giám đốc Công ty HUDS cho biết, đã làm đúng với chức năng và nhiệm vụ của công ty. Trước đó, Công ty HUDS cũng đã gửi nhiều thông báo tới ông Nguyễn Văn Quý, yêu cầu thanh toán tiền thuê ki ốt, trả lại mặt bằng kinh doanh tại các ki ốt, tuy nhiên, ông Quý đã không chấp hành. Ngoài ra, công ty không cưỡng chế mà là thu hồi mặt bằng.
Tuy nhiên, theo Quyết định số 2441/QĐ-UBND ngày 28/5/2021 của UBND quận Long Biên về việc kiện toàn tổ công tác liên ngành truy thu tiền thuê ki ốt tầng 1 tại KĐT Việt Hưng, các thành viên Tổ công tác bao gồm: Ông Nguyễn Mạnh Trình, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên làm tổ trưởng. Các ông tổ phó gồm: Phạm Hữu Tiến, Phó Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội); Nguyễn Danh Bằng, Phó Giám đốc Công ty HUDS; Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng QLVH2, Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở.
Tổ viên bao gồm đại diện các sở, ngành, UBND quận Long Biên, Công an quận, Tòa án nhân dân quận, Chi cục thuế quận, UBND phường Giang Biên và Công an phường, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).
Nhưng kỳ lạ thay, tại Biên bản “thu hồi mặt bằng” ki ốt số 6, số 7 được lập ngày 31/3/2022 chỉ có chữ ký của đại diện UBND phường, tổ dân phố, Ban quản lý dự án số 11 và Công ty Huds mà không có đại diện của các cơ quan chức năng như đã nêu ở Quyết định số 2441. Mặt khác, phía Công ty HUDS chỉ là tổ phó và là thành viên trong tổ liên ngành, nhưng lại tự tổ chức thu hồi liệu có trái quy định?.