Theo đó, kế hoạch này được triển khai ở các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã mức độ dịch cấp độ 1 và 2, trong 14 ngày, tính đến 30/11, không có ca F0 cộng đồng.
Ngoài bậc THPT, học sinh lớp 9 tại 18 huyện ngoại thành tiếp tục học trực tiếp. Các khối còn lại học trực tuyến đến khi có thông báo mới, còn học sinh mầm non nghỉ tại nhà.
Tuy nhiên, vấn đề mà không ít phụ huynh băn khoăn là nếu trường học đủ điều kiện mở cửa nhưng học sinh lại cư trú ở nhiều vùng khác nhau và có những học sinh cư trú ở vùng có nguy cơ dịch bệnh cao thì học trực tuyến hay học trực tiếp?
Thầy Hoàng Châu Tuấn - Hiệu trưởng trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, hiện nay nhà trường đã tiến hành công tác khử khuẩn cũng như có kế hoạch chuẩn bị cho học sinh quay lại trường cả về mặt tâm lý và ý thức phòng chống dịch bệnh.
'Trong trường hợp nhà trường được mở cửa, với những học sinh cư trú vùng có nguy cơ cao về dịch bệnh cao hay thuộc diện F1, F2 thì có thể sẽ tiếp tục học trực tuyến', thầy Tuấn nói.
Thầy Nguyễn Hải Sơn - Hiệu trưởng THPT Ngô Thì Nhậm (H. Thanh Oai, Hà Nội) thì cho biết đến thời điểm hiện tại trường chưa nhận được quyết định từ phía UBND huyện về việc có đón học sinh quay lại trường vào tuần tới không.
'Về cơ bản, cơ sở vật chất đã chuẩn bị xong, sẵn sàng chỉ cần nhận được quyết định là có thể triển khai đón học sinh quay lại trường. Trong trường hợp nhà trường được mở cửa nhưng có học sinh cư trú ở những vùng có nguy cơ cao thì nhà trường cũng theo quy định, sẽ cân nhắc việc cho các em này học trực tuyến để đảm bảo an toàn', thầy Sơn nói.
Ảnh minh họa
Trường THPT Ngô Thì Nhậm có gần 100% học sinh được tiêm vắc xin, hiện tại học sinh vẫn học trực tuyến để đảm bảo việc học không bị gián đoạn.
Trong khi đó Trường THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) vẫn chờ hướng dẫn của địa phương, ngành giáo dục Hà Nội về việc có cho học sinh tựu trường sau ngày 6/12 hay không do trên địa bàn vẫn có trường hợp F0.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 2.057 học sinh đến từ các quận, huyện như Chương Mỹ, Thanh Oai, Hà Đông… Do học sinh ở nhiều xã, phường khác nhau nên sắp tới trường phải rà soát từng đối tượng và chuẩn bị cơ sở vật chất cũng như phương án dạy học nếu trường học mở cửa.
Được biết, hiện tại nhiều trường THPT trên địa bàn Hà Nội vẫn chờ hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT cũng như ngành Y tế trong công tác phòng dịch. Về phương án dạy học, sau một thời gian dài dạy học trực tuyến, đa số các trường cũng đã xây dựng phương án dạy song song hai phương án trực tuyến và trực tiếp nếu học sinh ở vùng có nguy cơ cao.
Còn cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) thì cho biết trường Yên Hòa không nằm trong danh sách những trường đủ tiêu chí đón học sinh quay lại trường vào tuần tới.
Để đảm bảo an toàn khi tổ chức học trực tiếp, Hà Nội yêu cầu giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng Covid-19 chỉ dạy trực tuyến. Các trường phải đạt tiêu chí phòng chống dịch theo hướng dẫn liên ngành, đồng thời không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân, chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp một buổi/ngày.
Trong quá trình mở cửa, nếu phát hiện các vấn đề về dịch tễ, không đảm bảo an toàn, Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 cấp huyện, thị sẽ xem xét, yêu cầu dừng việc học để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Quyết định mở cửa trường học được xem xét thận trọng dựa trên mức độ dịch, độ phủ vaccine với học sinh và kinh nghiệm mở cửa các trường trước đó.
Từ 23/11, Hà Nội đã tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 15 - 17 tuổi, trong đó phần lớn là học sinh THPT. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%.
Từ 8/11, khoảng 4.000 học sinh khối 9 của huyện Ba Vì được trở lại trường học trực tiếp. Sau đó hai tuần, 18 huyện còn lại cũng cho khối 9 trở lại trường với tổng số 36.000 học sinh, tỷ lệ đảm bảo an toàn trên 97%.