Theo đó, trường này có hàng loạt sai phạm về vấn đề tuyển sinh, liên kết đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, tài chính, việc tiếp nhận tiền tài trợ hơn 276.000 USD (hơn 5,87 tỷ đồng) được chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không chuyển trực tiếp cho trường…
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM
Từ công tác cán bộ đến thu chi tài chính
Về công tác tuyển dụng viên chức, trong 3 năm 2015-2017, trường tuyển dụng tổng cộng 75 viên chức, nhưng quy trình tuyển dụng chưa thực hiện đúng quy định theo Thông tư 15 của Bộ Nội vụ. Chẳng hạn, các thông báo tuyển dụng không nêu rõ nội dung, hình thức thi/xét tuyển, nội dung thi tuyển thiếu các môn thi kiến thức chung, không xây dựng các đề thi chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp.
Kiểm tra một số hồ sơ tuyển dụng cho thấy: Trường ký hợp đồng làm việc lần đầu với Võ Hoàng Thủy Tiên không đúng quy trình tuyển dụng của trường, xét tuyển đặc cách, ký hợp đồng làm việc với ông Bách và bà Duyên không đúng quy định. Kiểm tra một số hợp đồng lao động trong tổng số 77 hợp đồng lao động của trường, thì có trường hợp ký hợp đồng lao động 6 tháng và ký liên tiếp hợp đồng với cùng một cán bộ để làm những công việc có tính chất thường xuyên, là không đúng quy định.
Công tác bổ nhiệm cũng có nhiều sai phạm như: Bổ nhiệm Trưởng khoa Cơ khí động lực và Khoa Công nghệ may thời trang khi chưa đạt chuẩn trình độ tiến sĩ (theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Điều lệ trường đại học); 2 trưởng bộ môn Thương mại và bộ môn Kết cấu công trình được bổ nhiệm khi chưa có bằng tiến sĩ.
Về quản lý, sử dụng kinh phí năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán và có thông báo kèm kiến nghị về các vấn đề như chấn chỉnh công tác tài chính, kế toán, công tác quản lý thu học phí qua Ngân hàng BIDV, nghiêm cấm xé nhỏ hợp đồng mua sắm gây lãng phí ngân sách và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân hiệu trưởng, phó hiệu trưởng…
Trong công tác mua sắm thiết bị, có 3 gói thầu trị giá hơn 13 tỷ đồng được thực hiện trong vòng 1 tháng và đều do Công ty cổ phần Thông tin và Giáo dục EIG trúng thầu. Tuy nhiên, việc kiểm tra hồ sơ mua sắm có nhiều vấn đề, như chưa xác định rõ nhu cầu cần thiết phải đầu tư, lựa chọn nhà thầu không đúng theo quy định, không có báo giá của nhà thầu.
Liên kết đào tạo trái quy định
Công tác tuyển sinh và đào tạo của trường này cũng có rất nhiều sai phạm. Việc tuyển vượt chỉ tiêu hệ đại học chính quy của trường diễn ra từ năm 2015 đến năm 2017, với tổng số tuyển vượt lên đến 1.688 chỉ tiêu. Cụ thể, năm 2015 tuyển 4.611/3.880 chỉ tiêu (vượt 19%), năm 2016 tuyển 4.523/4.165 chỉ tiêu (vượt 8,6%) và năm 2017 tuyển 4.935/4.336 chỉ tiêu (vượt hơn 13%).
Trong liên kết đào tạo trong nước, năm 2015 liên kết với 11 đơn vị, năm 2016 liên kết với 9 đơn vị, năm 2017 liên kết với 4 đơn vị, nhưng việc liên kết chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT. Đáng nói hơn, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài (liên kết với Trường Đại học Sunderland, Vương quốc Anh), trường đã xét trúng tuyển đối với thí sinh không đạt điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Trong khi đó, trường tổ chức cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức môn học trình độ sau đại học trong chương trình đào tạo thạc sĩ. Học viên có thể tham gia học chung với các lớp thạc sĩ tại trường, hoặc trường mở lớp tại địa phương khi đạt số lượng tối thiểu 20 người/lớp. Theo báo cáo của trường, từ năm 2015-2017 đã cấp 781 chứng chỉ cho học viên. Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định, việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức là chưa đúng quy định.
Một sai phạm nghiêm trọng nữa là việc tiếp nhận hơn 276.000USD (trị giá hơn 5,87 tỷ đồng) từ Trường Đại học Bang Arizona (Mỹ) để trường mở phòng dạy học số. Tuy nhiên, theo đề nghị của Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, số tiền trên lại được chuyển cho ông Lê Thanh Phúc (hiện là Trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao) qua tài khoản mở tại Ngân hàng BIDV.
Sau đó, ông Phúc lại chuyển toàn bộ số tiền trên cho bà Nguyễn Thị Tố Trang (nhân viên Công ty TNHH Kỹ thuật Mekong), rồi bà Trang lại chuyển cho ông Nguyễn Xuân Anh Tú (Phó Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Mekong) để thực hiện việc cung cấp các trang thiết bị cho phòng dạy học số.
Tuy nhiên, trong công văn gửi Thanh tra Bộ GD-ĐT ngày 3-12-2017, Công ty TNHH Kỹ thuật Mekong cho rằng: không thực hiện cung cấp, lắp đặt các trang thiết bị cho phòng dạy học số; không cử ông Nguyễn Xuân Anh Tú làm đại diện cho công ty để nhận số tiền hơn 5,87 tỷ đồng.
Thế nhưng đến ngày 10-1-2018, Văn phòng đại diện Trường Đại học Bang Arizona tại Việt Nam lại xác nhận là có chỉ định công ty trên làm nhà cung cấp thiết bị cho dự án, nhưng số tiền chính xác là hơn 5,844 tỷ đồng. Qua thanh tra phát hiện việc tiếp nhận số tiền trên qua tài khoản cá nhân là không đúng quy định, các hóa đơn chứng từ, hợp đồng giao nhận thiết bị của đơn vị cung cấp đều không có.
Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có kế hoạch chấn chỉnh, khắc phục các sai phạm nên trên. Trong đó, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chung về các vấn đề quản lý, tuyển dụng, bổ nhiệm, phê duyệt mua sắm, xây dựng cơ bản, tiếp nhận tài trợ.
Ông Lê Thanh Phúc và ông Nguyễn Bá Hải chịu trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin không đầy đủ, gây khó khăn cho hoạt động thanh tra. Thanh tra Bộ GD-ĐT yêu cầu trường báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Bộ GD-ĐT trước ngày 30-3-2018.