Trẻ học trước lớp 1 là thực trạng chung ở nhiều địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn.
Chạy đua vì lo con “đuối”
Lớp học Bé viết - đọc (26 buổi) do Cung thiếu nhi Hà Nội tổ chức dịp hè này dành cho các bé sinh năm 2016 đã khai giảng có mức phí 60.000 đồng/buổi trong thời gian 90 phút. Tại đây, trẻ sẽ được dạy/nhắc nhớ mặt chữ, con số và tập trung rèn cách viết. Trong khi đó, chương trình Bé tự tin vào lớp 1 cũng có mức học phí tương tự với chương trình đa dạng hơn và kéo dài trong 38 buổi. Ngay cả bé 5 tuổi (sinh năm 2017) cũng đã có thể đăng ký lớp làm quen chữ cái của Cung thiếu nhi để chuẩn bị sớm cho giai đoạn tiểu học sắp tới.
Nhiều nhóm lớp tự phát khác do các gia đình tự gom học sinh lại rồi mời cô giáo về nhà dạy. Phương án thứ hai là gửi con đến nhà cô giáo đa phần là giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 1 để học bán trú luôn từ sáng đến chiều. Chị Đỗ Thủy (Khu đô thị Hồng Hà Eco, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, chị đăng ký cho con gái chuẩn bị vào lớp 1 học trong nhóm 10 bạn, từ thứ 2 đến thứ 6 tại nhà cô với mức học phí 5 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trường tư thục hồi mẫu giáo bé theo học.
Trên các diễn đàn lớn về giáo dục, rất nhiều phụ huynh đăng tin tìm giáo viên dạy tiền tiểu học từ ngay sau Tết. Theo khảo sát của phóng viên, mức giá phổ biến dao động từ 100-300.000 đồng/buổi/học sinh tùy giáo viên và lớp học đông hay vắng, thậm chí là học 1-1 với thời gian học trung bình 90 phút.
Trước đó, vì tình hình dịch bệnh nên nhiều lớp học tiền tiểu học trực tuyến được mở ra cũng thu hút khá đông phụ huynh quan tâm song khi cuộc sống bình thường trở lại, đa số các lớp học trực tuyến cũng phải chuyển sang hình thức trực tiếp. Bởi đặc điểm của lứa tuổi này là dạy các con làm quen, ưu tiên cầm tay chỉ bảo, uốn nắn từng nét chữ, con số nên việc học trực tuyến khó đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của phụ huynh với khóa học.
Cần tôn trọng quy luật giáo dục
Vấn đề đưa trẻ đi học trước chương trình lớp 1 năm nào cũng được đưa ra bàn luận nhưng với tư cách là một phụ huynh, hiếm có cha mẹ nào lại “bình chân như vại” khi xung quanh, bạn bè đồng trang lứa với con đã biết đọc chữ, làm tính. Chạy đua trang bị cho con những kiến thức tiền tiểu học với mong muốn rõ ràng đó là “không để trẻ thua ngay ở vạch xuất phát”, nhiều bậc phụ huynh tìm kiếm cho con những thầy cô giáo có tiếng, thậm chí song song với việc học tiền tiểu học còn đề nghị cô dạy… rèn chữ đẹp luôn.
Cha mẹ kỳ vọng và đầu tư cho con, nhất là đầu tư cho việc học vẫn được đánh giá là đầu tư có ích nhất. Nhưng khi phụ huynh sốt ruột đặt kỳ vọng quá nhiều có thể dẫn tới việc ép “trái non chín vội”. Bà Cao Thị Lan Hương - Hiệu trưởng Trường tiểu học An Hưng (quận Hà Đông, Hà Nội) phân tích, thông thường phải 6 tuổi trẻ mới có đủ khả năng để tiếp thu chữ viết, chữ số cũng như có thể cầm bút một cách cứng cáp. Các nhà giáo dục đã có nghiên cứu với đầy đủ các bằng chứng khoa học về độ tuổi phù hợp nhất để học tiểu học đó là 6 tuổi còn ở giai đoạn 4-5 tuổi là giai đoạn trẻ có nhu cầu vui chơi, chưa đủ tập trung để ngồi yên một chỗ. Nếu nóng vội cho con đi học trước sẽ gây áp lực, khiến con mệt mỏi, thậm chí chán học.
TS chuyên ngành Tâm lý Giáo dục Vũ Việt Anh - Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cho rằng, việc phát triển đầy đủ các phẩm chất và năng lực là việc sẽ phải rèn luyện suốt đời nên cha mẹ không nên kỳ vọng chỉ sau 1 khóa học con đã có thể phát triển toàn diện. Việc trẻ đọc chậm, viết xấu... ở những tháng học tiểu học đầu đời là điều hết sức bình thường. Trẻ cần phải có một quá trình để làm quen, thích nghi với cách thức, phương pháp học ở môi trường mới.
“Để đồng hành hiệu quả với trẻ (đặc biệt trẻ vào lớp 1) chưa bao giờ là việc dễ dàng mà đòi hỏi cha mẹ phải trang bị kĩ càng cả kiến thức, kỹ năng và thấu hiểu tâm lý của trẻ trong giai đoạn này. Cha mẹ cần phối hợp với thầy cô để tìm cách tiếp cận phù hợp nhất với con mình” - ông Anh nhấn mạnh. Đồng thời, chuyên gia này cũng chỉ ra có nhiều trẻ cần phải có kỷ luật nghiêm khắc thì mới làm theo trong khi đó có trẻ thì chỉ cần khen ngợi, khích lệ là đã có thể làm tốt những yêu cầu của thầy cô, bố mẹ đưa ra.
Nhưng ngược lại một số trẻ phải dùng các phương pháp thách thức, thi đua thì trẻ mới có động lực để học tập… Cha mẹ hãy kiên nhẫn, động viên khích lệ để con làm quen với cách thức học mới, trường học mới thay vì kỳ vọng cho trẻ học trước sẽ giúp trẻ không bị bỡ ngỡ. Nếu được hướng dẫn đầy đủ, khi trẻ đã làm quen với môi trường, bạn bè, thầy cô, cách học, kỷ luật... thì trẻ hoàn toàn có thể đạt được những kết quả vượt trội mà hoàn toàn không cần học trước.