Trường tiểu học Nam Lộc (xã Tân Thượng Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) và hiện trường vụ đổ tường khiến học sinh tử vong ngày 11/9. Ảnh: V.Đồng
Những vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở trường học
Sáng 11/9, ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, tại Trường tiểu học Nam Lộc (xã Tân Thượng Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) xảy ra sự việc tường nhà dân đổ đè lên một học sinh khiến học sinh này tử vong. Thông tin ban đầu, vào sáng cùng ngày nhà trường mở cổng để đưa một số cây cảnh vào trường. Thời gian này trùng với giờ ra chơi của các em học sinh. Lúc này, một nam học sinh lớp 5 chạy ra ngoài cổng trường chơi thì bất ngờ bị tường nhà dân cao khoảng 1,5m bên cạnh cổng trường đổ đè vào người.
Phát hiện sự việc, các giáo viên nhanh chóng đưa nam sinh đến bệnh viện cấp cứu nhưng em đã tử vong. Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cùng các phòng chuyên môn đã về thăm hỏi, động viên gia đình nam sinh gặp nạn. Đồng thời tìm hiểu rõ sự việc và ổn định tình học dạy và học. Công an huyện Nam Đàn đang bảo vệ hiện trường, điều tra, làm rõ sự việc.
Vào khoảng 13h10 ngày 7/9, cổng trường phân hiệu Bản Phung, xã Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, Lào Cai) bất ngờ đổ sập khiến 3 học sinh tử vong và 3 học sinh bị thương. Nguyên nhân sự việc được xác định là một nhóm học sinh đến trường học buổi chiều, trong lúc chờ vào lớp, một số học sinh rủ nhau chơi trò đu cánh cổng. Do có nhiều học sinh đu bám, trụ cổng và cánh cổng trường đã bị đổ sập, đè lên người 6 học sinh, khiến 3 học sinh tử vong (2 học sinh tiểu học, 1 trẻ học mầm non) và 3 em bị thương. Điểm trường Bản Phung bao gồm Trường tiểu học Khánh Yên Thượng và mầm non Khánh Yên Thượng có 29 học sinh tiểu học, 31 học sinh mầm non và 6 giáo viên.
Được biết, năm 2016, chính quyền xã Khánh Yên Thượng đã huy động được số tiền 151 triệu đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Số tiền này sau đó dùng để xây dựng cổng trường chính (Trường tiểu học Khánh Yên Thượng) và cổng trường phân hiệu. Do tình hình khó khăn, điểm trường ở xa nên thường dùng vật liệu thông thường, xây trụ gạch. UBND huyện Văn Bàn cũng đã chỉ đạo khẩn trương rà soát về tổng quan cơ sở vật chất của tất cả các trường học trên địa bàn nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Cơ quan chức năng của tỉnh Lào Cai đang làm rõ sự việc.
Cũng tại Lào Cai, sáng 10/9, tại Trường tiểu học Kim Đồng (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đã xảy ra vụ tai nạn một học sinh trong lớp học đã bị quạt trần rơi trúng đầu phải nhập viện. Cụ thể, khoảng 9h30, trong giờ ra chơi, một chiếc quạt trần đang trong quá trình hoạt động bất ngờ bật ốc vít rơi xuống mặt bàn, cánh quạt văng vào trán học sinh N.T.M.T. (lớp 2B) khiến em bị thương ở trán. Sau khi xảy ra, y tế nhà trường đã sơ cứu, rồi đưa em T đi bệnh viện. Nhà trường cũng đã phân công cán bộ, giáo viên tới thăm hỏi, động viên gia đình học sinh. Nguyên nhân bước đầu được xác định do ốc chốt ngang giữa cần quạt và bầu quạt bị gãy khiến thiết bị rơi xuống gây tai nạn.
Trước đó, dư luận cả nước cũng hết sức bàng hoàng trước vụ việc một nhóm học sinh đang ngồi ở sân trường bất ngờ bị cây phượng lâu năm đổ đè trúng khiến 1 nam sinh tử vong.
Người đứng đầu có phải chịu trách nhiệm?
Đau xót trước hàng loạt vụ tai nạn thương tích, học sinh tử vong tại trường học vừa qua, thầy Nguyễn Quốc Bình - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng: 'Để xảy ra các vụ tai nạn học sinh bị thương, tử vong trong phạm vi trường học, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường. Bởi việc rà soát cơ sở vật chất trong đó có hệ thống điện, cây xanh, tường, trần lớp học và các thiết bị… là công việc phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, trong đó người đứng đầu nhà trường cũng cần phải đi kiểm tra trực tiếp để đánh giá, khắc phục. Nếu chưa khắc phục được ngay phải có cảnh báo, khuyến cáo tới toàn bộ giáo viên, nhân viên và học sinh'.
Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội): 'Vấn đề an toàn học sinh trong trường học phải được đặt lên hàng đầu. Trường học phải tăng cường kiểm tra rà soát thường xuyên để đảm bảo an toàn. Khi sự việc đã xảy ra tại nhà trường, trách nhiệm trực tiếp vẫn là hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng phải trực tiếp xây dựng quy trình kiểm tra, phân công nhiệm vụ, chỉ đạo việc rà soát đảm bảo an toàn trường học. Thường xuyên tổ chức hướng dẫn, nhắc nhở, giáo dục học sinh vui chơi an toàn, tránh xa những chỗ nguy hiểm'.
Trước hàng loạt vụ việc học sinh tai nạn thương tâm trong trường học xảy ra trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất trường học, đảm bảo an toàn cho học sinh. Công văn nêu rõ: 'Trong những năm qua, một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn ảnh hưởng đến môi trường an toàn cho học sinh tại các trường học như: Sập cổng trường, sập tường rào, sập trần lớp học… Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do các công trình trường học được xây dựng từ lâu nhưng không cải tạo, bảo trì theo quy định; các cơ quan quản lý chưa làm tốt công tác kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng trường học'.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đảm bảo môi trường dạy và học an toàn, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 64/BGDĐT-CSVC ngày 09/01/2018 về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc thực hiện các nội dung tại Công văn số 64/BGDĐT-CSVC ngày 09/01/2018 về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học đảm bảo an toàn cho học sinh. Đồng thời rà soát cơ sở vật chất, có kế hoạch cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các địa phương trên phạm vi cả nước cần chỉ đạo các trường học trên địa bàn tiến hành rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học để đánh giá lại chất lượng các công trình trong nhà trường, nhất là trong mùa mưa bão; lập kế hoạch cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.