Ngày 7/1, Space Faire - ngày hội STEAM và khám phá Vũ trụ lớn nhất năm 2022 tại Việt Nam đã được tổ chức tại trường True North School (quận Hà Đông, Hà Nội). Ngày hội do nhà trường kết hợp với Q4 Excellence – tổ chức phi lợi nhuận, đối tác của NASA đồng tổ chức, với sự tham gia của 525 học sinh/phụ huynh cùng các vị khách mời đặc biệt bao gồm:
Trung tướng Phạm Tuân - phi hành gia, phi công và là người Việt Nam đầu tiên bay vào Vũ trụ; Thầy Danny Kim - Giám đốc Q4 Excellence; Thầy Michael Lambert - Tổng hiệu trưởng trường True North; Thầy Craig Gingerich- Giám đốc STEAM trường True North; Tiến sĩ Peter Tong - Chuyên gia hàng không và Phân tích dữ liệu, Nhà giáo dục, Giảng viên Toán và Vật lý tại Trường Quốc tế Concordia Thượng Hải.
Phụ huynh đưa con đến tham gia ngày hội.
Các vị khách mời đặc biệt của ngày hội.
Lần đầu tiên, học sinh được gửi một thông điệp lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS
Trong ngày hội Space Faire, 525 học sinh/phụ huynh đã có cơ hội giao lưu và gửi thông điệp lên ISS thông qua hoạt động ISS Quester. Đây là hoạt động được dẫn dắt bởi thầy Danny Kim.
Cụ thể, học sinh được hoạt động theo nhóm và sử dụng các quy tắc mã hóa khối đơn giản (block coding) để gửi một thông điệp lên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS. Đây là cơ hội mà ít ai trên Trái Đất có thể làm được. Với cơ hội hiếm có này, đại diện True North School cho hay, trường mong muốn khơi dậy trí tò mò, đam mê khám phá vũ trụ ở các em nhỏ:
'Chúng tôi tin rằng mỗi học sinh đều có thể là một nhà khoa học, nhà du hành vũ trụ, là người phá vỡ các giới hạn và thực hiện ước mơ của mình, đồng thời mang lại nhiều bước tiến cho thế giới trong tương lai'.
Các em học sinh gửi thông điệp lên trạm vũ trụ quốc tế ISS.
Trong khuôn khổ ngày hội, học sinh cũng quan sát Không gian từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS thông qua công nghệ thực tế ảo VR được cung cấp bởi Q4 Excellence. Nhiều phụ huynh, trẻ nhỏ không giấu được sự thích thú, lâng lâng khi trải nghiệm cảm giác có 1-0-2 này.
Bay vào vũ trụ không còn là điều viển vông
Có mặt trong sự kiện, Trung tướng Phạm Tuân - phi hành gia, phi công và là người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ đã chia sẻ lại những trải nghiệm không gian đáng nhớ của mình. Ông bày tỏ niềm phấn khởi khi được gặp gỡ, tiếp xúc và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
'Mong rằng sẽ có nhiều bạn trẻ yêu thích vũ trụ và trở thành phi hành gia. Sau này, sẽ không chỉ có riêng tôi là người bay vào vũ trụ của Việt Nam nữa. Nếu ngày xưa, việc bay vào vũ trụ có thể là viển vông thì bây giờ khác rồi. Khoa học phát triển, chúng ta đã hiểu được những quy luật của vũ trụ. Những gì từng là viển vông giờ đã thành thực tế', Trung tướng Phạm Tuấn cho hay.
Nói về sự phát triển của của ngành khoa học vũ trụ tại Việt Nam, Trung tướng Phạm Tuấn khẳng định nó vẫn còn rất non trẻ. Các nhà khoa học trong nước có tư duy, năng lực, trí thức nhưng chưa có nhiều điều kiện để phát triển. Chẳng hạn như phòng thí nghiệm vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên vẫn có những mặt tích cực, đáng ghi nhận.
'Nếu nói đến tham gia nghiên cứu vũ trụ, chúng ta mới chỉ khởi đầu thôi. Tiềm năng có nhưng điều kiện chưa đáp ứng được. Dù vậy, rõ ràng trong thời gian qua, chúng ta đã phát triển tốt, nhanh và còn có thể phát triển hơn nữa. Một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ cao, chẳng hạn như lĩnh vực công nghệ thông tin đã phát triển rất tốt. Chúng ta đi sau, nhưng có bước phát triển lớn.
Tôi nghĩ với tiềm năng, khao khát, ước mơ cháy bỏng của con người Việt Nam, thì cùng với sự phát triển chung, hợp tác với các nước đi trước thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những đỉnh cao để phục vụ cho cuộc sống của người dân'.
Trước ý kiến cho rằng, chi phí đào tạo phi công dân dụng tại Việt Nam đắt đỏ nên khiến ước mơ bay trên bầu trời của nhiều bạn trẻ trở nên khó thực hiện, Trung tướng Phạm Tuấn cho rằng, việc đào tạo phi công thực sự không khó. 50 năm trước, Phạm Tuân và nhiều phi công khác đã được đào tạo tại Việt Nam.
Điều mấu chốt là tiềm lực tài chính của Việt Nam còn hạn chế, nên chưa có đủ khả năng đào tạo tốt đội ngũ phi công. Vậy nên, chúng ta phải gửi đi đào tạo ở nước ngoài, dẫn đến chi phí đắt đỏ. Sự cạnh tranh cũng có phần chưa tương xứng cũng đẩy giá đào tạo phi công cao.
24 trạm thử thách, workshop cùng gần 30 chuyên gia, giáo viên STEAM trong nước và quốc tế
Bên cạnh hoạt động ISS Quester, Space Faire còn mang tới cho học sinh cơ hội được khám phá và 'nhúng mình' vào các thử thách STEAM với những khoa học công nghệ tiên tiến nhất. Một số hoạt động tiêu biểu có thể kể đến như:
Mars Rubber Band Rover: Học sinh sẽ được thiết kế một phương tiện vận chuyển đá trên Sao Hỏa sử dụng thế năng đàn hồi được tích trữ trong các sợi dây cao su. Hoạt động cung cấp kiến thức về cơ năng và lực đàn hồi để ứng dụng vào việc chế tạo động cơ.
Astronaut helmets: Học sinh sẽ được bắt tay vào thiết kế mũ bảo hộ cho các phi hành gia. Học sinh sẽ được học về những thành phần của một chiếc mũ bảo hộ ngoài không gian và tự tay thiết kế chúng từ những vật liệu tái chế.
Hay với Robot Quest, học sinh sẽ được lái một chiếc xe Robot và thi đấu theo đội để vượt qua những thử thách mà các chuyên gia đưa ra. Hoạt động giúp học sinh phát triển kỹ năng hợp tác và tư duy làm việc nhóm.
Còn với thử thách Solar System Simulation, sử dụng công nghệ thực tế ảo để cho phép học sinh quan sát hình ảnh mô phỏng của Hệ Mặt Trời, giúp học sinh hiểu thêm về thiên văn học và vật lý.
Tại True North, các môn học STEAM (Science, Technology, Engineering, Art, Math – Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học) rất được chú trọng và đẩy mạnh. Giáo dục STEAM khuyến khích học sinh tìm ra giải pháp thực tế cho mỗi vấn đề mà các em gặp phải, đào tạo những người 'đưa ra giải pháp' (problem-solvers), thúc đẩy học sinh 'dám thất bại', 'dám thử' đồng thời rút kinh nghiệm từ đó.
Đại diện nhà trường cho hay, STEAM (với tiền thân là STEM) nắm vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh thành công trong thế kỷ 21, đồng thời giúp học sinh nắm thế chủ động trong một tương lai nghề nghiệp đầy biến động.
Chứng kiến học sinh được tiếp xúc với các hoạt động STEAM từ sớm, Trung tướng Phạm Tuấn rất vui mừng. Ông cho rằng việc học sinh được tiếp xúc với robot, học đi đôi với hành, có nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, sáng tạo sẽ giúp các em phát triển được nhiều tiềm năng hơn trong tương lai.