Ngày 9/3, Đài Phát thành - Truyền hình Hà Nội chính thức phát sóng chương trình ôn tập dành cho học sinh lớp 9 và 12. (Ảnh chụp màn hình).
Học sinh cuối cấp được 'bổ trợ' trên sóng truyền hình
Từ ngày 9/3, nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đã cho học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT tạm nghỉ học đến hết 15/3 để phòng chống dịch. Trong thời gian học sinh tiếp tục nghỉ học, nhiều nơi đã đẩy mạnh các hoạt động dạy học theo hình thức trực tuyến đa dạng như: Giao bài tập, dạy học, ôn tập thông qua các ứng dụng trên Internet. Đặc biệt, một số địa phương đã áp dụng hình thức dạy học trên truyền hình.
Cụ thể, tại Hà Nội, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, để phòng chống dịch bệnh, học sinh, học viên các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học trên địa bàn nghỉ học từ 9 đến hết ngày 15/3. 'Trong thời gian học sinh nghỉ học, các đơn vị trường học tiếp tục triển khai thực hiện việc hướng dẫn học sinh tự học và tự ôn tập tại nhà; thường xuyên liên hệ với gia đình, cập nhật, nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe của học sinh', ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay.
Ngoài hình thức dạy, tổ chức ôn tập cho học sinh thông qua Internet… Bắt đầu từ ngày 9/3, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức sản xuất và phát sóng Chương trình học trên truyền hình các môn học dành cho học sinh lớp 9 và 12. Các bài giảng trên truyền hình tiếp nối trong chương trình lớp 9 và lớp 12 năm học 2019 - 2020 do các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao giảng dạy. Điều này sẽ góp phần củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh trước các kỳ thi sắp tới. Đối với lớp 9 gồm các môn: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh; lớp 12 gồm các môn: Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.
Trước đó, nhiều tỉnh, thành cũng đã triển khai dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trên sóng truyền hình. Cụ thể, tại TP.HCM, học sinh lớp 9 ôn tập môn Văn, Toán, Tiếng Anh; lớp 12 ôn Toán, Lý, Hoá trên kênh HTV Key, từ ngày 24/2. Chương trình được Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện nhằm giúp học sinh cuối cấp ôn tập trong thời gian nghỉ tránh dịch. Sở GD&ĐT An Giang cũng đã phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình ôn tập kiến thức học kỳ I, năm học 2019 - 2020 dành cho học sinh lớp 9 (các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và học sinh lớp 12 (các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử, Giáo dục công dân).
Sinh viên học chính khóa theo hình thức online
Trong tuần qua, nhiều trường đại học, cao đẳng đã cho sinh viên quay trở lại học tập, tuy nhiên trong ngày 8/3, khá nhiều trường đã ra thông báo cho sinh viên nghỉ học tiếp đến hết ngày 15/3. Trong thời gian nghỉ, để đảm bảo tiến độ năm học, các trường đã áp dụng hình thức đào tạo trực tuyến và được tính như học chính khóa đối với sinh viên. Tại ĐH Quốc gia Hà Nội, sinh viên được nghỉ từ ngày 9/3 đến ngày 15/3, các trường, khoa trực thuộc không tổ chức cho sinh viên, học viên sau ĐH học tập trung tại giảng đường mà triển khai dạy – học trực tuyến nghiêm túc, bài bản, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Còn tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, GS.TS Nguyễn Văn Minh thông tin: 'Nhà trường đã có thông báo trong thời gian từ ngày 9 đến 15/3, sinh viên toàn trường không đến giảng đường. Nhà trường khuyến cáo sinh viên ở tại chỗ, không di chuyển về địa phương, tới nơi đông người… Thời gian nghỉ, nhà trường yêu cầu sinh viên nghiêm túc học trực tuyến theo thời khóa biểu và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế'.
Các trường khác như: ĐH Mở Hà Nội thông báo sinh viên của trường vẫn nghỉ học ở nhà học trực tuyến theo thời khóa biểu bình thường. Trên hệ thống đào tạo trực tuyến, giảng viên điểm danh bằng việc xuất báo cáo, có chấm điểm, vào điểm các môn học.
Còn theo thông báo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, từ ngày 9 - 15/3, sinh viên toàn trường tạm thời nghỉ học và chỉ học các lớp mở online theo đúng giờ thời khóa biểu mà nhà trường đã thông báo. Những lớp khác, lớp đặc thù không thể chuyển sang online được (thí nghiệm, thực hành...) sẽ học chậm một tuần và có kế hoạch học bù.
Tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, từ ngày 9/3 đến hết ngày 15/3, tất cả các học phần sẽ học theo hình thức Blended learning (hình thức học tập trực tuyến thông qua phần mềm). Theo nhà trường, thông qua hệ thống, giảng viên có thể tạo các bài học theo tuần, đưa các bài kiểm tra tự luận, trắc nghiệm… để sinh viên tự học, tự kiểm tra và đánh giá sự tiến bộ của mình. Thời gian qua, nhà trường đã mở các lớp đào tạo ứng dụng phần mềm trong giảng dạy cho toàn thể giảng viên trong trường, đặc biệt là sau thời điểm 10/2.
Theo Bộ GD&DT, tính đến 15h30 ngày 8/3, 63/63 tỉnh, thành phố cho học sinh mầm non, tiểu học và THCS tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 15/3. Trong đó, có 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Sơn La và Tiền Giang cho toàn bộ học sinh từ mầm non tới THPT, giáo dục thường xuyên nghỉ học đến hết ngày 15/3. Có 56/63 tỉnh, thành phố cho học sinh THPT đi học trở lại từ 9/3, riêng Tuyên Quang, Vĩnh Long chỉ cho học sinh khối 12 đi học. Đối với giáo dục đại học, có 54 cơ sở dự kiến nhập học từ ngày 9/3 và 24 cơ sở nhập học từ ngày 16/3. Hiện còn 24 trường đại học chưa có kế hoạch đi học trở lại trong tháng 3/2020.