Bước vào năm học mới, hầu hết học sinh lớp 1 đều chưa biết đọc, biết viết nên khi học trực tuyến nảy sinh nhiều vấn đề buộc giáo viên và phụ huỵnh phải nỗi lực vượt qua.
Giáo viên, phụ huynh làm việc gấp đôi, gấp ba
Theo thời khóa biểu, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) được nhà trường sắp xếp học vào lúc 19h15. Để con gái kịp giờ học buổi đầu tiên của năm học mới, vừa đi làm về chị Nguyễn Thu Hương (quận Hoàn Kiếm) đã vội vàng chạy vào bếp, nấu bữa cơm chiều.
Sau tuần đầu làm quen với cách tương tác trên máy tính, chị Hương chia sẻ, con gái chị đã quen và bắt đầu thích học với cô giáo chủ nhiệm của mình. Tuy nhiên, do con chưa biết đọc, biết viết nên chị Hương khá vất vả. Trong khi đó, do tính chất công việc, chị Hương vẫn phải đi làm dù Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội. Cả ngày đi làm, tối về lại làm cô giáo của con khiến chị Hương luôn cáu gắt vì mệt mỏi.
Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh (quận Hà Đông) học trực tuyến.
Buổi học online đầu tiên của con diễn ra khá thuận lợi nhưng chị Hương tâm sự: 'Tôi lo nhất là dạy con viết. Nhiều nét chữ khó, con liên tục viết sai. Khi nhắc con viết lại thì con bật khóc, cho rằng mẹ bắt con viết nhiều. Cứ thế, hơn 1 tuần qua tối nào gia đình tôi cũng căng thẳng vì việc học của con'.
Bước vào môi trường tiểu học là bước vào môi trường mới, có nhiều thay đổi. Hoạt động chuyển từ vui chơi sang học tập của học sinh lớp 1, nhất là trong điều kiện học trực tuyến khiến giáo viên phải vất vả gấp đôi, gấp ba bình thường.
Cô Trịnh Thị Hằng, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, nếu như mọi năm không có dịch, giáo viên họp chuyên môn 1 tuần 1 lần thì năm học này, ngày nào các cô cũng họp trực tuyến để bàn bạc, lên phương án dạy học, soạn bài giảng phù hợp, hiệu quả cho học sinh.
Theo kế hoạch của nhà trường, học sinh lớp 1 học vào các buổi tối trong tuần. Sở dĩ có sự sắp xếp này bởi buổi tối hầu hết phụ huynh đều ở nhà nên có thể hỗ trợ cô và trò trong quá trình dạy và học trực tuyến. Cô Hằng cho biết, lịch học này sẽ thay đổi khi các con quen với hình thức học tập này.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là dạy học sinh viết chữ. Để khắc phục khó khăn này, mỗi giáo viên lớp 1 của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân tự trang bị thêm một thiết bị camera để vừa dạy vừa quay được tay của cô giáo cầm bút, đặt điểm viết.
Dù đã chủ động trong phương pháp dạy học nhưng cô Hằng tâm sự rằng, các cô khá áp lực vì phải gánh nhiều vai trò, vừa dạy học, vừa là kỹ thuật viên, kiêm diễn viên kịch để tương tác, cuốn hút học sinh vào các bài học. Dù chỉ dạy 2 tiết vào buổi tối nhưng các cô đều cảm thấy rất mệt, thậm chí sau tuần đầu làm quen với học sinh, có cô trong trường đã bị ốm sốt vì viêm họng.
Giáo viên cần làm gì?
Theo TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), dạy học tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2, giáo viên cần phải lấy sự hứng thú và tham gia của học sinh làm gốc. Ở lứa tuổi này, mỗi bài học nên là một trò chơi; kiến thức, kỹ năng cần hình thành chính là luật chơi; giáo viên, cha mẹ học sinh chính là bạn cùng chơi và công nghệ phải là đồ chơi.
TS Tôn Quang Cường phân tích, có 3 thách thức lớn đang đặt ra đối với dạy học trực tuyến học sinh lớp 1, đó là: sự bỡ ngỡ khi đồng thời áp dụng một phương thức dạy học mới, sự căng thẳng khi sử dụng tích hợp công nghệ và sự thiếu hụt mang tính hệ thống của việc bảo đảm hạ tầng, thiết bị và các tài nguyên số cần thiết.
Để tạo hứng thú cho học sinh lớp 1, giáo viên phải 'game' hóa nhiều nội dung bài học.
Để tổ chức các hoạt động dạy học trực tuyến hiệu quả, TS Tông Quang Cường cho rằng, mỗi bài học là một bộ hồ sơ nội dung học liệu số với các định dạng khác nhau như: ảnh, âm thanh, video clip, thẻ trực quan. Giáo viên nên chuẩn bị 2 đến 3 video ngắn, vui nhộn có nhạc để chạy giữa giờ giải lao; sử dụng một số ứng dụng trò chơi trực tuyến để học sinh hứng thú trong giờ học. Đồng thời, giáo viên thường xuyên khen ngợi, biểu dương, nói lời tích cực; hình ảnh hóa, trực quan hóa tối đa mọi hoạt động.
Theo TS Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng Bộ môn Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Giáo dục, (Đại học Quốc gia Hà Nội), giải pháp then chốt trong dạy học trực tuyến là phải cấu trúc lại bài giảng phù hợp, không thể mang bài giảng truyền thống vào bài giảng trực tuyến.
Giáo viên phải 'game' hóa nhiều nội dung, tạo hứng thú cho trẻ, tiết học chỉ nên cấu trúc 30 phút, không quá 2 giờ/buổi học. Song song với đó, việc kết nối với giáo viên và cha mẹ học sinh bằng các kênh rất quan trọng, kịp thời để điều chỉnh nội dung và hoạt động phù hợp tiến độ.
TS Nguyễn Quang Tiệp cho rằng: 'Giáo viên và phụ huynh nên coi đây là cơ hội để trải nghiệm và đồng hành trong sự nghiệp học hành của con'.